Nên dừng các tuyến buýt không hiệu quả

Thứ hai, 10/09/2018, 09:35 AM

Trong khi các ông chủ xe buýt than đủ kiểu thì nhiều đại biểu lại đề nghị xe buýt phải quyết liệt hơn với những tuyến hoạt động không hiệu quả, ngốn tiền ngân sách

Để nâng cao chất lượng xe buýt, ngày 9/9, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình "Lắng nghe và trao đổi" với chủ đề "Trợ giá xe buýt - Hiệu quả và giải pháp". Tại chương trình, lãnh đạo Sở Tài chính cùng các đại biểu HĐND đã chỉ ra không ít các hạn chế mà xe buýt TP cần khắc phục.

Điệp khúc "thở than"

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT), hiện TP có 141 tuyến xe buýt, gồm 103 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá với 2.478 phương tiện. So với năm 2002, xe buýt có trợ giá tăng thêm 60 tuyến và tỉ lệ tăng bình quân hằng năm đối với loại hình có trợ giá đều nhanh. Kéo theo đó, ngân sách trợ giá cho xe buýt cũng tăng từ 39,18 tỉ đồng năm 2002 lên khoảng 957 tỉ đồng năm 2018, tương đương sản lượng hành khách tăng từ 157.000 lượt lên khoảng 700.000 lượt.

Trợ giá xe buýt tại TP.HCM còn nhiều bất cập nên các đại biểu HĐND đề nghị phải sớm hoàn thiện phương thức cũng như cách tính

Trợ giá xe buýt tại TP.HCM còn nhiều bất cập nên các đại biểu HĐND đề nghị phải sớm hoàn thiện phương thức cũng như cách tính

Chính sách trợ giá xe buýt đã được hỗ trợ đi lại cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người lao động có thu nhập thấp… khi giúp duy trì giá vé ở mức 5.000-6.000 đồng/lượt như hiện nay. Tuy nhiên, ông Trung nhìn nhận hệ thống này đang gặp nhiều khó khăn và bất cập liên quan đến trợ giá. Cụ thể là bộ định mức đơn giá ban hành từ năm 2009 không còn phù hợp do chi phí đầu vào tăng. Sản lượng vận chuyển hành khách cũng đang ở mức bão hòa. Trong khi đó, tỉ lệ trợ giá/chi phí lại đang giảm, chiếm khoảng 40%. Điều này đồng nghĩa 60% còn lại, các chủ xe buýt phải lấy từ doanh thu bán vé để duy trì hoạt động. Việc này làm phát sinh nhiều hệ lụy trong việc nâng chất lượng xe buýt. "Kinh phí trợ giá từ năm 2017 tới nay không đủ bù đắp so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra, dẫn đến việc thương thảo hợp đồng với các doanh nghiệp rất chậm, làm ảnh hưởng đến mạng lưới xe buýt chung của TP" - ông Trung nói.

Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng, nêu trợ giá xe buýt thực chất là trợ giá cho hành khách. Tuy nhiên, từ năm 2013 tới nay, hoạt động của xe buýt bị nhiều khó khăn do định mức đơn giá không còn phù hợp, dẫn đến trợ giá không đủ bù chi. "Việc chi trả tiền hỗ trợ lãi vay đầu tư xe mới hiện chưa đủ khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng cũng như duy trì hoạt động" - bà Thanh nói và kiến nghị TP cần nhanh chóng giải quyết.

Nhiều bất cập trong trợ giá

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết năm 2018, TP bố trí ngân sách trợ giá xe buýt là 1.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí dự phòng cho việc thay đổi nhiên liệu và mở thêm tuyến mới là 101 tỉ đồng. Tính đến tháng 8, trợ giá đã thanh toán 747 tỉ đồng (chiếm 74% tổng dự toán). Hiện Sở GTVT đang đề xuất tăng thêm khoảng 300 tỉ đồng tiền trợ giá năm 2018, tập trung vào giá nhiên liệu, thay mới phương tiện, tăng luồng tuyến. Theo bà Trang, hiện Sở Tài chính đã phối hợp với các đơn vị để thẩm định và trình UBND TP phê duyệt trong năm nay. Đối với việc tăng trợ giá do tăng luồng tuyến, bà Trang cho rằng phải đánh giá lại những luồng tuyến nào đang hoạt động không hiệu quả thì phải ngưng, sau đó mới tính toán đến việc mở luồng tuyến khác với chi phí bao nhiêu, từ đó cân đối để đưa ra mức cụ thể.

Dưới góc độ cơ quan giám sát, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng để xe buýt phát triển tốt hơn và trợ giá hiệu quả cần thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể là hạn chế phương tiện xe cá nhân, có những bước cụ thể đẩy mạnh tuyên truyền người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, xe buýt phải có luồng tuyến phù hợp, tránh sự trùng lặp, gây lãng phí cho ngân sách.

Đồng tình, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Dũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện các phương thức trợ giá xe buýt phù hợp hơn; tập trung nâng cao chất và phát triển hệ thống này. Bởi vận tải hành khách công cộng, mà xe buýt đang giữ nhiệm vụ chủ lực, là yếu tố quan trọng để đáp ứng các chỉ tiêu của chương trình đột phá giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Ông Dũng cũng lưu ý phải có phương án để xe buýt và metro sau khi đưa vào khai thác được kết nối đồng bộ, hoạt động hiệu quả và thuận tiện. 

Sở GTVT muốn nhanh chóng hạn chế xe cá nhân

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết sở này đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để quản lý, điều hành xe buýt, tự tạo nguồn thu như quảng cáo ở thân xe, xã hội hóa đầu tư hạ tầng bến bãi… Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn của việc gia tăng lượng phương tiện cá nhân, ông Cường kiến nghị HĐND TP sớm cho ý kiến về đề án phát triển giao thông công cộng, kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, để xe buýt hoạt động hiệu quả hơn.

Đề xuất xóa độc quyền đầu tư bến bãi, nhà chờ

Phó Giám đốc HTX Vận tải số 15 Nguyễn Tấn Tạo đề xuất TP cần xem xét có làn đường riêng cho xe buýt để có thể hoạt động đúng giờ, đúng lộ trình nhằm thu hút hành khách đi lại.

Ông Tạo cũng kiến nghị cần rà soát lại hệ thống bến bãi, trạm dừng, nhà chờ và TP có thể xem xét để các HTX tham gia đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Từ đó giúp các doanh nghiệp có chỗ đậu xe và hành khách cũng có thêm tiện nghi để đón xe buýt.

Bài và ảnh: Gia Minh

Theo NTD

largeer