Nỗ lực triệt phá tín dụng “đen” dịp tết

Thứ năm, 24/12/2020, 10:00 AM

Cuối năm, những tờ rơi kiểu cho vay “siêu tốc” xuất hiện dày đặc trên đường phố TPHCM. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người lâm cảnh túng thiếu, phải tìm đến tín dụng “đen”, chịu mức lãi suất cắt cổ. Trong đợt ra quân trấn áp tội phạm dịp cuối năm, Công an TPHCM ưu tiên triệt phá loại tội phạm tín dụng “đen” này.

Nhan nhản quảng cáo cho vay siêu tốc

Những ngày cuối năm, bức tường trong một con hẻm của Hương lộ 80B, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn được phủ kín bằng những tờ giấy “cho vay trả góp”. Gọi điện vào số điện thoại trên tờ quảng cáo, chúng tôi được một người đàn ông tư vấn: “Nếu là công nhân, chỉ cần cà-vẹt xe, chứng minh nhân dân hoặc bảng lương là vay được 5-20 triệu đồng rồi. Nếu đồng ý, nhắn tin địa chỉ qua để anh cho người đến làm hồ sơ, giải ngân liền”. 

Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền xuất hiện khắp nơi - Ảnh: Đỗ Minh

Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền xuất hiện khắp nơi - Ảnh: Đỗ Minh

Thấy chúng tôi đang săm soi những mẩu quảng cáo cho vay, ông H.V.Q. - chủ một căn nhà trọ gần đó - cho hay: “Định vay tiền trên này hả? Đừng có dại mà dính vô, chỉ có chết đến chết thôi”. Theo ông Q., thủ tục cho vay của nhóm người quảng cáo rất dễ nhưng ai đã vay rồi thì khó mà trả được. “Ở nhà trọ của tôi, từng có người chỉ vay tạm vài triệu đồng đóng tiền học cho con nhưng rồi sau đó phải dọn nhà đi trong đêm vì phải vay chỗ nọ đắp chỗ kia, trả hoài không hết nợ” - ông Q. kể.

  Cứ đến cuối tuần, tại quán cà phê ven sông Sài Gòn gần ngã tư Bình Phước, Q.Thủ Đức, nơi có các cơ sở may, thường xuất hiện một phụ nữ chừng 30 tuổi, nói giọng Bắc cùng một, hai người đàn ông có nhiều hình xăm đến thu tiền. Khoảng 30 phút kể từ khi người này có mặt, có hơn mười phụ nữ đến đưa tiền lãi vay. Có hôm, khách uống cà phê thấy người phụ nữ thu tiền tức giận, la lớn: “Mấy bà vay chỗ khác là chết với tui”. Sau đó, những người trả tiền vội thanh minh rằng chỉ vay của bà này chứ không dám vay chỗ khác.

Chị Nguyễn Thị H., công nhân ở Q.Bình Tân, cho biết lương công nhân thấp, có khi chưa đến kỳ nhận lương đã hụt tiền. Những năm trước, khi hụt tiền, công nhân thường mượn tiền của tổ trưởng, chuyền trưởng trong công ty. Năm nay, dịch bệnh kéo dài, tổ trưởng, chuyền trưởng cũng bị cắt giảm thu nhập. Họ không thể cho mượn nữa nên những người kẹt tiền phải tìm vay từ nguồn bên ngoài, thường là qua các ứng dụng (app) vay tiền. “Mấy chị ở công ty tôi nói, chỉ cần tải app, nhập số điện thoại, chụp chứng minh nhân dân tải lên là vay được từ hai triệu đến vài chục triệu đồng. Hôm qua, chị bạn chung nhà trọ tôi vừa vay mấy triệu để gửi về quê, chỉ cần bấm bấm trên điện thoại vài cái là có tiền liền” - chị H. chia sẻ.

Chiều 21/12, khi dừng đèn đỏ tại ngã tư Võ Văn Kiệt - An Dương Vương (Q.8), tôi được một thanh niên phát cho tờ rơi “vay tiền siêu tốc”. Khi gọi vào số điện thoại trên tờ rơi, chúng tôi được hướng dẫn tải ứng dụng có tên “mo dong” trên ứng dụng CH Play để làm thủ tục vay với cam kết “giải ngân trong 30 phút”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “mo dong” là ứng dụng vay tiền qua app thời gian qua đã khiến nhiều người “kêu trời” vì lãi suất cắt cổ. 

Khi chúng tôi truy cập vào ứng dụng CH Play với từ khóa “vay tiền”, trên điện thoại liền hiển thị hàng chục ứng dụng cho vay tiền với những lời quảng cáo “tỷ lệ xét duyệt hồ sơ 96%, vay từ 2 đến 10 triệu đồng, lãi suất 0%, thẩm định hồ sơ không cần gọi người thân…”. Những lời quảng cáo trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, có ứng dụng đạt đến mức 1 triệu lượt người tải.

Khốn khổ vì trả mãi không hết nợ

Cách đây không lâu, một phụ nữ 40 tuổi tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM với khuôn mặt trùm kín. Chị cho biết, mấy tháng nay, hễ ra đường, chị phải hóa trang để tránh sự truy lùng của các đối tượng đòi nợ. Chị kể, ban đầu, chị vay qua app V. 3,5 triệu đồng trong 14 ngày, nhưng chỉ nhận được 2,3 triệu đồng, app trừ phí 1,2 triệu đồng, tiền lãi mỗi ngày khoảng 23.000 đồng (tương ứng 1%/ngày). Do đóng tiền trễ hạn, số tiền mà app thông báo với chị lên 5,95 triệu đồng và sau một ngày, số nợ tăng lên 6,2 triệu đồng, gấp 2,7 lần số thực vay ban đầu.

Khi vay qua app của tín dụng “đen”, điện thoại bị định vị, toàn bộ danh bạ điện thoại bị sao chép, cả tin nhắn cũng bị đọc lén. Để trốn sự truy đuổi của chủ app, chị phải trốn ra ngoài thuê nhà ở. Thế nhưng, các đối tượng gọi điện quấy nhiễu tinh thần người thân của chị. “Họ nhắn tin cho bạn bè tôi, đăng hình chứng minh nhân dân của tôi khắp nơi. Số tiền tôi trả nợ đã gấp nhiều lần số tiền vay ban đầu nhưng vẫn chưa hết nợ” - người phụ nữ thất thần.

Bà H.T.C. (Q.6) kể, trong đợt dịch COVID-19 hồi giữa năm, bà bị mất việc làm. Trong lúc khó khăn, bà thấy trên YouTube hiển thị quảng cáo về “ứng dụng tài chính” có tên M. Khi làm theo thao tác do ứng dụng này hướng dẫn, bà C. được “giải ngân” 1,2 triệu đồng dù số tiền bà vay là 2 triệu đồng. Lúc này, toàn bộ dữ liệu thông tin trên điện thoại của bà C. đã bị các đối tượng cho vay quản lý. Khi bà C. mất khả năng trả nợ, nhân viên tư vấn gọi điện cho bà giới thiệu vay tiền ở những app khác để trả nợ. Đến tháng 11/2020, bà C. tiếp tục rơi vào cảnh không xoay được tiền để trả, nhóm này gọi điện đến toàn bộ số điện thoại có trong danh bạ của bà theo kiểu “khủng bố”. 

Bà C. tâm sự: “Không chỉ mất tiền, tôi còn xấu hổ với bạn bè, người thân ở quê. Ban đầu, tôi chỉ vay vài triệu đồng, không ngờ cuối cùng phải vay mượn người thân ở quê gần 30 triệu đồng mới trả dứt các khoản nợ”.

Người dân cần mạnh dạn tố giác

Thượng tá Trần Văn Phú - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM - cho biết cho vay lãi nặng đang có chiều hướng phát triển tinh vi hơn, qua app, qua mạng, sử dụng công nghệ cao… Thượng tá Phú phân tích: “Các đối tượng cho vay với số tiền nhỏ, người dân dễ dàng tiếp cận khoản vay qua chiếc điện thoại thông minh. Thủ đoạn của nhóm cho vay kiểu này là nắm tất cả thông tin danh bạ, thông tin gia đình, thông tin cá nhân mà người vay không hề biết. Nạn nhân ban đầu vay số tiền nhỏ nhưng dần tăng lên, đến khi mất khả năng chi trả thì bên cho vay chuyển sang đe dọa, tạt chất bẩn”.

Ông Phú nhận định, tín dụng “đen” gây bức xúc rất lớn cho người dân không chỉ ở TPHCM mà trên cả nước. Cho vay theo kiểu cũ (cho vay trực tiếp với lãi suất cao, đòi nợ kiểu giang hồ), việc triệt phá và chứng minh hành vi phạm tội dễ hơn. Thực tế là năm qua, cơ quan công an đã triệt phá rất nhiều băng nhóm kiểu này. Với kiểu cho vay mới (qua app, qua mạng), các đối tượng có sự cấu kết với người Trung Quốc, trụ sở chính của các app cho vay này ở Trung Quốc và để công ty “con” ký hợp đồng với công ty đòi nợ thuê để đòi nợ người vay.

Thượng tá Phú chia sẻ: “Qua phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác, chúng tôi nắm được các đối tượng này ở đâu, làm gì, đồng thời thu thập tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội. Khi triệt phá, chúng tôi quyết tâm bắt tất cả đối tượng trong đường dây, không để sẩy đối tượng nào. Thông thường, rất khó bắt đối tượng cầm đầu, vì chúng ở Trung Quốc. Để triệt phá các băng nhóm này, công tác tăng cường phối hợp là rất quan trọng”.

Thượng tá Phú cho biết, đối với loại tội phạm này, khi phát hiện, lực lượng công an phải nhanh chóng củng cố chứng cứ, thu thập tài liệu, phải khai thác ngay vì nếu không khai thác nhanh, đối tượng ở Trung Quốc sẽ ngắt máy chủ, cơ quan công an sẽ không thu thập được thông tin người vay. Vừa qua, Công an TPHCM đã khởi tố được nhiều vụ nhờ cách làm này. Theo ông Phú, cơ quan công an rất cần sự tố giác của những người vay tiền để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến việc đòi nợ thuê, thượng tá Phú cho biết, thời gian qua, cơ quan công an đã khởi tố hai vụ, xảy ra ở quán phở Hòa và quán Cá kèo Bà Huyện 2. Đây là những đối tượng đòi nợ thuê theo kiểu cũ nhưng manh động, ban đầu chỉ là tạt sơn, tạt chất bẩn nhưng sau đó biến tướng sang “cưỡng đoạt tài sản”.

Đại tá Lê Công Vân - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM - cho biết hiện ở TPHCM có 53 công ty có chức năng đòi nợ thuê. Theo nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1/1/2021, các công ty này sẽ chấm dứt hoạt động. Hiện nay, PC06 đang báo cáo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các sở, ngành liên quan để có hướng dẫn thu hồi giấy phép và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. “Chúng tôi sẽ đề nghị giải tán ngay những công ty này, không để có chuyện núp bóng đòi nợ thuê, gây mất an ninh trật tự. PC06 cũng sẽ báo cáo Ban Giám đốc Công an TP.HCM để có kế hoạch quản lý những công ty hoạt động trá hình” - đại tá Vân nói. 

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an TP.HCM - chia sẻ thêm: “Công an TP.HCM xác định, ưu tiên triệt phá các băng nhóm hoạt động theo kiểu tín dụng “đen”, đòi nợ thuê trong các đợt ra quân trấn áp tội phạm. Chúng tôi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và chủ động xử lý sớm, chẳng hạn như quản lý ở các khu chung cư cao tầng, cao ốc, nơi tội phạm thường ẩn náu”. 

Sơn Vinh

Theo phunuonline

largeer