Mắt Biếc: giọt nước mắt nghẹn ngào của điện ảnh Việt 2019

Thứ sáu, 27/12/2019, 13:58 PM

Mắt biếc trở thành phim điện ảnh có doanh thu cán mốc 50 tỷ nhanh nhất của điện ảnh Việt. Vượt lên cả tình yêu của một đời người, đó còn là câu chuyện về sự “trở về” của người con sinh ra từ làng và cả những hồi ức thuở thiếu thời trong trẻo, biêng biếc trong đôi mắt của những người đã trở thành “người lớn”

Ngạn  có phải kẻ “thất bại” giữa những thay đổi của cuộc đời?

Đầu tiên, cùng điểm sơ qua những nhân vật nam chính trong truyện Nguyễn Nhật Ánh. Các nhân vật của ông đều có điểm chung là thích “hồi tưởng” những điều bình dị của tuổi thơ và gắn bó với làng quê Việt Nam. Như Mùi của “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” thường trăn trở “vì sao người lớn cứ áp đặt trẻ con nhìn đời qua cách của họ” rồi thắc mắc “tại sao lại gọi cái bàn ùi là cái bàn ủi”; Thiều và Tường của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” lại vẽ lên tuổi thơ của đám trẻ con thập niên 80 với những ngày bắt nhái, câu cá và câu chuyện con ma dưới cây đa của làng. Ngạn cũng vậy, Ngạn yêu cái làng nhỏ Đo Đo và cả đôi mắt biếc lấp lánh giữa rừng sim của Hà Lan, yêu những con tò he xanh đỏ tím vàng và trái thị thơm hái trộm cho người thương. Có thể nói, thông qua các nhân vật của mình, Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ hồi tưởng, tiếc nuối lẫn trân trọng với làng quê Việt Nam những ngày còn “cây đa, giếng nước, mái đình cổ xưa”. Từ đó khắc họa những tình cảm từ thuở ban sơ cho đến “khi chúng ta già” của những người con quê hương.

Đặt giữa tư duy hiện đại, Ngạn của những năm 80 trở nên lạc lõng, cô đơn và thậm chí là hèn nhát. Nhiều độc giả tức giận vì Ngạn cứ mãi hồi tưởng Đo Đo và mắc kẹt ở cái làng ấy. Theo họ, Ngạn không chịu chạy theo tình yêu, không dám ở lại phố phường, và vì vậy Hà Lan chẳng thể yêu Ngạn. Ai lại chọn yêu và quay về cái nơi tù túng ấy khi đã quen với phố thị xa hoa được? Tuy nhiên, có bất công khi áp đặt tư duy “xê dịch” vào Ngạn? Tại sao cứ phải là Ngạn đi mà không phải là Hà Lan trở về?

Chí hướng của mỗi người trong cuộc đời không giống nhau, có những người thích xê dịch, xông pha vào những khó khăn, gian khổ để chứng minh bản thân rồi trở thành kẻ dẫn đầu. Có người lại lặng lẽ hi sinh, làm phần gian khổ để cống hiến cho đời; và đương nhiên cũng có những người như Ngạn, thích cuộc sống bình yên bên những người thân thuộc từ tấm bé, cảm thấy lạc lõng giữa phố thị, chán ghét vũ trường ồn ào hay những tiếng nẹt pô nhức óc, luôn nhớ quê hương và chọn gắn bó với quê hương.

Người con trở về nhưng lại không thể tìm lại người bạn thuở thiếu thời

Người con trở về nhưng lại không thể tìm lại người bạn thuở thiếu thời

Chí hướng không chia lớn nhỏ, mỗi người đều có quyền chọn lựa cho riêng mình. Nên sẽ thật bất công khi nói rằng Ngạn trốn tránh hay mắc kẹt ở Đo Đo. Ngạn chọn trở về, chọn dạy học, chọn trở thành ông giáo của trường làng. Đó là lựa chọn, chứ không phải là bị ép buộc hay trốn tránh thời cuộc.

Vì vậy, vượt qua khỏi mối tình cả đời với Hà Lan, Ngạn còn là đại diện cho những người trẻ chọn đi để trở về. Đại diện cho những đứa con do làng sinh ra, lớn lên, tản đi khắp mọi miền nhưng rồi vẫn“neo đậu bến quê”, sống và cống hiến cho làng. Ai cũng chọn những bước nhảy đầm của thành thị xa hoa, thì ai sẽ quay lại để dạy lớp trẻ nhỏ của làng, ai đàn ghita bên rừng sim hồi ức?

Ngạn không thất bại, chỉ là Ngạn chọn cuộc đời khác với cái mà đa phần độc giả nghĩ nên chọn ở một nhân vật nam chính.

Nên xem phim Việt dưới góc nhìn nào?

Phim của Victor Vũ luôn đáp ứng được phần “nhìn” và “nghe”. Hình ảnh, màu phim đều được trau chuốt nhưng vẫn không mất đi sự mộc mạc phải có của một bộ phim về làng quê. Nhạc phim cũng được đầu tư và đã được phân tích kỹ bởi rất nhiều khán giả có chuyên môn.

Giống như việc con người ta phải tiến bộ hơn qua mỗi ngày, Victor Vũ phải làm tốt hơn vì vốn dĩ anh đã làm rất tốt ở nhiều tác phẩm trước đó. Vô hình chung, khán giả kỳ vọng quá nhiều vào Mắt Biếc, kỳ vọng hơn hẳn những phim Việt khác.

Mắt Biếc còn chịu áp lực bởi nguyên tác vốn được cho là một trong các tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Việc phải tìm ra diễn viên có ngoại hình phù hợp nhưng diễn xuất vẫn bảo đảm không phải là chuyện dễ dàng. Khắc họa mối tình trọn đời của Ngạn trên phim lại càng khó khăn hơn khi tác phẩm gốc đã miêu tả quá cặn kẽ, tinh tế đến từng câu thơ về mối tình si “mắt biếc” trong lòng Ngạn. Làm sao có thể thắng được trí tưởng tượng của độc giả với Ngạn qua trang giấy. Làm sao để đưa mối tình từ sách sang phim mà không tù túng hay gượng gạo, để có thể lột tả trọn vẹn những xúc cảm của Ngạn “điện ảnh” như Ngạn dưới bút lực của Nguyễn Nhật Ánh đây?

Không thể nói may mắn khi Victor Vũ tìm thấy Trần Nghĩa, phải nói  rằng đó là thành quả cho cái tâm và tầm của Victor Vũ khi miệt mài đi tìm Ngạn và Hà Lan. Trần Nghĩa với đôi mắt tràn ngập ưu tư, ngoại hình thư sinh và đôi vai gầy guộc cùng những giọt nước mắt từ lặng lẽ đến nức nở đã khắc họa thành công Ngạn si tình của Nguyễn Nhật Ánh. Thậm chí nhân vật Hà Lan cũng trở nên lu mờ trước Nghĩa. Nói không ngoa khi “Mắt biếc”, đôi mắt mà bà nội của Ngạn từng nói “buồn khổ” là để miêu tả Ngạn thay vì Hà Lan.

Đôi mắt lẫn diễn xuất của Hà Lan trong trẻo, tinh khôi thuở trăng tròn nhưng chỉ dừng lại ở đó. Cái “biếc” xanh lam thăm thẳm vương những buồn thương lại chỉ có ở Ngạn, ở đôi mắt và diễn xuất của Ngạn mà thôi.

Không nói quá khi Trần Nghĩa chính là Ngạn của Nguyễn Nhật Ánh

Không nói quá khi Trần Nghĩa chính là Ngạn của Nguyễn Nhật Ánh

Có người kỳ vọng rồi thất vọng, nhưng cũng có người kỳ vọng rồi mãn nguyện với những điều mà phim thể hiện. Có tiếng vỗ tay khi đoàn tàu đưa Ngạn rời khỏi Đo Đo, có tiếng sụt sùi khi “có chàng trai viết lên cây” vang lên cùng tiếng khóc của Ngạn, có những trái tim lạc nhịp đớn đau như đôi chân Hà Lan dẫm lên đá nhọn để chạy theo “chuyến tàu cuối cùng”, nhưng cũng có những cái chép miệng “ồ phim chỉ được đến thế thôi”…

Có quá nhiều ý kiến lẫn tranh luận chuyên môn và cả không chuyên về Mắt biếc. Tuy nhiên mọi đánh giá chỉ là lời tham khảo để độc giả có thêm nhiều góc nhìn cho phim. Từ mỗi góc sẽ thấy được cái hay và cái dở riêng. Nếu khán giả là fan của nguyên tác, sẽ không lạ khi họ thấy thất vọng do 120 phút chưa tả được hết câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng nếu là người xem với tâm thế tách khỏi nguyên tác và tìm những khoảnh khắc “chạm tim” thì cũng không tiếc lời khen và nước mắt.

Phim điện ảnh Việt Nam từ khi có Victor Vũ bỗng trở nên mộc mạc và gần gũi, dung dị như bầu trời xanh lam in hình trong đôi “mắt biếc” thuở thiếu thời.

Hoài Viễn

Theo PLN

largeer