Một cổ phiếu tăng giá “khủng khiếp”: 346% trong chưa đầy một tháng

Thứ ba, 05/05/2020, 09:48 AM

Cổ phiếu MLS của Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco trong phiên 4/5 dù đã ngắt mạch tăng trần song vẫn tăng giá mạnh 2.700 đồng tương ứng 12,11%/cổ phiếu lên 25.000 đồng.

Cổ phiếu ngành chăn nuôi được cho là hưởng lợi trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao (ảnh: MLS)

Cổ phiếu ngành chăn nuôi được cho là hưởng lợi trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao (ảnh: MLS)

Trước đó, MLS đã trăng trần 4 phiên liên tiếp và có chuỗi tăng không ngừng nghỉ kể từ phiên 8/4 tới nay. Theo đó, trước phiên 8/4, MLS cũng chính thức thiết lập đáy tại 5.600 đồng. Tính ra, kể từ mức đáy, MLS đã tăng giá tới 19.400 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng mức tăng “phi mã” trên 346%.

Trong bối cảnh đầu tư, kinh doanh đều khó khăn như hiện tại, việc bắt trúng đáy MLS mang về khoảng lợi nhuận “khủng”, “ăn bằng lần” như trên không hề dễ dàng. Bởi thực tế, mã này tuy tăng giá mạnh như thanh khoản khiêm tốn.

Khối lượng giao dịch bình quân của MSL chỉ 436 cổ phiếu/phiên trong suốt 1 năm qua và được cải thiện mạnh lên hơn 92 nghìn cổ phiếu/phiên trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

Phiên chiều ngày 4/5 diễn ra tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh và các chỉ số đều có xu hướng nới rộng biên độ giảm.

Kết phiên, VN-Index mất 6,64 điểm tương ứng 0,86% còn 762,47 điểm; HNX-Index giảm 1,12 điểm tương ứng 1,05% còn 105,72 điểm và UPCoM-Index cũng mất 0,31 điểm tương ứng 0,59% còn 51,91 điểm.

Thanh khoản đạt 285,56 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.001,06 tỷ đồng và 40,34 triệu cổ phiếu tương ứng 295,81 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM có 10,53 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 125,43 tỷ đồng.

Số lượng mã giảm hoàn toàn áp đảo so với số mã tăng. Tính trên quy mô toàn thị trường, có 439 mã giảm giá, 59 mã giảm sàn so với 245 mã tăng, 54 mã tăng trần.

VHM “gánh” thị trường nhưng không đủ ảnh hưởng “nâng” chỉ số lên. Với vốn hoá lớn thứ 3 thị trường (sau VIC và VCB), mã này tăng 1.300 đồng lên 64.900 đồng và đóng góp cho VN-Index 1,24 điểm.

Bên cạnh đó, GAS cũng tăng lên 63.800 đồng; VRE tăng lên 23.450 đồng, TCB tăng lên 17.400 đồng, CTG tăng lên 20.050 đồng…

Chiều ngược lại, SAB giảm tới 8.000 đồng còn 155.000 đồng/cổ phiếu và qua đó gây thiệt hại cho VN-Index 1,46 điểm.

Không những thế, hàng loạt mã lớn cũng mất giá mạnh: MWG giảm 2.300 đồng còn 79.400 đồng, BHN giảm 1.900 đồng còn 54.100 đồng; MSN cũng giảm 1.500 đồng còn 57.300 đồng; VNM giảm 1.400 đồng còn 97.600 đồng.

Theo nhận định của BVSC, VN-Index dự báo sẽ điều chỉnh về vùng 755-760 điểm trong phiên 5/5. Nếu không giữ được vùng hỗ trợ này, chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ mạnh 700-730 điểm trong ngắn hạn.

Thị trường được cho là sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo kết quả lợi nhuận quý 1 và kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, tác động tiêu cực từ Covid19 có thể khiến kết quả kinh doanh quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Điều này sẽ tạo ra lực cản đáng kể đối với đà hồi phục của các nhóm cổ phiếu.

Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại nếu tiếp tục kéo dài có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý không tốt và có thể khiến cho áp lực bán gia tăng mạnh khi diễn biến thị trường có sự chuyển biến xấu đi.

Do đó, chiến lược đầu tư trong giai đoạn hiện tại là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường.

Mai Chi

Theo dantri.com.vn

largeer