Ô tô châu Âu “phủ bóng” thị trường xe Việt?

Thứ hai, 29/07/2019, 10:21 AM

Kể từ đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp thuế nhập khẩu ô tô châu Âu về Việt Nam giảm dần về 0%. Nhưng liệu thuận lợi này có giúp người dân trong nước mua được ô tô châu Âu với giá rẻ?

Tại Việt Nam, những mẫu xe bán ra nhiều nhất chưa bao giờ có sự góp mặt của xe châu Âu mà là các dòng xe đến từ Nhật hay Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, những mẫu xe bán ra nhiều nhất chưa bao giờ có sự góp mặt của xe châu Âu mà là các dòng xe đến từ Nhật hay Hàn Quốc.

Thuế nhập khẩu giảm về 0% sau 10 năm

Xe châu Âu vốn được định vị là xe sang, nhưng sự hiện diện trên thị trường xe Việt cũng không kém cạnh xe châu Á hay xe Mỹ. Xe châu Âu tại Việt Nam được chia làm 3 phân khúc chính. Hạng sang có Mercedes, Audi, BMW, Land Rover. Dòng siêu sang có Rolls Royce, Bentley, Ferrari. Phân khúc phổ thông nhiều nhất là các thương hiệu như Volkswagen, Volvo, Peugeot.

Thuế nhập khẩu ô tô con từ châu Âu hiện là 78% (dung tích xi lanh dưới 3.0L) và 74% (dung tích xi lanh trên 3.0L). Còn phụ tùng, linh kiện ô tô đang chịu thuế 5-25%. Riêng xe có dung tích dưới 2.5L đang hưởng dòng thuế khác ở mức 70%.

Khi EVFTA có hiệu lực, việc giảm thuế cũng có hiệu lực ngay. Thuế nhập ô tô từ châu Âu sẽ về mức 0% sau 10 năm, tức mỗi năm giảm 7 điểm phần trăm. Chẳng hạn, một chiếc xe châu Âu có dung tích dưới 3.0L chịu thuế 78%, trong năm 2020 sẽ giảm còn 71%, thuế nhập khẩu năm 2021 giảm còn 64%, năm 2022 sẽ còn 57%. Nếu chiếc xe có giá 30.000 USD thì sau ba năm giảm thuế, giá xe sẽ giảm được gần 10.000 USD, khá đáng kể.

Cụ thể, chiếc BMW 320i nhập nguyên chiếc từ Đức có giá bán khoảng 1,65 tỷ đồng, sau 10 năm, khi mức thuế nhập khẩu giảm về 0%, thì giá chiếc xe này sau thuế chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng, tức giảm gần một nửa so với hiện nay.

Với xe lắp ráp trong nước, linh kiện phụ tùng nhập khẩu sẽ được giảm về 0% sau 8 năm, cũng sẽ giảm giá dần dần. Một số đơn vị kinh doanh ô tô kỳ vọng, giá xe châu Âu lắp ráp trong nước sẽ giảm khoảng 10% sau 8 năm giảm thuế. Hiện trong nước có Tập đoàn Trường Hải nhập và phân phối xe Peugeot (Pháp) với giá bán 670 triệu-1,7 tỷ đồng/chiếc. Trường Hải đang từng bước chuyển sang lắp ráp dòng xe này, xa hơn là dòng xe BMW của Đức.

Sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019, cùng với EVFTA, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới (bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU), vào năm 2030. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tiêu thụ xe sẽ tăng từ 300.000 chiếc/năm hiện nay lên 1 triệu chiếc/năm vào 2030.

Kể từ đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp thuế nhập khẩu ô tô châu Âu về Việt Nam giảm dần về 0%.

Kể từ đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp thuế nhập khẩu ô tô châu Âu về Việt Nam giảm dần về 0%.

Xe châu Âu sẽ chiếm lĩnh thị trường?

Trong năm đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực, những người kinh doanh ô tô cho rằng, xe châu Âu sẽ khó tăng lượng bán ngay được. Chủ yếu vì số tiền giảm không nhiều. Ngoài ra, cũng như nhiều ưu đãi đối với thị trường ô tô trước đây, chưa lần nào giá bán giảm ngay để giúp người tiêu dùng quá kỳ vọng.

Ông Quốc Bình, chủ một công ty kinh doanh ô tô tại quận 2 (TP.HCM) đánh giá, dĩ nhiên sẽ có chuyển biến theo chiều hướng tăng ở một số dòng xe cao cấp, nhưng con số giới hạn chứ không đáng kể. Phần nhiều do thị phần ô tô hạng trung thời gian qua tăng, còn nhu cầu sở hữu các xe cao cấp có vẻ chậm lại vì các chính sách thuế phí trong nước cao. Nên dù có giảm thuế nhập khẩu thì giá thành vẫn không giảm đến độ đủ mức gây ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Lâu nay, các dòng xe châu Âu luôn được xem là “xe sang” nên đối tượng khách hàng cũng không nhiều và sản lượng tiêu thụ cũng khá ổn định. Với giá bán cỡ 2-3 tỷ đồng/xe trở lên, cùng với chi phí “nuôi xe” khá cao, không phải ai cũng có điều kiện chọn xe châu Âu. Ông Thanh Hoàng, giám đốc một công ty ô tô ở Q. Bình Thạnh (TP.HCM), cho rằng xe châu Âu sẽ còn bị các dòng xe châu Á cạnh tranh mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, những mẫu xe bán ra nhiều nhất chưa bao giờ có sự góp mặt của xe châu Âu mà là các dòng xe đến từ Nhật hay Hàn Quốc (Toyota, Hyundai, Honda...) vì phù hợp với tâm lý “ăn chắc mặc bền” của phần lớn người tiêu dùng Việt. Đồng thời, các hãng xe này cũng liên tục cạnh tranh lẫn nhau để thu hút khách hàng bằng nhiều chính sách hậu mãi, giảm giá bán liên tục.

“Dù không thể chiếm lĩnh thị trường trong vài năm đầu, nhưng một số dòng xe châu Âu có giá bán khoảng 1-1,5 tỷ đồng/xe vẫn có thể tăng số lượng bán ra. Một phần do xe cao cấp chưa được nhiều công ty trong nước lắp ráp, nếu có thì chất lượng vẫn không thể so sánh với xe nhập nguyên chiếc. Ở tầm giá trên, một số người tiêu dùng vẫn có khả năng mua xe nhập để trải nghiệm cảm giác dùng xe cao cấp” - ông Quốc Bình phân tích.

Với các dòng xe châu Âu lắp ráp trong nước (Mercedes-Benz, Peugeot...), linh kiện nhập khẩu dù có giảm giá nhưng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện nay rất thấp. Do đó, dù có giảm giá bán ra nhưng cũng không nhiều. Ông Bình cho rằng cao nhất cũng chỉ tới 10% giá bán.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer