Ngôi làng tự cách ly ngăn bệnh dịch hạch cứu hàng nghìn người

Thứ ba, 17/03/2020, 12:59 PM

Câu chuyện về Eyam, một ngôi làng ở Derbyshire, nước Anh tự cô lập, cách ly để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dịch hạch ở thế kỷ 17, cứu hàng nghìn người ngày nay vẫn được nhắc đến như là một trong những ví dụ về "hàng rào bao vây dịch bệnh" sớm nhất trên thế giới.

Làng Eyam ngày nay.

Làng Eyam ngày nay.

Trong thời gian dịch bệnh, các cộng đồng buộc phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan của các mầm bệnh nghiêm trọng.

Ngôi làng nhỏ nằm ở Derbyshire, nước Anh là một trong những cộng đồng buộc phải hy sinh để ngăn sự bùng phát của bệnh dịch hạch vào thế kỷ 17.

Động thái này từ ngôi làng đã ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh và có khả năng cứu sống hàng nghìn người khác ở các khu vực xung quanh.

Tháng 9/1665, một thợ may tại làng Eyam đã nhận được một lô vải lớn để chuẩn bị cho lễ hội sắp tới.

Nhưng lô hàng đến từ London bị ẩm và trở thành nơi ẩn náu của hàng nghìn con bọ chét mang mầm bệnh chết người.

Trợ lý của thợ may, một người đàn ông tên là George Viccars đã mang vải ẩm đi phơi khô và không may nhiễm bệnh.

Sau vài ngày, Viccars trở thành nạn nhân đầu tiên tử vong vì bệnh dịch hạch. Căn bệnh sau đó lan khắp phần còn lại của ngôi làng và đến cuối năm đó, 41 dân làng chịu chung số phận với Viccars.

Vào mùa xuân năm sau, nhiều người dân trong làng muốn bỏ làng ra đi để tránh nguy cơ nhiễm căn bệnh hiểm nghèo nhưng làm như vậy, có khả năng bệnh dịch sẽ lây lan sang các khu vực khác.

Mục sư mới được bổ nhiệm William Mompesson muốn ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh đã đưa ra quyết định khó khăn khi đặt Eyam dưới sự cô lập.

Tháng 6/1666, mục sư Mompesson tuyên bố với dân làng rằng, Eyam sẽ tự phong tỏa với phần còn lại của thế giới. Không ai được phép vào hoặc ra khỏi làng. Người dân trong làng bất đắc dĩ chấp nhận hy sinh để dịch bệnh không lan rộng hơn nữa.

Những tảng đá lớn được đặt xung quanh ngôi làng để đánh dấu "hàng rào bao vây dịch bệnh" và không ai được phép vượt qua nó.

Nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men được chuyển từ các khu lân cận đến những tảng đá này. Người dân cũng để lại tiền tại các tảng đá để trả tiền thực phẩm, thuốc men.

Tháng 8/1666, có đến 5 hoặc 6 người ở Eyam tử vong mỗi ngày vì sức nóng của mùa hè khiến bọ chét hoạt động mạnh hơn dẫn đến việc bệnh dịch hạch càng nghiêm trọng hơn. Vợ của mục sư Mompesson, Catherine cũng qua đời vào thời điểm này ở tuổi 27.

Trong cùng tháng đó, một cư dân tên là Elizabeth Hancock không bị nhiễm bệnh nhưng đã buộc phải chôn cất 6 người con và chồng mình trong 8 ngày liên tiếp. Riley Graves, được đặt tên theo trang trại gia đình họ sống, đến nay vẫn nằm ở ngoại ô ngôi làng và được bảo vệ như một di sản.

Bất chấp những đau thương, mất mát mà dân làng Eyam phải đối mặt mỗi ngày, họ vẫn kiên định không rời đi.

Sau mùa hè chết chóc, số ca mắc bệnh dịch hạch đã giảm đáng kể và đến đầu tháng 11, căn bệnh này biến mất khỏi ngôi làng Eyam, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.

Ngôi làng hiện đang quảng bá chính mình là làng dịch hạch để làm du lịch và đã đón rất nhiều người đến tham quan hàng năm.

Phương Đăng

Theo Danviet.vn

largeer