Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2019, 11:15 AM

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam, trong giai đoạn từ 1/8/2016 đến 31/7/2017, với mức thuế tăng hơn so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận DOC vừa công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam của kỳ POR14. Tuy nhiên, ông Nam không cho biết cụ thể mức thuế vừa được phía Mỹ công bố.

Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, mức thuế cuối cùng kỳ POR14 áp cho Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương là 3,87 USD/kg; Công ty cổ phần thủy sản Biển Đông và Tập đoàn thủy sản Vĩnh Hoàn lần lượt chịu mức thuế là 0,19 và 0 USD/kg.

Trong khi đó, có 5 đơn vị chịu mức thuế 1,37 USD/kg, gồm NTSF Seafoods Joint Stock Company; C.P Vietnam Corporation; Cuu Long Fish Joint Stock Company; Green Farms Seafood Joint Stock Company và Vinh Quang Fisheries Corporation.

Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Với kết quả như nêu trên, doanh nghiệp đang phải chịu áp lực rất lớn về thuế chống bán phá giá tăng so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó. Chẳng hạn, so với kết quả sơ bộ, thì mức thuế cuối cùng của Hùng Vương tăng đến 3,87 USD/kg (mức thuế sơ bộ của Hùng Vương là 0 USD/kg).

Về mặt lý thuyết, khi thuế chống bán phá giá tăng sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho việc chinh phục thị trường Mỹ của doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Văn cho rằng, với kết quả như nêu trên, thì Vĩnh Hoàn và Biển Đông vẫn sẽ khai thác tốt thị trường Mỹ.

“Và tình hình này (có hai doanh nghiệp có mức thuế thấp để xuất khẩu vào Mỹ-PV) vẫn tốt hơn khi có nhiều doanh nghiệp cùng xuất khẩu vào Mỹ’, ông cho biết và giải thích nếu thuế giảm sẽ có khoảng 7 công ty xuất vào Mỹ, thì qua đó họ sẽ cạnh tranh phá giá, không chỉ ảnh hưởng ở thị trường Mỹ mà còn tác động đến cả các thị trường khác.

“Mỹ áp thuế, nhưng Biển Đông và Vĩnh Hoàn vẫn bán vô được, thì họ có lợi nhuận cao sẽ thúc đẩy mua ở trong nước, giúp giữ giá cho thị trường Việt Nam không bị xuống thấp”, ông cho biết và giải thích khi đó Vĩnh Hoàn và Biển Đông sẽ tập trung vào thị trường Mỹ, trong khi những đơn vị khác sẽ khai thác những thị trường còn sẽ tốt hơn.

Báo cáo của VASEP cho biết, đối với thị trường Mỹ, trong tháng 2 và 3-2019, giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm lần lượt 22,8% và 44,4% so với cùng kỳ. Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ- vốn được dự báo là thị trường xuất khẩu hàng đầu của doanh nghiệp cá tra Việt Nam - đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Trung Quốc- Hồng Kông và Liên minh châu Âu (EU), đạt 71,16 triệu USD trong ba tháng đầu năm 2019, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ còn chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý I/2019.  

Theo TBKTSG

Theo ndh.vn

largeer