Mỹ tiếp tục cô lập Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại không khoan nhượng

Thứ hai, 30/07/2018, 17:59 PM

Hợp tác với EU, ve vãn các quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, Mỹ đang gây áp lực rất lớn với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Mỹ “đổi giọng” với các đồng minh để chống Trung Quốc

Tuần trước, tổng thống Mỹ, Donald Trump và chủ tịch EU, Jean-Claude Juncker đã đạt được thỏa thuận hợp tác cùng nhau với mức thuế bằng không (zero), xóa bỏ hàng rào thuế quan, trợ cấp tiền thuế đối với những mặt hàng công nghiệp không tự động cũng bằng không. EU có kế hoạch mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và đậu tương từ Mỹ. Cả hai bên cũng đồng ý nối lại đàm phán các tranh chấp về xuất khẩu thép và nhôm. Dù chi tiết cụ thể về quá trình đàm phán lại này chưa được công bố nhưng rõ ràng mối quan hệ giữa Mỹ và EU đã thay đổi rất đáng kể và theo chiều hướng tích cực.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump (phải) và chủ tịch EU, Jean-Claude Juncker đang xích lại gần nhau

Tổng thống Mỹ, Donald Trump (phải) và chủ tịch EU, Jean-Claude Juncker đang xích lại gần nhau

Ngày 24/7, EU và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận thương mại tự do lớn để cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan bao phủ hơn 95% hàng hóa. Tương tự, Washington cũng sẽ ký hiệp ước thương mại với các đối tác thương mại khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada để thắt chặt mối quan hệ với những quốc gia này, rảnh sức tập trung cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Những thỏa thuận giữa các quốc gia phát triển nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới, bởi nền kinh tế của những siêu cường này chiếm gần 90% nền kinh tế toàn cầu.

Không chỉ thay đổi thái độ với các siêu cường, Mỹ cũng đang tìm cách ve vãn các quốc gia Đông Nam Á. Tổng thống Donald Trump hiểu rằng nếu thuyết phục thành công nhiều quốc gia tham gia vào liên minh thương mại với Mỹ, ông có thể buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ nhiều hơn trong việc giảm thuế quan, giảm trợ cấp, mở cửa thị trường và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc không ngồi yên

Đương nhiên, trước những động thái của Mỹ, chính quyền của ông Tập Cận Bình không thể ngồi yên. Trước những sức ép mà Mỹ, châu Âu, thậm chí là cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước “sân sau” (về mặt địa lý) ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Phi. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã thuyết phục thành công Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia với tư cách thành viên chính thức và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đã gặp ông Tập bên lề hội nghị. Diễn biến quan trọng nhất tại hội nghị này là New Delhi đã ký vào Tuyên bố Thanh Đảo, trong đó nêu "toàn cầu hóa kinh tế đang đối mặt với sự mở rộng của các chính sách bảo hộ đơn phương", ám chỉ mâu thuẫn về thương mại giữa chính quyền Trump và nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia kinh tế thế giới hiểu rằng Ấn Độ muốn sử dụng thương mại song phương với Trung Quốc để làm chỗ dựa chống lại Washington khi cần.

Chủ tập Trung Quốc, Tập Cận Bình (trái) đang rất quan tâm đến các quốc gia châu Phi

Chủ tập Trung Quốc, Tập Cận Bình (trái) đang rất quan tâm đến các quốc gia châu Phi

Không chỉ hợp tác với Ấn Độ, Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với châu Phi. Hôm 19/7, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, đã bắt đầu viếng thăm một loạt các quốc gia ở lục địa đen như Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius để thắt chặt thêm mối quan hệ này. Tính từ năm 2000 đến nay, tổng lượng tín dụng của Trung Quốc dành cho châu Phi là hơn 140 tỉ USD. Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất ở châu Phi. Tại Angola, nợ bình quân đầu người đối với Trung Quốc của quốc gia 28 triệu dân này là 745 USD. 55% nợ công của Kenya, 70% nợ của Cameroon là do Trung Quốc nắm.

Mối quan tâm của Trung Quốc tới châu Phi không giới hạn vào thương mại. Lục địa Đen còn cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn nguyên liệu thô (mà Trung Quốc khó có thể có được từ các kênh khác), đồng thời châu Phi còn đóng vai trò một khối chính trị thân Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Hơn 80% hàng nhập khẩu châu Phi vào Trung Quốc là tài nguyên khoáng sản không qua chế biến.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức củng cố các mối quan hệ của mình để tập trung toàn bộ sức lực cho cuộc chiến thương mại khốc liệt này. Khi nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới đụng độ nhau, cuộc chiến khó phân định thắng thua và chắc chắn thế giới sẽ cùng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Thế Anh

Theo NTD

largeer