“Loạn” nhân sự hàng không, rồi sao nữa?

Chủ nhật, 16/06/2019, 16:37 PM

Câu chuyện “loạn” nhân sự hàng không có lẽ sẽ không đơn thuần dừng lại ở việc thiếu người, chậm bay, trễ chuyến, ùn tắc khách, mà hơn thế là mối lo ngại về an toàn bay của hàng triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ bay.

Từ thông tin xấu lan truyền…

Trưa 15/6, thông tin hàng loạt chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air bị delay, thậm chí phải hủy chuyến vì đội ngũ phi công đình công đòi quyền lợi lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Ngay sau đó, hãng này xác nhận thông tin và cho biết, nguyên nhân đổi chuyến, hủy chuyến dày đặc trong 2 ngày 14 và 15/6 là do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận tàu bay mới. Việc tàu bay mới giao không đúng hạn đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác một số chuyến bay của Vietjet. “Thông tin phi công đình công hoàn toàn không chính xác”, thông báo của Vietjet Air phủ nhận thông tin lan truyền mạng xã hội.

Trước đó, tháng 6/2018, hàng loạt phi công Vietnam Airlines cũng đình công khi không tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác với hãng bay này.

Giới chuyên gia hàng không nhận định, “loạn” nhân sự hàng không là hậu quả tất yếu trong bối cảnh nhu cầu ngay càng cao của hành khách. Số lượng hành khách tăng, buộc phải thêm chuyến, tăng cường tàu bay và phi hành đoàn, trong khi việc đào tạo phi công hiện nay của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài, không có sự chủ động về nhân lực. Đã vậy, một số hãng còn có chính sách, chế độ chưa tốt dành cho đội ngũ phi công dẫn đến tình trạng “nhảy việc” của lực lượng quan trọng này.

Empty

Nhận định này cũng hoàn toàn phù hợp với phát biểu trước đây của ông Dương Trí Thành - CEO Vietnam Airlines khi ông này cho rằng, để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321, hãng cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản. Con số này thậm chí còn gấp đôi (7-8 năm) cho một phi công lái Airbus A350 hay Boeing 787.

Hành khách lo lắng an toàn

Có thể thấy, việc quản lý phi công của các hãng hàng không Việt Nam đang có vấn đề. Và thiếu hụt phi công, thiếu chủ động về đào tạo nguồn lực bay, chế độ đãi ngộ chưa tốt là 2 trong số những vẫn đề nổi cộm cần được khắc phục ngay. Nếu không, tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh, làm mất cân đối về phân bổ nhân sự bay giữa các hãng hàng không Việt Nam sẽ còn kéo dài, đe dọa nghiêm trọng an toàn các chuyến bay. Điều này đang khiến nhiều hành khách lo ngại.

Hành khách Ngô Thanh Hoàng (ngụ Tân Phú, TP.HCM), có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều 15/6 lo lắng, thiếu hụt phi công thực sự là điều đáng ngại. Có thể việc thiếu hụt nghiêm trọng buộc các hãng phải bổ sung nhanh, sẽ dẫn đến quá trình tuyển dụng, đào tạo, sử dụng phi công không đảm bảo đầy đủ yêu cầu kỹ thuật. Mà phi công không được đào tạo đủ thời gian bài bản sẽ yếu, lúc này an toàn bay thật sự là vấn đề mà hành khách quan tâm.

Không lo ngại quá nhiều về công tác đào tạo gấp rút đề bổ sung phi công cho các hãng bay, nhưng hành khách Võ Thành Nhân (ngụ Q.2, TP.HCM) nói: “Tôi sợ rằng thiếu phi công sẽ dẫn đến ép bay. Đội ngũ phi công làm việc cường độ cao, quá giờ quy định vì tăng cường bay, sẽ dẫn đến mệt mỏi, sức khỏe suy giảm. Mà phi công mệt thì hành khách càng mệt hơn!”.

Loạn nhân sự hàng không có thể khiến các hãng bay Việt

Loạn nhân sự hàng không có thể khiến các hãng bay Việt "chết" trên sân nhà (ảnh: MSN.com)

Ngoài ra, tình trạng phi công “nhảy việc” giữa các hãng hàng không càng khiến cho vấn đề thêm trầm trọng. Nhu cầu khai thác cao trong khi chế độ đãi ngộ không như ý sẽ dẫn đến mất cân bằng trong việc phân bổ phi công cho từng hãng bay. Chưa kể đến nhu cầu tăng cao sẽ khiến các hãng hàng “chạy đôn chạy đáo” tìm cách bổ sung phi công một cách bát nháo, không đủ quy chuẩn.

Hải Sâm - Đăng Kiệt

Theo NTD

largeer