Phát hoảng với học sinh… ôn thi học kỳ

Thứ tư, 25/12/2019, 11:46 AM

Vừa học chữ chưa đầy bốn tháng, học sinh lớp Một buộc phải làm quen với… ôn thi học kỳ I. Phụ huynh choáng trước khối lượng bài học của những cô cậu nhóc sáu tuổi mới rời trường mầm non này.

Vừa học chữ chưa đầy bốn tháng, học sinh lớp Một buộc phải làm quen với… ôn thi học kỳ I. Phụ huynh choáng trước khối lượng bài học của những cô cậu nhóc sáu tuổi mới rời trường mầm non này. Các mẹ đồng hành cùng con vượt vũ môn trong day dứt: phải chăng giáo dục không chờ cá chép hóa rồng mà bắt con cá ngày nay phải biết leo cây?

Học sinh lớp Một cũng ôn thi học kỳ

Chị T.H., giảng viên đại học, là phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở Q.9, TP.HCM, xót xa nói: “Năm nay, thi học kỳ I lớp Một, môn tiếng Việt, đọc chính tả viết không giới hạn bài, gồm 72 bài. Tôi kèm con cả tuần rồi chưa hết 72 bài. Sáng 4g30 là mẹ con đã học rồi…”.

Chương trình học, thi cử nặng nề khiến học sinh nào cũng căng thẳng - Ảnh: Tiêu Hà

Chương trình học, thi cử nặng nề khiến học sinh nào cũng căng thẳng - Ảnh: Tiêu Hà

72 bài học vần, đọc viết là quá nặng với một đứa trẻ vừa làm quen với mặt chữ, con số. Bởi, về nguyên tắc, trẻ trước khi vào lớp Một theo khuyến cáo của ngành giáo dục là không nên cho học trước. Thế nhưng, mới học được bốn tháng, yêu cầu học trò phải đọc thông viết thạo thì quả là quá đáng. Trách làm sao khi phụ huynh không tin vào khuyến cáo. 

Các phụ huynh nói với nhau không cần quá căng thẳng, cứ để con học tới đâu hay tới đó, rồi cũng sẽ không bị điểm thấp đâu mà lo. Tất nhiên, cô giáo phải thúc còn chuyện học thế nào phụ thuộc vào việc phụ huynh có quan trọng kết quả hay không. Biết vậy nhưng theo chị H., “mình có thể không lo điểm số, không ngại cô giáo nhưng đứa trẻ đôi khi sợ cô và nghe lời thầy còn hơn cha mẹ. Mình có cản con học ít đi con cũng không dám”.  

Phụ huynh khác cũng lâm vào tâm trạng xót xa khi nhìn đề mẫu thi lớp Một của con gồm: viết vần, viết từ ghép, viết câu và nối hai câu... Ngày nào mẹ con cũng “quần nhau” đừ cả tuần nay, có hôm đến 22g mới học xong. Bài vở trường giao cứ mỗi ngày một xấp, “toán còn đỡ, tiếng Việt thì thôi rồi mênh mông luôn”.

Chị Đ.Nhi, có con học ở Q.8 đang muốn chuyển trường ngay tắp lự khi nhìn thấy khối lượng ôn thi của đứa con sáu tuổi. Chị kể, hai tuần gần đây, cứ thứ Sáu là cô phát cho bốn tờ giấy A4 kín cả mặt và một tờ A5 chi chít chữ. Chị liệt kê sơ sơ đề cương ôn tập học kỳ I môn tiếng Việt nhìn thôi đã ngợp, gồm: đọc vần, đọc từ, đọc câu, nối chữ cột A và cột B, ôn đọc… mỗi thứ từ nửa đến nguyên trang A4 đánh máy. 

Thi thử, chấm chéo… bảo sao không căng

Chỉ là đợt kiểm tra thường kỳ trong năm học nhưng nhiều trường ở các thành phố lớn như  Hà Nội, TP.HCM đang biến nó thành kỳ thi căng như thi quốc gia. Chị Ng. Tuyền, có con học lớp Bốn tại trường tiểu học ở Q.Thủ Đức, cho biết: “Lớp con tôi được cho đề cương dày về làm, hôm sau cô sửa. Sau đó, trường cho học sinh thi thử, chấm điểm, xem học sinh nào nắm chưa kỹ thì ôn kỹ hơn trước kỳ kiểm tra chính thức”.

Tại Hà Nội, hầu hết các trường THCS, THPT đều thi học kỳ theo đề chung của trường thay vì giáo viên đứng lớp có quyền ra đề. Hình thức coi thi, chấm thi y như những kỳ thi quan trọng, nghĩa là coi thi chéo, chấm chéo, giáo viên đứng lớp không được chấm hay coi thi lớp mình. Chính người lớn đang biến những kỳ kiểm tra học kỳ tưởng chừng đơn giản trở thành phức tạp, nặng nề.

Lý giải điều này, một giáo viên THPT ở Q.4 chia sẻ: kiểm tra cuối học kỳ là kỳ kiểm tra quan trọng, điểm số được tính hệ số 3 - hệ số cao nhất trong các bài kiểm tra trong suốt một học kỳ. Điểm số này ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối năm. Vì vậy, trường quan trọng, giáo viên cũng không thể xem nhẹ. Học sinh của mình điểm kém thì không thể được đánh giá dạy giỏi hay xuất sắc. Nói gì thì nói, kết quả vẫn được đong đếm qua các con số. 

Vì thế, giáo viên không thể không thúc học trò, không gạo bài, tập dượt cho… kiểm tra học kỳ. Phụ huynh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) tá hỏa khi nhìn thấy đề cương ôn tập của con học lớp Chín, gồm vài chục trang giấy A4, mấy chục đề toán… Nhưng thực tế, đây cũng là chuyện bình thường, học sinh trường khác cũng không học nhẹ nhàng hơn. 

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường tổ chức kiểm tra học kỳ trong thời gian ba tuần cuối tháng 12, linh động, đảm bảo hình thức và nội dung kiểm tra theo đúng chương trình, phù hợp giữa thời gian làm bài và nội dung kiểm tra… Sở cũng chỉ đạo các trường không dùng điểm số học sinh để đánh giá thi đua của giáo viên. Nhưng thực tế, học sinh vẫn cứ đuối với các đề cương dài dằng dặc và cách kiểm tra đánh giá truyền thống, nặng nề và vụ thành tích. 

Gia Tuệ

Theo phunuonline.com.vn

largeer