Những điều cha mẹ cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin

Thứ hai, 10/09/2018, 09:13 AM

Hiện nay, tiêm chủng vắc xin là cách để cha mẹ bảo vệ con khỏi những tác nhân gây bệnh, phòng ngừa bệnh tật và giảm thiểu mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh tật ở trẻ nhỏ. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bố mẹ nên tham khảo trước khi đưa con em của mình đi tiêm phòng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại sao phải tiêm chủng vắc xin cho trẻ nhỏ?

Vắc xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn thân, một phần hoặc có cấu trúc tương tự) dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Đối với trẻ em, việc tiêm chủng vắc xin được xem là một biện pháp có hiệu quả nhất để giúp cơ thể trẻ phát triển bình thường và có khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm thường gặp.

Tiêm chủng cho trẻ em mặc dù không thể bảo vệ trẻ tránh được bệnh tật một cách tuyệt đối nhưng nó được đánh giá là phương pháp tốt nhất hiện nay có thể giúp giảm thiểu các bệnh nguy hiểm ở trẻ.

Việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ em luôn được các bác sỹ khuyến khích tới các bậc phụ huynh. Bởi vì, đối với trẻ nhỏ từ lúc mới chào đời, hệ miễn dịch của bé vẫn còn khá non nớt và chưa phát triển toàn diện, nên bé có thể dễ dàng mắc một số bệnh mà người lớn có thể vượt qua, chính vì thế trẻ em cần nên được các bậc cha mẹ chủ động đưa đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch trình.

Những lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin

Để chuẩn bị và đảm bảo an toàn tốt nhất cho sức khỏe của bé khi đi tiêm chủng, cha mẹ cần lưu ý một số nội dung sau:

- Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của bé: Để bé có được mũi tiêm chủng an toàn, cha mẹ cần chủ động theo dõi và thông báo về tình trạng sức khoẻ của bé và ghi chú về các loại thuốc đang sử dụng cho bé hoặc đã từng sử dụng kéo dài trên 2 tuần cho các nhân viên y tế. Trong trường hợp bé có các triệu chứng như trong 3 ngày trước khi tiêm bé có dấu hiệu sốt, bé đang có mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, hay bé đang bị viêm da mủ hoặc chàm ngoài da… cần liên hệ tư vấn với bác sỹ trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng để bác sỹ sẽ xem xét tình trạng của trẻ và đưa ra quyết định có nên tiêm chủng hay không.

- Mang theo sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm chủng của bé: Các bậc cha mẹ cần chủ động chuẩn bị và mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ của trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó. Các thông tin trong đó sẽ giúp bác sỹ tham vấn cha mẹ lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ như tiêm nhắc lại, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu…

- Vệ sinh thân thể và cho bé ăn vừa phải trước khi đi tiêm phòng: Cha mẹ cần vệ sinh thân thể trẻ sạch trước khi đến trung tâm tiêm phòng, điều này sẽ giúp cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng ngoài da. Ngoài ra, mẹ hãy cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng. Cha mẹ còn cần tránh cho trẻ ăn hoặc bú quá no, tuy nhiên cũng không nên vì vậy mà để trẻ đói nhằm tránh trường hợp khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những lưu ý sau khi tiêm vắc xin cho trẻ

Sau khi tiêm chủng vắc xin cho bé, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số nội dung sau:

- Sau khi trẻ tiêm chủng xong, cha mẹ không nên đưa trẻ về ngay mà cần ở lại theo dõi 15-30 phút để đề phòng việc trẻ bị sốc phản vệ. Nếu trẻ không có bất kỳ phản ứng nào, mẹ có thể đưa con về nhà. Trong vòng 24 giờ tiếp theo cần theo dõi thêm trẻ có sốt không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào...  để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé.

- Trong trường hợp những trẻ có cơ địa nhạy cảm, vết tiêm có thể bị sưng đỏ, nổi cục đỏ cứng thì cha mẹ không cần quá lo lắng, hiện tượng này sẽ tự biến mất sau 6 - 8 tiếng. Lúc này, mẹ cần chườm mát lên vết tiêm của trẻ (không chườm nóng) để giảm đau, cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng.

- Theo khuyến cáo từ Ths. Đặng Thị Thu Hương - Điều dưỡng phụ trách phòng Tư vấn tiêm chủng vắc-xin của Bệnh viên Nhi Trung ương, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế ngay khi có một trong những dấu hiệu như sau: Trẻ quấy khóc, bú kém… nhiều lên hoặc kéo dài trên 24 giờ; sốt cao trên 38,5 độ C, co giật, tím tái, khó thở; áp xe hoặc sưng đau nhiều tại vị trí tiêm.

Mỹ Triều

Theo NTD

largeer