Nông sản Mỹ tràn vào Việt Nam, ai lợi ai thiệt?

Thứ tư, 04/09/2019, 10:01 AM

Chưa bao giờ nông sản Mỹ bày bán tại Việt Nam nhiều và rẻ như hiện nay. Những thứ mà trước đây nhiều người chỉ dám đứng ngó như cherry nho, táo, thịt bò... vì quá đắt thì hiện nay giá nhiều thứ chỉ bằng một nửa so với đầu năm! Người tiêu dùng “vỗ tay” nhưng nhà nông trong nước đang lo ngại...

Giá trái cây Mỹ ngày càng rẻ thu hút người tiêu dùng. (Ảnh minh họa).

Giá trái cây Mỹ ngày càng rẻ thu hút người tiêu dùng. (Ảnh minh họa).

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu nông sản của Mỹ vào Việt Nam tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng 70% về rau quả. Còn Bộ Công thương đưa ra những con số: 6 tháng đầu năm 2019, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 6,9 tỷ USD. Có tới 14 nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, mặt hàng rau quả tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 116 triệu USD. Mặt hàng thủy sản tăng 67%, đạt gần 47 triệu USD!

Giá cả nhiều mặt hàng cũng giảm khá mạnh như cherry trước đây thường trên 500.000 đồng/kg thì nay có khi chỉ còn gần 250.000 đồng/kg! Táo nhiều loại còn khoảng 40.000-50.000 đồng/kg, thịt gà đông lạnh từ 40.000-70.000 đồng/kg... Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết nhìn chung các mặt hàng giảm giá từ 30-50%. Nhiều mặt hàng trước đây hàng triệu đồng/kg như tôm hùm Alaska nay cũng chỉ xấp xỉ 500.000 đồng/kg hay cua Hoàng đế Alaska cũng giảm hơn nửa, tương đương giá tôm!

Nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nông sản Mỹ bị tắc ở thị trường này và Việt Nam là một trong những nước mà Mỹ cần đẩy mạnh xuất hàng sang. Ông Trần Công Thắng - thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhận định xu hướng hàng Mỹ giá rẻ xuất sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Việc Trung Quốc hủy mua nhiều mặt hàng nông sản đã buộc Mỹ phải hạ giá mạnh để tìm đầu ra.

Nông sản Mỹ đang có giá rẻ và chủng loại phong phú nhất từ trước đến nay. (Ảnh minh họa).

Nông sản Mỹ đang có giá rẻ và chủng loại phong phú nhất từ trước đến nay. (Ảnh minh họa).

Tại nhiều siêu thị ở TP.HCM, không ít quầy hàng bán riêng nông sản Mỹ, đặc biệt là trái cây như ở Big C đã được dựng lên và thu hút khá đông khách hàng. Chị Trường Quỳnh Chi (Thảo Điền Q.2) cho biết chưa khi nào mua được cherry với giá dưới 300.000 đồng/kg nhập khẩu trực tiếp, tươi ngon như bây giờ. Không chỉ rẻ hơn mà chủng loại, mẫu mã cũng đa dạng hơn trước giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Đại diện siêu thị Big C Thảo Điền thừa nhận doanh số bán hàng nông sản Mỹ tại đây tăng 50-60% so với 2,3 tháng trước và siêu thị đang nhập theo nhiều mặt hàng mới để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Trả lời báo chí nước ngoài, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Chất lượng nông sản Mỹ tuyệt vời và mọi người thích chúng. Tôi nghĩ đó là một sự phát triển đáng hoan nghênh và có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng điều này cũng đang gây sức ép không nhỏ với nông sản trong nước”. Trước đây do giá cả khá cao nên nông sản Mỹ dành cho phân khúc khách hàng hoàn toàn khác. Nhưng khi táo chỉ còn chưa đến 50.000 đồng/kg, bằng giá nhiều loại trái cây nội và chất lượng đã được khẳng định, thì trái cây Việt Nam có đối thủ đáng gờm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã cảnh báo tình trạng trên có lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho nông sản Việt Nam. Không chỉ trái cây mà thịt gà, thịt bò, thịt heo và cả tôm hùm đắt tiền đã về gần ngang, thậm chí rẻ hơn sản phẩm trong nước mà chất lượng thường tốt hơn. Trong khi đó các nhà sản xuất trong nước hiện chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ với quy trình chăn nuôi, trồng trọt còn lạc hậu khiến lượng sản phẩm bị hạn chế nên chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với nông sản Mỹ.

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn, nông sản Mỹ sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam nhiều và rẻ hơn trong thời gian tới. Mua được hàng chất lượng, giá cả hợp lý không chỉ người tiêu dùng có lợi mà nhiều nhà phân phối chắc chắn sẽ có doanh số không nhỏ. Tuy nhiên, nông sản trong nước sẽ gặp sức ép không nhỏ. Nên coi đây là một dịp để cải thiện quy trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và phân phối hiện đại hơn, chất lượng hơn và hợp lý hơn để tăng sức cạnh tranh không chỉ trong giai đoạn Việt Nam càng gia nhập nhiều hiệp định, tổ chức thương mại tự do.

Phan Nguyễn

Theo NTD

largeer