Ngân hàng răm rắp thay 'ghế nóng'

Thứ năm, 17/05/2018, 16:20 PM

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng đã kết thúc. Nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định mới của pháp luật áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, đến thời điểm này, đã rõ ràng trong số những ông bà chủ ngân hàng, ai đi ai ở. Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông một số nhà băng cũng có sự dịch chuyển…

Hoạt động của các ngân hàng đang đi dần đi vào khuôn khổ.

Hoạt động của các ngân hàng đang đi dần đi vào khuôn khổ.

Chủ ngân hàng - Ai đi, ai ở ?

Sau hàng loạt các công bố về người đi kẻ ở rốt cục mùa đại hội  cổ đông ngân hàng chỉ bất ngờ bởi rất ít chỉ một vài nhân vật sẵn sàng rời vị trí đứng đầu nhà băng gắn bó tên tuổi bao năm để về với doanh nghiệp của mình.

Trường hợp đầu tiên đó là doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank). Theo đó, ông Tiền đã quyết định trao lại chiếc ghế chủ tịch cho ông Đào Mạnh Kháng - Phó chủ tịch HĐQT ABBANK. Đổi lại, ông Tiền sẽ tiếp tục làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco.

Nhìn nhận sự kiện này, giới đầu tư cho rằng, như vậy ông chủ An Bình đã đến lúc muốn “nghỉ ngơi” bớt chút áp lực tại ngân hàng. Quan trọng hơn, tên tuổi của ông Tiền đã gắn với Geleximco từ những năm tháng rất lâu trước khi ông “bén duyên” với An Bình.

Cùng với đó, vào 12/4 tại  ĐHCĐ diễn ra ở Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch NHTM cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã nhường vị trí đứng đầu cho ông Nguyễn Mạnh Tần, vốn trước đó đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT. 

 Việc bà Nga rời ghế nóng chủ tịch SeABank khiến thị trường khá bất ngờ bởi bà là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, lần lượt làm Chủ tịch Techcombank và SeABank, hiện sở hữu nhiều sân golf và khách sạn nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng chỉ ít ngày sau đó, SeABank đã công bố Tổng giám đốc mới của ngân hàng được NHNN phê duyệt. CEO mới là cái tên không mấy xa lạ - bà Lê Thị Thu Thủy,  con gái Madam Nga vốn giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc ngân hàng.

Một người ra đi nữa nhưng không mấy để lại sự ồn ào đó là trường hợp của bầu Thắng tại ngân hàng Kiên LongBank. Số còn lại, tất cả cơ bản vân đang chọn ngồi nguyên ghế cũ. Cụ thể như Tiền Phong từng đưa tin: Ông Hồ Hùng Anh – từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan để giữ nguyên vị trí Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Techcombank.

 Bà Thái Hương – từ nhiệm vị trí Chủ tịch của Tập đoàn TH để làm phó Chủ tịch của Ngân hàng Bắc Á. Ông Dương Công Minh chọn vị trí Chủ tịch HĐQT của Sacombank thay vì Chủ tịch của Him Lam.  Hay ông Đỗ Minh Phú, nói lời tạm biệt vị trí đứng đầu Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji  để nắm ghế  Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên phongBank.

Và những thay đổi khác

 Tại đại hội thường niên Ngân hàng LienvietPostBank chiều 28/3, các cổ đông đã bầu 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023. Kết quả, ông Nguyễn Đình Thắng, Thành viên HĐQT đã trở thành tân Chủ tịch LienvietPostBank thay ông Nguyễn Đức Hưởng. Ông Thắng, sinh năm 1957. Từ tháng 4/2017 đến nay ông là Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Trong nhiệm kỳ mới này, ông Hưởng đã không ứng cử vào Thành viên hội đồng quản trị vì lý do sức khoẻ.

Còn trong ĐHCĐ EximBank nhiệm kỳ hiện tại (2015 - 2020), dù có tới 4 ứng viên nộp hồ sơ. Cuối cùng,  Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận 1 người trong số 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Bà Lương Thị Cẩm Tú là cử nhân ngành quản trị kinh doanh loại ưu năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs (Mỹ) và có 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Tại ĐHCĐ Vietcombank 2018, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân. Trong đó, ông Trương Gia Bình được bầu làm thành viên HĐQT độc lập.Theo quy định, Thành viên HĐQT độc lập là thành viên không điều hành và không phải là người có liên quan với tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được HĐQT bổ nhiệm. Thành viên HĐQT độc lập không đại diện cho quyền lợi của ai trong công ty. Thành viên HĐQT độc lập được xem là người có thể bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ trong một công ty đại chúng.

Theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Ngay khi xây dựng Luật  sửa đổi này, Ngân hàng Nhà nước cơ quan chủ trì đã từng khẳng định; một trong những mục tiêu của Luật các tổ chức tín dụng sửa đối đó là hạn chế việc ngân hàng trở thành “sân sau” của các ông bà chủ nhà băng. “Người vi phạm sẽ vĩnh viễn không được thực hiện quản trị, điều hành ngân hàng. Do đó, các lãnh đạo cần ý thức trước khi làm bất cứ điều gì”, Thống đốc Lê Minh Hưng  từng nhấn mạnh.

Theo một thông tin của Tiền Phong, sau việc siết lại chức danh chủ tịch HĐQT Ngân hàng này, tới đây có thể theo lộ trình NHNN sẽ tiếp tục tính toán tới việc cơ cấu lại tỷ lệ nắm phần của cổ đông lớn các ngân hàng. Rất có thể NHNN sẽ tính tỷ lệ hợp lý để làm sao các nhóm cổ đông cân bằng lợi ích, tránh ngân hàng chỉ phụ thuộc vào và của là một ông chủ này, bà chủ kia. . Ngân hàng Nhà nước mong rằng với những quy định chặt chẽ về mặt pháp lý tiến tới hoạt động ngân hàng lành mạnh hoá và hạn chế được thấp nhất tình trạng dùng ngân hàng để tài trợ cho các công ty sân sau của các ông bà chủ.

Khánh Huyền

Theo Tiền phong

largeer