Quả bóng TSC “xì hơi”

Thứ ba, 26/11/2019, 13:45 PM

Thời gần đây, cổ phiếu TSC lên cơn sốt khi liên tục lên giá, dòng tiền đầu cơ đổ vào cổ phiếu này tăng mạnh. Tuy nhiên, tình trạng nguồn tiền liên tục chảy ra bên ngoài công ty thì TSC khó có thể là địa chỉ tin cậy để nhà đầu tư sở hữu lâu dài.

Cổ phiếu tăng - giảm chóng mặt

Cổ phiếu TSC của CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), FIT của CTCP Tập đoàn FIT, DCL của CTCP Dược phẩm Cửu Long (Pharimexco), VKD của CTCP Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda) được gọi chung là cổ phiếu họ FIT và thường có diễn biến tăng giảm cùng chiều với nhau.

Từ đầu năm đến, TSC, FIT và DCL có nhiều thời điểm tăng giá thần tốc bất chấp diễn biến của thị trường chứng khoán có thuận lợi hay không. Trong đó, TSC tạo ấn tượng nhất cho nhà đầu tư khi tăng giá đến 235% - một con số trong mơ đối với bất kỳ quỹ đầu tư nào.

Cổ phiếu DCL, FIT cũng tạo được ấn tượng tốt khi tăng giá lần lượt 92% và 78%. Còn VKD chỉ tăng ở mức khiêm tốn 12%. Tuy nhiên, để được kết quả “như mơ” đó, những cổ phiếu này đã có thời kỳ “đen tối”, nằm trong kênh giảm giá dài hạn trong nhiều năm liền.

Sau giai đoạn phát hành cổ phiếu giúp vốn điều lệ tăng gấp nhiều lần vào những năm 2015-2017, cổ phiếu FIT, TSC, VKD tăng giá mạnh. Nhưng ngay sau đó, các cổ phiếu này đồng loạt giảm giá 87-96% khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh trắng tay. Từ đầu năm đến nay, những cổ phiếu này tăng giá ấn tượng nhưng chỉ giúp nhà đầu tư bớt lỗ vì vẫn còn giảm 76-90% so với mức đỉnh.

Vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng, TSC lại trông chờ vào “hạt tiêu” Vikoda.

Vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng, TSC lại trông chờ vào “hạt tiêu” Vikoda.

Tăng vốn thần tốc

Tập đoàn FIT được thành lập trong giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2007. Triết lý ban đầu là “làm giàu vững chắc”, Tập đoàn FIT tích cực tham gia M&A các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khi cổ đông Nhà nước thoái vốn thuộc các lĩnh vực: Sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm…

Sau khi Tập đoàn FIT thâu tóm xong, TSC, Pharimexco và Vikoda đều có màn tăng vốn thần tốc mà hiếm có doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán sánh bằng.

Chỉ trong vòng một năm, vốn điều lệ của TSC đã tăng 9,3 lần lên 1.476 tỷ đồng qua các hình thức: Trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Tình trạng cũng xảy ra tương tự với Pharimexco.

Màn tăng vốn tại Vikoda thuộc vào loại có một không hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ lên đến 455,55%.

TSC, Vikoda, Pharimexco phát hành cổ phiếu sẽ thu tiền về bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tưởng có thêm vốn sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mạnh lên. Tuy nhiên tình hình hoàn toàn trái ngược khi doanh thu liên tục đi xuống, thua lỗ triền miên. 

Chuyển vốn ra sân sau

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, TSC có tổng tài sản trị giá 1.938 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn chiếm đến 67% tổng tài sản, bao gồm: 755 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết; 26 tỷ đồng vào đơn vị khác và 512 tỷ đồng nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trị giá 755 tỷ đồng nhưng kết quả thu lại toàn thua lỗ. Năm 2017, nhóm công ty này (CTCP FIT Cosmetics và Vikoda) thua lỗ 10 tỷ đồng và tiếp tục thua lỗ 19 tỷ đồng trong năm 2018.

Khoản đầu tư tại FIT Cosmetics trị giá 423 tỷ đồng nhưng thua lỗ kéo dài trong nhiều năm. Năm 2016, FIT Cosmetics lỗ 1,3 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 22,6 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 41,3 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm nay lỗ 16,7 tỷ đồng.

Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 512 tỷ đồng là khoản đầu tư vào trái phiếu của CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam (Hoa Sen) kỳ hạn 5 năm từ 10/6/2016 - 10/6/2021. Nếu chuyển đổi sang cổ phiếu của Hoa Sen, lãi suất được áp dụng là 0%/năm, nếu không chuyển đổi sẽ nhận lãi suất 5%/năm.

Hoa Sen không phải là pháp nhân xa lạ đối hệ sinh thái FIT. Hiện nay, Hoa Sen đang sở hữu 38,72% vốn điều lệ tại Vikoda. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FIT Nguyễn Văn Sang đang đại diện vốn cho Hoa Sen tại CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco.

Nếu TSC không chuyển đổi trái phiếu Hoa Sen thành cổ phiếu, công ty chỉ nhận được lãi suất cuối kỳ 5%/năm thua rất xa với lãi suất dài hạn của ngân hàng. Còn TSC nhận chuyển đổi sẽ có hình thức sở hữu chéo như mạng nhện và hiệu quả đầu tư rất mơ hồ.

Trong 9 tháng đầu năm nay, TSC đạt doanh thu 307 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận bất ngờ báo lãi 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước là lỗ 18 tỷ đồng. Ban lãnh đạo TSC hồ hởi khẳng định trên một số phương tiện truyền thông: TSC đang dần gặt hái thành quả tái cơ cấu.

Thành công của quá trình cơ cấu chính là sản phẩm nước khoáng thiên nhiên cao cấp Vikoda. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu biểu nhất này lại không có lợi thế cạnh tranh trong thị trường có quá nhiều ông lớn của ngành hàng tiêu dùng trong và ngoài nước đang chiếm lĩnh. Nếu nhìn lại lịch sử của Vikoda, chính Tập đoàn FIT và TSC đã biến một doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận tốt thành doanh nghiệp thua lỗ.

Đón nhận sự hồ hởi của ban lãnh đạo, cổ phiếu TSC bất ngờ tuột dốc sau một thời gian tăng nóng. Đóng cửa ngày 25/11, cổ phiếu TSC giảm 39% so với đỉnh được thiết lập trong tháng 11. Quả bóng TSC đang xì hơi khi rớt xuống sàn sẽ bật lên rồi rớt xuống tiếp. Nếu nguồn vốn vẫn bị ban lãnh đạo rút ra cho sân sau thì quả bóng TSC sẽ chạm mặt đất và nằm im tại đó trong nhiều năm liền. Chỉ khi nào nguồn vốn được TSC sử dụng hiệu quả thì quá trình tái cơ cấu mới thành công nhưng đấy cũng chỉ giúp công ty trở lại vị trí trước khi có Tập đoàn FIT xuất hiện.

Trí Nguyễn

Theo NTD

largeer