Một mình lái xe tay ga đi 6.000 km trong 33 ngày chỉ để chụp rác bờ biển

Thứ sáu, 09/11/2018, 13:51 PM

Đầu tháng 8/2018, trong 33 ngày rong ruổi trên cung đường 6.000 km dọc bờ biển bằng chiếc xe tay ga Yamaha NVX 155c, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (nghệ danh là Hùng Lekima) đã chụp được hơn 3.000 bức ảnh và nhiều thước phim tư liệu về sự ô nhiễm dọc bờ biển. Được biết đây là dự án chụp ảnh và quay phim về ô nhiễm môi trường biển di chuyển bằng xe tay ga đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với anh về mục đích, ý nghĩa của chuyến đi này.

Một bãi biển dài cả km toàn rác và rác ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (cách Phan Thiết khoảng 80 km)

Một bãi biển dài cả km toàn rác và rác ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (cách Phan Thiết khoảng 80 km)

Bắt đầu từ đâu và từ khi nào anh có ý tưởng này?

Cách đây một năm, trong chuyến photo tour đi Butan, mình đã đọc được thông tin nói rằng hiện có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trong nước biển. Ước tính mỗi năm có hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, trong đó 5 nước đứng đầu danh sách đã chiếm đến 55 – 60%. Và Việt Nam của chúng ta đứng thứ 4/192 quốc gia ven biển trên thế giới có lượng xả rác thải nhựa ra biển đáng báo động. Tổng lượng nhựa đi vào môi trường biển ở Việt Nam là 12,2 triệu tấn/năm. Một con số cực kỳ khủng khiếp.

Đã từng đi hết tất cả các tỉnh thành ven biển của đất nước, mình nhận thấy biển Việt Nam đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân chính là do nhận thức của đa số người dân còn hạn chế. 

Mình muốn kể một câu chuyện chân thực và đầy thuyết phục bằng chính hình ảnh với mong muốn rằng các bức ảnh này sẽ thay đổi nhận thức không chỉ của người dân mà còn tác động đến suy nghĩ của các cấp quản lý của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Mất bao lâu để anh chuẩn bị cho chuyến đi?

Nghĩ thì mất một năm nhưng bắt tay vào lên kế hoạch và chuẩn bị mất khoảng sáu tháng. Kế hoạch là sẽ đi một mình bằng xe máy chạy dọc hơn 3.000 km đường bờ biển Việt Nam và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ biển Ninh Bình đến Hà Tiên – Kiên Giang trong 30 ngày và thực tế mình đã đi mất 33 ngày trên quãng đường gần 6.000 km. Giai đoạn 2 mình sẽ đi từ Đa Lộc - Thanh Hóa đến Móng Cái trong khoảng 12 ngày. Mình cũng sẽ đi đến một số huyện đảo nữa. Trước đó mình đã đi Phú Quốc, Bình Hưng, Hòn Câu... Đợt này mình dự  kiến đi thêm đảo ở Quảng Ninh. 

Empty

Mình dự kiến sẽ chụp được 3.000 bức ảnh chia thành 30 bộ ảnh, dựng được 10 video hoàn chỉnh. Sau chuyến đi này, cuối năm 2018 đầu 2019 mình sẽ tổ chức một triển lãm nhỏ tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. 

Năm chủ đề mình sẽ chụp là: Các bãi biển đẹp; Các bãi biển bị ô nhiễm bởi rác thải; Những ảnh hưởng của nó đến môi sinh; Các cơ sở xử lý rác thải trên toàn quốc; Hình ảnh về các hoạt động, phong trào làm sạch biển.

Bán đảo Nhơn Hải thuộc Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - một điểm du lịch nổi tiếng nhưng bạt ngàn rác thải và phế liệu xây dựng trên bãi biển

Bán đảo Nhơn Hải thuộc Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - một điểm du lịch nổi tiếng nhưng bạt ngàn rác thải và phế liệu xây dựng trên bãi biển

Anh nhận được phản ứng như thế nào của người dân địa phương nơi mà anh đi qua?

Hầu hết những người dân địa phương ở những nơi mình đi qua, họ đều rất thân thiện và hết sức tạo điều kiện cho mình tác nghiệp. Tuy nhiên người dân thì hơi hồn nhiên trong vấn đề thải rác ra biển. Họ vừa đổ xong mà khi mình hỏi thì họ lại bảo là rác từ biển dạt vào đó chứ. Mình thấy có những nơi họ tắm cùng với rác, sống bên bãi rác và đi bộ trên rác rất thản nhiên, thậm chí cảnh trẻ con chơi đùa cùng với rác thì mình thấy rất nhiều. Rác đã trở thành một vật thể tồn tại hiển nhiên bên cuộc sống của họ và họ xả thải rác ra biển như một thói quen.

Dân hồn nhiên đổ rác ra biển ở xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi (8/2018)

Dân hồn nhiên đổ rác ra biển ở xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi (8/2018)

Giáo dục là cái rất quan trọng để thay đổi nhận thức của người dân trong tương lai. Đây là một việc làm dài hạn và cần làm luôn trong hôm nay.

Phần lớn mọi người nghĩ ném một cái chai xuống biển sẽ không ảnh hưởng gì cả vì biển quá rộng lớn. Hậu quả là có quá nhiều rác thải nhựa trên mặt biển và dưới đáy biển đang hủy hoại sự sống trong lòng biển cũng như hệ sinh thái dọc bờ biển.

Sau chuyến xuyên Việt chụp ảnh rác thải nhựa, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã tổ chức Lễ phòng chống rác thải nhựa có sự tham gia của Liên hợp quốc và đại diện các đại sứ quán trên thế giới. Bộ đã mời mình trưng bày các bức ảnh về ô nhiễm môi trường biển nhằm cung cấp những hình ảnh trực quan sinh động về vấn đề này. Tại sự kiện, nhiều hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp thành viên cùng ký với nhau một cam kết hạn chế sử dụng túi nilon, nhựa nói chung.

Ngư dân phơi mực ngay cạnh bờ biển đầy rác tại cửa biển Cần Giờ, TP.HCM 8/2018

Ngư dân phơi mực ngay cạnh bờ biển đầy rác tại cửa biển Cần Giờ, TP.HCM 8/2018

Cũng nhờ những hình ảnh mình chia sẻ, Đoàn Thanh Niên TW đã phát động phong trào “Ngày thứ bảy nhặt rác ở bãi biển” trên toàn quốc. Tiêu biểu nhất là ở Bình Thuận, Đoàn Thanh Niên đã cung cấp các thùng rác đặt trên bãi biển cho bà con ngư dân bỏ rác vào đó. Rất nhiều chương trình nhặt rác như thế diễn ra và mình lại tiếp tục ghi hình và chia sẻ.

Mình có một niềm tin tuyệt đối rằng chúng ta chỉ cần chia sẻ thôi, không cần làm gì thì ta đã góp phần làm tốt hơn rồi. Mỗi việc bạn làm để làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la, nhưng đại dương sẽ ít đi khi thiếu những giọt nước ấy.

Sao anh lại chọn một chiếc xe tay ga làm bạn đồng hành với mình trong suốt chuyến đi dài?

Sau khi nghiên cứu mình thấy con xe NVX 155cc của Yamaha chứa được nhiều đồ, đủ khỏe và có nhiều cái tiện. Ví dụ như nắp bình xăng để ở bên ngoài, mỗi lần đổ xăng dọc đường, các thiết bị của mình chằng buộc chất ngất trên yên xe không phải tháo bỏ xuống. Thứ nữa, chiếc NVX đủ khỏe để cùng mình vượt qua đủ mọi loại địa hình đường nhưng không quá nặng khi bê xe lên thuyền để ra đảo. Xe cũng ứng dụng công nghệ phanh chống bó cứng nên khi đổ đèo, người lái có thể  kiểm soát được tốc độ trong phạm vi an toàn. Bình thường xe ga đổ đèo khá nguy hiểm.

Dáng ngồi của NVX khá thoải mái. Mình đi 6.000 km trong hơn 30 ngày mà không thấy mỏi lưng hay chùn chân, tê tay như các con xe máy mình đã từng đi. Cốp chứa đồ khá rộng. Mình lắp thêm một cốp phụ ở đằng sau nữa nên chứa đồ khá thoải mái. Có 3 lần mình thử xem con xe này tốn hết bao nhiêu xăng. Mình đi trên đường hỗn hợp đủ mọi địa hình thì xe tốn trung bình khoảng 2,6l/100 km. Mức tiêu hao như thế với con xe 155cc thì mình cho là khá ít.

NAG Hùng Lekima và người bạn đồng hành Yamaha NVX 155cc trên hành trình chụp ảnh tuyên truyền  “Hãy cứu biển khỏi rác thải nhựa”

NAG Hùng Lekima và người bạn đồng hành Yamaha NVX 155cc trên hành trình chụp ảnh tuyên truyền “Hãy cứu biển khỏi rác thải nhựa”

Trong hơn một tháng gắn bó, chiếc xe không khác gì một con ngựa thồ, thồ đủ thứ máy móc và mình đi qua đủ mọi cung đường với chất lượng xấu tốt khác nhau và chưa lần nào mình bị ngã cả. Có những khi mình tưởng bị sa lầy vào cát, vậy mà vít ga, xe vẫn vọt lên được. So với con xe NVX hồi mới ra mà mình từng đi thì con xe này có giảm xóc tốt hơn hẳn. Mặc dù mình đèo theo các thiết bị quay phim chụp ảnh khá là nặng nhưng xe đi khá đầm và êm, kể cả lúc đi tốc độ cao trên đường nhựa mới hay vào những đường sỏi đá gập ghềnh thì vẫn rất OK. Máy rất rất khỏe. Mình cũng khá ngạc nhiên khi một con xe ga thiết kế cho đô thị mà lại có quá nhiều công năng phù hợp với đi phượt đến thế.

Cảm ơn anh.

Lương Ngọc Yên Khê

 

Theo Tienphong

largeer