Những luật nào sẽ phải sửa đổi để thực thi Hiệp định EVFTA?

Thứ tư, 20/05/2020, 20:37 PM

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV (sáng 20/05), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để có thể thực thi Hiệp định EVFTA, các cơ quan liên quan đã đề xuất sửa đổi, sung 02 văn bản bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp trung ương đến thời điểm ngày 30/9/2019.

Việc rà soát có tham khảo và đối chiếu với kết quả rà soát Hiệp định CPTPP. Cụ thể, những quy định nào phải sửa đổi, bổ sung theo cam kết trong Hiệp định CPTPP thì sẽ không được nêu lại trong kết quả rà soát theo Hiệp định EVFTA. Ở cấp độ luật, tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 02 văn bản bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

Lễ ký kết Hiệp đinh EVFTA hồi tháng 6/2019. (Ảnh: VietNamnet)

Lễ ký kết Hiệp đinh EVFTA hồi tháng 6/2019. (Ảnh: VietNamnet)

"Đối với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, do dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (bao gồm cả các nghĩa vụ theo cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị áp dụng trực tiếp các nghĩa vụ của EVFTA trong thời gian kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua và chính thức có hiệu lực.

Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, hiện tại, Chính phủ đang đề xuất trình Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị Quốc hội đồng ý đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Dự án luật này bao gồm cả những sửa đổi để thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội

Được biết, trước đó, trong quá trình thẩm tra, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét sửa đổi cả Luật Dược và Luật Đấu thầu để bảo đảm hành lang pháp lý phù hợp và minh bạch với Hiệp định EVFTA.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, về vấn đề này, Chính phủ cũng đã rà soát kỹ lưỡng để kiến nghị phương án sửa đổi pháp luật cho phù hợp. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định chỉ mở cho các nhà thầu của EU.

"Do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này thay vì phải sửa luật. Cách làm này cũng tương tự như Hiệp định CPTPP mà hiện Chính phủ đã và đang triển khai", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Ngoài ra, hiện tại, một số cam kết, nhóm cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn EVFTA.

Cụ thể, các cam kết này liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, chứng nhận phù hợp với quy định của Hiệp định UNECE 1958 về chấp nhận các quy định kỹ thuật đối với ô tô, các vấn đề về hợp tác, giải quyết tranh chấp. Danh mục áp dụng trực tiếp này đã được chi tiết hóa trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn EVFTA nhằm bảo đảm việc thực thi được thuận lợi và hiệu quả.

"Trong trường hợp Quốc hội quyết định phê chuẩn EVFTA với phương án sửa luật như trên, các nội dung sửa đổi kèm theo lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Nghị quyết để Quốc hội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giao các Bộ, ngành triển khai việc dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Thanh Phong

Theo danviet.vn

largeer