Những sự kiện tiêu dùng nổi bật năm 2019

Thứ ba, 07/01/2020, 14:23 PM

Năm 2019 diễn ra nhiều sự kiện ảnh hưởng lớn đến đời sống người tiêu dùng như giá thịt heo tăng chóng mặt, nông sản Mỹ được nhập ồ ạt hay như điểm nóng về gian lận xuất xứ hàng hóa, làn sóng sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường... Hãy cùng Báo Người Tiêu Dùng điểm lại những sự kiện về tiêu dùng nổi bật trong năm qua.

Khủng hoảng giá thịt heo

Dịch tả heo châu Phi tràn vào Việt Nam khiến giá heo hơi và thịt tươi sống tăng mạnh. Tính đến giữa tháng 12/2019, giá heo hơi tại các cơ sở lớn nằm ở mức 81.000 đồng/kg, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán ra tới 90.000 đồng/kg.

Dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2019 và lan khắp cả nước vào đầu tháng 9/2019. Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo cả nước đến tháng 11/2019 đã giảm 22% so với cùng thời điểm năm trước, cả nước đã tiêu hủy 5,8 triệu con heo.

Giá thịt heo vào thời điểm cuối năm, theo Bộ Công thương, đã tăng 60-95% so với hồi đầu năm. Bộ này dự báo trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, cả nước thiếu khoảng 300.000 tấn thịt. Trong 10 tháng đầu năm, thịt heo nhập khẩu đạt 96.000 tấn, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng thịt nhập khẩu này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Nông sản Mỹ tràn vào Việt Nam

Năm qua, lượng nông sản giá rẻ từ Mỹ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Hàng Mỹ nhập vào Việt Nam tăng bất thường do Trung Quốc ngưng mua hàng Mỹ, lượng hàng này chuyển hướng đổ về Việt Nam. Nông sản Mỹ nhập vào Việt Nam có giá thấp hơn trong nước khá nhiều. Chẳng hạn, tôm hùm Mỹ có giá 500.000-1 triệu đồng/kg, thịt gà nhập chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, thịt heo Mỹ khoảng 23.000 đồng/kg, rẻ hơn vài lần thịt heo trong nước.

Hàng Mỹ đổ vào nhiều giúp người tiêu dùng có cơ hội dùng nông sản Mỹ với giá thấp. Đầu tháng 11/2018, Mỹ đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng nông sản, một số loại trái cây về 0% từ năm sau. Bộ Tài chính đang xem xét việc này.

Nông sản Mỹ nhập nhiều phần nào tác động đến thị trường trong nước. Thịt gà Mỹ giá rẻ (nhập không cần quota) đã góp phần đẩy giá gà sống trong nước giảm mạnh. Thịt heo nhập ít nên tác động giá không đáng kể. Với trái cây Mỹ, như cherry hay táo, người tiêu dùng đã mua được với giá thấp vài lần so với trước đây. Trái cây Việt chủ yếu xuất khẩu nên hầu như không giảm giá.

16

Xe hơi nhập lấn át xe lắp ráp trong nước

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 11/2019, Việt Nam nhập gần 133.700 xe ô tô, giá trị gần 3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng ô tô con nhập gần 100.000 chiếc, trị giá 1,9 tỷ USD.

Lượng xe nhập về nhiều, nguồn cung xe lắp ráp trong nước ổn định, khiến thị trường không còn cảnh khan hàng đội giá mạnh như thời điểm cuối năm 2018. Thuế nhập khẩu 0% khiến xe từ khu vực ASEAN đổ mạnh về Việt Nam, đứng đầu là Indonesia và Thái Lan.

Trong năm 2019, giá ô tô đã giảm nhiều giúp người tiêu dùng tăng mua xe. Tuy nhiên, ô tô nhập được chuộng hơn ô tô lắp ráp trong nước. Sau 11 tháng đầu năm 2019, doanh số các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ tăng trưởng 14%, cách xa mục tiêu 30%. Trong khi doanh số xe nhập khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Xu hướng “sống xanh” lên ngôi

Từ đầu năm 2019, cửa hàng “Tiệm rau của ba” ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) bắt đầu dùng lá chuối để gói rau củ thay vì dùng bao nilon như trước. Ý tưởng này đã nhanh chóng lan rộng khắp cả nước sau vài tháng. Các siêu thị lớn như Co.opmart, BigC hay Lotte đều chuyển dần sang dùng lá chuối để gói rau củ trên toàn bộ hệ thống.

Tiếp nối xu hướng này, người tiêu dùng cũng chuyển từ ống hút nhựa sang các loại ống hút thân thiện với môi trường như ống hút giấy, ống hút gạo, ống hút tre hoặc cỏ bàng. Đồng thời, các loại hộp đựng thức ăn bằng nhựa cũng được thay thế bằng phong trào sử dụng hộp làm từ bã mía hay gỗ. Phong trào “sống xanh” này nhanh chóng được nhiều cơ sở kinh doanh lớn nhỏ hưởng ứng mạnh mẽ.

Asanzo và điểm nóng xuất xứ hàng hóa

Giữa năm, Tập đoàn Asanzo đối mặt với nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa. Asanzo là doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử gia dụng tại Việt Nam. Khẩu hiệu “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của tập đoàn này bị người tiêu dùng nghi ngờ là lừa dối.

Các cơ quan chức năng liên quan sau đó đã vào cuộc làm rõ về xuất xứ “Made in Vietnam”. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có công bố chính thức nào được đưa ra, trong khi Asanzo tự công bố mình đã được minh oan.

Hiện nay, hàng hóa dùng để xuất khẩu được Luật Quản lý ngoại thương quy định chi tiết. Nhưng đối với xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước thì vẫn chưa có quy định cụ thể. Các luật sư cho biết, luật không bắt buộc doanh nghiệp phải liệt kê chi tiết tỷ lệ linh kiện trong mỗi sản phẩm (chỉ bán trong nước) là ở đâu ra. Do đó, đang có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này để nhập hàng ở nước khác như Trung Quốc, rồi ghi nhãn sản xuất ở Việt Nam.

17

Đổ xô mua khẩu trang tiền triệu

Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2019, TP.HCM và Hà Nội xác nhận tình trạng ô nhiễm không khí tăng đột biến. Trung tâm Quan trắc TP.HCM và Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc (CEM) xác nhận tình trạng ô nhiễm đột biến do bụi lơ lửng và từ hoạt động giao thông gây ra. Theo đó, nồng độ bụi mịn (PM10 và PM 2.5) trong không khí vượt chuẩn nhiều lần so với mức chuẩn.

Tình trạng này khiến người tiêu dùng đổ xô săn tìm các loại khẩu trang kháng khuẩn, ngăn ngừa bụi. Ngoài loại khẩu trang y tế phổ biến, các loại khẩu trang hoạt tính có van thoáng khí, khẩu trang chống độc, chống bụi mịn được săn lùng dù giá cả triệu đồng mỗi cái.

Các bác sĩ cho rằng, đeo khẩu trang không thể ngăn được hết vi khuẩn và tất cả các loại bụi, nhất là bụi mịn. Nhưng khẩu trang cũng giúp ngăn được một phần bụi lớn. Khẩu trang than hoạt tính hay màng lọc chỉ là lời quảng cáo, về mặt y học thì không hiệu quả để ngăn bụi mịn.

Giá điện tăng sau 3 năm giữ ổn định

Bộ Công thương đã cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng giá điện ở mức 8,36% từ ngày 20/3/2019. Mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), cao hơn giá bán lẻ bình quân trước khi tăng là gần 144 đồng/kWh.

Đến đầu tháng 4/2019, nhiều người tiêu dùng ngã ngửa vì hóa đơn tiền điện tăng 2-3 lần. EVN cũng thừa nhận số tiền điện của người dân trong tháng 4/2019 tăng ít nhất 35% so với tháng trước. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng tiền điện tăng nhiều là do cách tính 6 bậc lỗi thời, cần phải tính lại.

Trong khi đó, có đại biểu quốc hội đề nghị kiểm toán vào cuộc để kiểm tra cách tính chi phí đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Đến ngày 12/5/2019, Bộ Công thương đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện tăng giá điện là không có sai phạm. Theo bộ này, tiền điện tăng chủ yếu do dân sử dụng nhiều vì nắng nóng.

Giá vàng tăng “khủng” vì thương mại Mỹ - Trung

Tại Việt Nam, có những thời điểm, giá vàng đã tăng liên tục, đỉnh điểm là vào 9/8/2019 đã có lúc “chạm mốc” trên 42,5 triệu đồng/lượng - mức giá cao nhất trong vòng hơn 6 năm trở lại đây. Nếu so với cách trước 1 tuần, những người nắm giữ vàng đã có lãi hơn 2 triệu đồng/lượng, còn so với trước đó gần 2 tháng thì giá tăng tới 4 triệu đồng. Nhiều nhà đầu tư “dở khóc, dở cười” khi vàng tăng giá. Giá vàng tăng thực sự gây choáng váng trong năm 2019 sau nhiều năm “nằm im”. Và sau đợt điều chỉnh tăng giá mạnh thì những tháng cuối năm, giá vàng chững ở mức 41 triệu đồng/lượng. Các nhà đầu tư đã khá dè dặt với thị trường.

Nguyên nhân dẫn tới việc giá vàng tăng là bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, vàng là nơi nhu cầu trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư tăng cao sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra mức thuế mới đối với hàng hóa của nhau, khiến họ lo ngại chiến tranh thương mại leo thang kéo dài và sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

 Hoàng Yến

Theo nguoitieudung.com.vn

largeer