Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô, xe máy chạy đua tăng tỷ lệ nội địa hóa

Thứ ba, 04/06/2019, 10:34 AM

Dù đã đầu tư rất nhiều thời gian, nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng hiện ngành công nghiệp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp.

Doanh nghiệp chế tạo linh kiện, phụ tùng cho ô tô, xe máy còn manh mún, nhỏ lẻ.

Doanh nghiệp chế tạo linh kiện, phụ tùng cho ô tô, xe máy còn manh mún, nhỏ lẻ.

Vinfast, Thaco, VEAM... là những cái tên hàng đầu Việt Nam trong chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp phụ trợ nhất là công nghiệp ô tô, xe máy. Thời gian tới, cùng với mở rộng thị trường trong nước và khu vực, các nhà sản xuất ô tô trong nước cần có những giải pháp hữu hiệu nâng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng các ưu đãi thuế AFTA nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI), cho biết Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước đáp ứng 45% tỷ lệ nội địa hóa. Hiện nay các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast (Vinfast) đang có mục tiêu đáp ứng hơn 60% nguồn cung ứng nội địa trong thời gian tới. Cung ứng linh kiện cho xe tải, bán tải của CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) hiện cũng đã đạt 30-40%, còn với phân khúc xe hơi cũng đạt từ 10-15%.

Cụ thể, để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, Vinfast đang đầu tư nhà máy sản xuất thân vỏ xe ngay tại Việt Nam. Mục tiêu sẽ nội địa hóa gần như toàn bộ việc dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe.

Bên cạnh đó, để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, cụ thể là trong khu công nghiệp phụ trợ của Vinfast, đơn vị này thành lập bộ phận “Nội địa hóa” để đàm phán và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu tính khả thi, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai. Vinfast sẽ dành riêng khoảng 30% diện tích cho các nhà cung cấp tại dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast ở khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Ngoài phần tự đầu tư 100% vốn, Vinfast sẵn sàng hợp tác dưới mọi hình thức, miễn là các nhà đầu tư đạt được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và giao hàng (Quality - Cost - Delivery).

Thaco cũng đang tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô gồm: Xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp và tổ hợp nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và tổ chức sản xuất theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% trong thời gian tới.

Các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, xe máy trong nước chưa mang giá trị cao nhất là luyện kim còn quá yếu.

Các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, xe máy trong nước chưa mang giá trị cao nhất là luyện kim còn quá yếu.

Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, cho biết nâng cao tỷ lệ nội địa hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển lâu dài của Toyota kể từ khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Toyota đã trở thành doanh nghiệp ô tô FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao khi đạt 37%. Cụ thể, đối với từng sản phẩm, như mẫu xe Vios, mẫu xe CKD chiến lược của Toyota, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Về số lượng nhà cung cấp, tăng lên 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam.

Dù có tăng trưởng nhưng hiện ngành công nghiệp phụ trợ trong nước được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng và chưa đồng loạt.

“Doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận thị trường. Còn các nhà sản xuất chính khi tiếp cận doanh nghiệp luôn tìm những doanh nghiệp lớn, có đầy đủ nhà xưởng mặt bằng, nguồn nhân lực để đáp ứng” - ông Quang cho hay.

Bên cạnh đó, trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ rất cần sự hợp tác tạo thành chuỗi cung ứng lớn mạnh, đa dạng thì các doanh nghiệp Việt khá yếu trong khâu liên kết với nhau.

Thời gian tới với việc đặt ra nhiều mục tiêu phát triển, Hiệp hội Ngành Công nghiệp Phụ trợ và các doanh nghiệp đi đầu sẽ cố gắng đầu tư và tạo ra chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng ô tô, xe máy ngày càng lớn, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu bên ngoài, giảm thuế và giá thành cho người tiêu dùng. Nâng cao giá trị thương mại và giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.

Theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD và đây sẽ là thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi. Và đến năm 2025, nhu cầu xe hơi sẽ đạt khoảng 600.000 chiếc/năm. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì đến năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, và như vậy sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cán cân thương mại.

Trong quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề ra mục tiêu ô tô sẽ là ngành quan trọng của đất nước. Đến năm 2020, phải hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô với sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer