Nhập khẩu trái cây, thịt, gỗ tăng mạnh

Thứ ba, 18/06/2019, 10:16 AM

Kim ngạch nhập khẩu rau quả trong thời gian này lại tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 12,87 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 10,81 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu rau 5 tháng đầu năm 2019 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, thì kim ngạch nhập khẩu rau quả trong thời gian này lại tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu rau quả tăng gấp rưỡi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 5 tháng đạt 878 triệu USD, cao gấp rưỡi so với con số 601 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 46,8% và mặt hàng quả đạt 655 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn rau quả nhập khẩu lớn nhất là từ Thái Lan (chiếm 46,5% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 19,6%).

Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trái cây ngoại sẽ còn tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi như EVFTA hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Trái cây từ các nước Âu, Mỹ chủ yếu nhập chính ngạch nên có đầy đủ giấy tờ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc song lại có thành giá cao, như kiwi vàng (New Zealand), táo Envy (New Zealand) khi về Việt Nam có giá bán hàng trăm nghìn đồng/kg. Có những trái vốn là loại bình dân, thậm chí mọc dại ở nước ngoài nhưng được thị trường trong nước yêu thích và bán giá cao, điển hình là cherry. 

Bên cạnh những loại trái cây ôn đới, hàn đới mà Việt Nam không trồng được hoặc ít trồng, trên thị trường còn có một lượng lớn trái cây nhiệt đới mà Việt Nam trồng rất nhiều, như sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, măng cụt... cũng được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc...

Điều bất hợp lý là trong khi trái cây chất lượng cao của Việt Nam dành để xuất khẩu, thì người tiêu dùng trong nước lại phải trả giá cao để mua các loại trái cây nhập ngoại cùng loại. 

Lý giải vấn đề này, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp lớn thu mua trái cây trong nước, đóng nhãn mác, truy xuất nguồn gốc bài bản, thì chủ yếu để xuất đi nước ngoài. Trái cây Việt hiện xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng cũng giống như nhiều ngành hàng khác, các doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường nước ngoài mà chưa chú trọng đến thị trường trong nước, chủ yếu là thương lái hoạt động.

Theo nhiều tiểu thương, trái cây ngoại nhập từ Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ... về chợ đều được bảo quản kỹ lưỡng, đóng trong các thùng giấy, có lớp giấy chống va đập trong quá trình vận chuyển, được bảo quản ở môi trường lạnh giữ độ tươi và đẹp mắt. Chưa kể một lượng rau quả Trung Quốc nhập theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam tiêu thụ được là nhờ tự dán nhãn trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand để lừa người tiêu dùng. 

Trong khi, trái cây sản xuất tại Việt Nam chỉ đựng trong những sọt, bày bán thường không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng lo ngại về tính an toàn nên chuộng trái cây ngoại có nhãn mác.

Nhập khẩu tăng còn diễn ra ở nhiều mặt hàng

Tình trạng kim ngạch nhập khẩu tăng còn diễn ra ở nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản. Giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt 1,02 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đã trở thành nguồn cung gỗ lớn nhất cho Việt Nam với 19,1% thị phần, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhập khẩu cao su 5 tháng đầu năm đạt 262 nghìn tấn với giá trị 461 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào và Campuchia, chiếm 54,9% thị phần.

Nhập khẩu mặt hàng thủy sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt 735 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn thủy sản nhập khẩu lớn nhất là  từ Nauy (chiếm 11,9% thị phần) tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản với thị phần lần lượt là 11,5%, 8,7% và 7,6%.

Riêng nhập khẩu nhóm vật tư nông nghiệp hầu như không tăng, và đã giảm được kim ngạch nhập khẩu ở một số mặt hàng. Trong đó, khối lượng và giá trị phân bón nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt 1,74 triệu tấn và 496 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc chiếm tới 30% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này, tăng 6,4% về lượng và tăng 2,2% giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thuốc trừ sâu và nguyên liệu có kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 386 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Nếu xét về thặng dự thương mại, nhóm ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục có thặng dư thương mại cao nhất, đạt gần 2,34 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2018. Mặt hàng cao su có cán cân thương mại  thặng dư gần 195 triệu USD và tăng tới 37,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặt hàng thủy sản mặc dù đạt thặng dư thương mại cao thứ hai trong ngành nông, lâm, thủy sản, đạt khoảng 1,86 tỷ USD, nhưng lại giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự, nhóm hàng rau quả và hạt điều tuy có giá trị xuất khẩu tăng, nhưng so với cùng kỳ năm 2018, mức thặng dư thương mại của hai mặt hàng này đã giảm tương ứng 12% và 7,5%... 

Chu Khôi

Theo vneconomy.vn

largeer