Lo tiêu cực, lãng phí với sữa học đường, nhà hát nghìn tỷ…

Thứ ba, 09/10/2018, 09:22 AM

Tại kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) diễn ra ngày 8/10, xem xét thông qua các tờ trình về chương trình sữa học đường và dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM tỏ ra lo ngại nếu không giám sát chặt chẽ sẽ phát sinh tiêu cực, lãng phí…

Từ năm học 2018 – 2019, học sinh mẫu giáo và lớp 1 tại 5 huyện ngoại thành TP.HCM sẽ được tham gia chương trình “Sữa học đường”

Từ năm học 2018 – 2019, học sinh mẫu giáo và lớp 1 tại 5 huyện ngoại thành TP.HCM sẽ được tham gia chương trình “Sữa học đường”

Lo gánh nặng cho gia đình thu nhập thấp

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, nếu căn cứ vào tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp đạt thương hiệu quốc gia cho chương trình sữa học đường thì hiện nay chỉ có có 2 đơn vị đủ điều kiện là TH True milk và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đại biểu này đề nghị làm rõ tỉ lệ chiết khấu sản phẩm sữa phổ biến hiện nay là bao nhiêu, từ đó làm rõ tỉ lệ hỗ trợ 20% của nhà sản xuất đã thực sự hợp lý hay chưa hay cần hỗ trợ nhiều hơn. Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, chương trình sữa học đường liên quan đến hàng triệu học sinh khiến dư luận rất quan tâm. Bà Trâm tỏ ra lo ngại sau khi đề án sữa học đường được áp dụng sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm cách móc nối, đi đêm để lấy bằng được hợp đồng cung cấp. Bà Trâm cảnh báo nếu làm không cẩn thận thì dự án này sẽ gây tai tiếng, mất niềm tin của phụ huynh và học sinh.

“Việc đấu thầu cần công khai, minh bạch, có sự vào cuộc giám sát của cơ quan chức năng và báo chí”, bà Trâm đề nghị. Một số đại biểu cho rằng thời gian thực hiện đề án tương đối ngắn, chỉ khoảng 2 năm thì khó đảm bảo phát triển thể chất của trẻ, ngoài tình trạng suy dinh dưỡng, có không ít trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học bị béo phì, dung nạp thêm sữa sẽ bất lợi cho sự phát triển thể chất của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh chi trả 50% tiền sữa sẽ tạo ra gánh nặng cho các gia đình thu nhập thấp…Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lê Hồng Sơn, trong quá trình xây dựng đề án, Sở GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến các sở ban ngành liên quan, 24 quận - huyện và phụ huynh, học sinh, nhà trường… Chương trình hoàn toàn tự nguyện, không lấy việc tham gia hay không tham gia để đánh giá học sinh.

“Sở GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh. Phát ra 260.695 phiếu, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% phiếu đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần. Quy trình đấu thầu sẽ thực hiện đúng luật, công khai rộng rãi. Quý vị đại biểu cứ yên tâm”, ông Sơn cam kết.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, với những trẻ dị ứng với sữa, khi đi khám sức khỏe, bác sĩ đã cho chế độ riêng. Với đa số trẻ, sữa tươi tiệt trùng sử dụng như nhau, không có sự khác biệt. Riêng với những trẻ béo phì, việc tham gia chương trình sữa học đường không ảnh hưởng nhiều đến các em, bởi liều lượng chỉ là 180 ml/ngày (1 hộp sữa).

Cân nhắc xây thêm nhà hát nghìn tỷ

Thẩm tra tờ trình của UBND TP.HCM, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cần thiết phải xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, nhà hát cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, thiết kế phải đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.

“UBND TPHCM cần chọn nhà thầu có năng lực và tránh lãng phí khi xây dựng nhà hát này”, ông Dũng lưu ý.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy nói, rất đồng tình với việc TP.HCM cần phải có công trình mang tính biểu tượng nhưng để triển khai dự án nhà hát nghìn tỷ. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế thì cần cân nhắc vì hiện nay TP.HCM đã có Nhà hát Hòa Bình 1.300 chỗ, Nhà hát Thành phố 1.400 chỗ.

“Các nhà hát trên đã tận dụng hết công suất chưa? Nhu cầu thưởng thức của xã hội về giao hưởng, vũ kịch có cao? Nếu làm nhà hát đa năng thì quy mô 1.200 chỗ liệu có đáp ứng”, bà Thúy nói.

Một số đại biểu tỏ ra băn khoăn khi thể loại nhạc giao hưởng, ca vũ kịch tương đối kén khán giả, trong khi để hoạt động bền vững thì cần phải có thị trường. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Thanh Nhân, Nhà hát TP.HCM quy mô nhỏ, chỉ có 468 ghế? Còn nhà hát Hòa Bình đều đã xuống cấp. Vì vậy, TP.HCM đang tổ chức biểu diễn các chương trình giao hưởng, nhạc vũ kịch ở nhiều nơi, kể cả …tầng hầm Thư viện tổng hợp TP.HCM.

“Rất nhiều đoàn nghệ sỹ nước ngoài đến TP.HCM, chúng tôi rất buồn và đau. Cơ sở vật chất của mình như thế. TP.HCM đưa nghệ sỹ ra nước ngoài nhưng để có một địa điểm xứng tầm thì không có, ông Nhân nói.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM, kể: Tôi đi dự nhiều buổi hòa nhạc, vũ kịch,… nhìn thấy nghệ sỹ biểu diễn rất tội. Nghệ sỹ Bùi Công Duy thể hình to lớn, đứng biểu diễn trên sân khấu Nhà hát TP.HCM xoay xở rất khó khăn. TP.HCM rất cần có một nhà hát quy mô hơn.

Triển khai cơ chế đặc thù còn chậm

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc triển khai một số nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM còn chậm so với kế hoạch. Đơn cử như nghị quyết về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đến nay mới hoàn chỉnh xong tiêu chí đánh giá. Đề án ủy quyền mới lấy ý kiến xong 1 bộ ngành trung ương do một số nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Theo đề án sữa học đường được kỳ họp thông qua, trong năm học 2018-2019, TP.HCM sẽ triển khai đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm đối với học sinh lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong năm học 2019-2020 sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh lớp 1. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2018-2020 là gần 1.135 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỷ đồng (50% kinh phí mua sữa).

Huy Thịnh

Theo Tienphong

largeer