Lãi suất cho vay sẽ tăng hay giảm?

Chủ nhật, 03/12/2017, 07:38 AM

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, mức thanh khoản này sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng cuối năm 2017, và NHNN sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay ổn định.

Vào thời điểm cuối năm, thông thường nhiều ngân hàng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút lượng tiền gửi. Đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng quốc doanh đã rục rịch tăng nhẹ lãi suất đầu vào.

Lãi suất huy động có thể sẽ ít biến động trong phần còn lại của năm, thậm chí đến nửa đầu năm 2018.

Lãi suất huy động có thể sẽ ít biến động trong phần còn lại của năm, thậm chí đến nửa đầu năm 2018.

Ngân hàng vẫn “bình chân như vại”

Theo biểu lãi suất mới nhất của BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.

Mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của BIDV như vậy đang tương đương với của VietinBank và cao hơn mặt bằng lãi suất ở Vietcombank.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho biết: Trong quá khứ, một số ngân hàng trong top đầu đã nhiều lần thay đổi lãi suất theo cả hai chiều, tăng hoặc giảm, thì có thể sẽ khiến cho cả thị trường phản ứng theo sau. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, dường như các ngân hàng vẫn đang “bình chân như vại” trước việc tăng lãi suất.

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho rằng, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá không chịu nhiều áp lực và lạm phát trong tầm kiểm soát của Chính phủ, sẽ tạo bàn đạp hỗ trợ quá trình điều hành lãi suất. Ngoại trừ yếu tố đến từ áp lực thời vụ mang tính chất ngắn hạn, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ không chịu áp lực lớn.

Ổn định mặt bằng lãi suất huy động

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động. Theo đó, lãi suất huy động có thể sẽ ít biến động trong phần còn lại của năm, thậm chí đến nửa đầu năm 2018.

Ông Nguyễn Lan - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xuất Nhập khẩu Dệt may, cho biết, lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có ngân hàng ở mức 6%. Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay phổ biển ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên… Mức lãi suất này so với năm 2016 tương đối ổn định…

Trong những tháng còn lại của năm 2017, chủ trương của NHNN là thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất cho vay là rất khó khăn. Bởi vì, quý 4 là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản bị ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ, nên các ngân hàng sẽ không mạo hiểm giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, ngoại trừ các ngân hàng có điều kiện cắt giảm chi phí quản lý hành chính, hoặc đã giảm bớt được gánh nặng nợ xấu.

Ngoài ra, CPI quý 4 có thể sẽ tăng cao do giá lương thực, thực phẩm tăng vì yếu tố mùa vụ và ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt; giá xăng dầu tăng do tác động từ thị trường quốc tế; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với những người chưa có bảo hiểm y tế;...

Theo Hà Phương - DĐDN

largeer