Nhà Cường đôla biến động: Con đi làm ăn riêng, mẹ rời ghế quyền lực

Thứ hai, 17/08/2020, 10:53 AM

Quốc Cường Gia Lai (QCG) thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, thực hiện theo Nghị định về việc chủ tịch HĐQT công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc.

Diễn biến liên quan "đại gia" Trầm Bê

VKSND TP.HCM cho biết vừa ký quyết định kháng nghị, yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt đối với ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam, cùng 7 bị cáo khác nguyên là nhân viên và cán bộ thuộc ngân hàng này.

Kháng nghị của VKSND TP.HCM còn yêu cầu ông Trầm Bê cùng 8 thuộc cấp liên đới bị cáo Dương Thanh Cường (là người sáng lập Công ty Bình Phát và Công ty Thanh Phát) bồi thường thiệt hại cho Sacombank.

Kháng nghị của VKSND TP.HCM nhận định mức án mà tòa sơ thẩm tuyên đối với ông Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng các đồng phạm là không tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.

Đại gia Trầm Bê cuối đời tù tội

Đại gia Trầm Bê cuối đời tù tội

Đặc biệt, bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang (nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng TMCP Phương Nam) phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, chiều 30/7, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trầm Bê bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp bản án 4 năm tù đang chấp hành, hình phạt với bị cáo này là 7 năm tù.

Con rời tập đoàn, mẹ thôi chức chủ tịch

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố thông tin về việc thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), thực hiện theo nghị định về việc chủ tịch HĐQT công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Như Loan thôi kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 10/8 và chỉ còn giữ chức danh Tổng Giám đốc cho dù bà Loan và những người có liên quan nắm giữ khoảng 55% cổ phần của Quốc Cường Gia Lai.

Bà Loan rời chức chủ tịch

Bà Loan rời chức chủ tịch

Bà Loan hiện là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG tương đương 37,04% vốn tại QCG. Con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My đang nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 14,32%); em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG (3,52%). Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG (0,2%).

Người thay bà Loan nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT là ông Lại Thế Hà. Ông Hà được biết đến là một cổ đông lâu năm, gắn bó với Quốc Cường Gia Lai từ khi QCG mới là một xí nghiệp tư nhân ở Gia Lai.

Ông Hà (1956) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại QCG từ 2007 nhưng hiện nắm giữ số lượng cổ phần khá khiêm tốn tại doanh nghiệp của nhà bà Nguyễn Thị Như Loan. Ông Hà đang nắm 597.500 cổ phần, chiếm 0,22% vốn QCG.

Chủ tịch 8X chi tiền mua cổ phiếu

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, GEX) đã hoàn tất mua thêm 20 triệu cổ phiếu GEX. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 15/7 đến 12/8/2020.

Theo đó, ông Tuấn nâng tổng lượng sở hữu lên 35 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 7,447% và trở thành cổ đông lớn của Gelex. Trước đó khoảng 1 tháng ông Nguyễn Văn Tuấn vừa mua xong 15 triệu cổ phiếu Gelex.

Trên thị trường, cổ phiếu GEX có nhiều biến động theo hướng tăng từ đầu năm 2020, hiện đang giao dịch tại mức 20.950 đồng/cp, thanh khoản mạnh.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra mới đây, Gelex tiếp tục định hướng trở thành công ty quản lý vốn (Holdings) tư nhân chuẩn mực với hai khối kinh doanh chính, gồm Sản xuất công nghiệp gồm sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng và Hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.

Đại gia Việt tính nước cờ mới giữa đại dịch

Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố quyết định sẽ phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 3 năm (trả lãi 6 tháng/lần) ra công chúng bắt đầu từ quý IV với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng.

Theo đó, số tiền thu về sẽ được dùng để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (3.000 tỷ đồng), đồng thời góp thêm vốn điều lệ cho The Sherpa (1.000 tỷ đồng).

Trái phiếu có lãi suất 10%/năm trong 2 kỳ đầu, các kỳ tiếp theo được xác định bằng tổng của lãi suất tham chiếu và biên độ 4%/năm.

Hồi giữa tháng 6, Hội đồng quản trị (HĐQT) Masan đã ra nghị quyết thành lập Công ty TNHH The Sherpa và CTCP CrownX nhằm hoàn tất giao dịch hợp nhất giữa Vincomerce (VCM) và Masan Cosumer Holdings (MCH).

Song song đó, HĐQT Masan cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III.

Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu mà Masan Group dự định phát hành mới là 8.000 tỷ đồng. Đây là đợt phát hành lớn tiếp theo sau đợt huy động 10.000 tỷ đồng vừa kết thúc vào tháng 6 vừa qua.

Vinaconex chốt thoái vốn tại An Khánh JVC

Biến động bất thường ở cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam trong hai phiên gần đây dấy lên nghi vấn có thể nút thắt về tranh chấp lợi ích giữa các cổ đông lớn trong hai năm qua đã được tháo bỏ.

Cụ thể, trong 2 phiên gần đây cổ phiếu VCG bất ngờ xuất hiện thỏa thuận 127,46 triệu cổ phiếu (tương đương 28,85% vốn điều lệ), ngày hôm qua (13/8) thỏa thuận 21,9 triệu cổ phiếu và 105.565.000 cổ phiếu được trao tay sáng nay, chủ yếu giữa các nhà đầu tư nội.

Với giá thỏa thuận bằng với giá sàn 23.800 đồng/cp, giá trị chuyển nhượng cổ phiếu VCG tính riêng sáng nay lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý ở đây, là lượng giao dịch thỏa thuận này chỉ có thể xuất phát từ hai nhóm cổ đông lớn là An Quý Hưng (nắm giữ 57,71%, tương đương 254,9 triệu cổ phiếu) hoặc nhóm Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 94 triệu cổ phiếu hoặc Đầu tư Star Invest nắm giữ 33,45 triệu cổ phiếu (tương đương 28,98% cổ phần).

Người đàn ông Hàn chiếm đoạt hơn 81 tỷ đồng

Ngày 10/8, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Kim Bumjae (SN 1968, quốc tịch Hàn Quốc) và Nguyễn Thị Hương (SN 1993) cùng hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Từ tháng 3/2019 đến tháng 6/2020, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM đã tiếp nhận 119 đơn tố giác của nhiều cá nhân, tố cáo công ty TNHH Raon Việt Nam (gọi tắt công ty Raon Việt Nam) và công ty TNHH Khanh Asset (gọi tắt công ty Khanh Asset), đều do Kim Bumjae - Giám đốc làm đại diện, đã có hành vi chiếm đoạt hơn 81,5 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Bảo Anh

Theo Vietnamnet.vn

largeer