Quyền của người tiêu dùng

Thứ hai, 13/01/2020, 09:37 AM

Thông tin về đợt thanh tra kéo dài 9 năm (2007 – 2015) của cơ quan thuế với Coca-Cola Việt Nam và kết quả truy thu hơn 820 tỷ đồng tiền thuế, phạt và tiền chậm nộp đang khiến dư luận quan tâm trong những ngày qua. Đây không phải là lần đầu tiên, DN này dính tai tiếng về việc “quên” đóng thuế và chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra mới phát hiện ra.

 Người tiêu dùng mua sản phẩm CocaCola được tại siêu thị. Ảnh: Trần Định

Người tiêu dùng mua sản phẩm CocaCola được tại siêu thị. Ảnh: Trần Định

Lý do là vì Coca-Cola Việt Nam hoạt động và tìm kiếm lợi nhuận trên đất Việt Nam 20 năm qua với nhiều ưu đãi nhưng lại “quên” nhiều nghĩa vụ thuế, thậm chí còn dính hàng loạt nghi án cố tình lỗ nhiều năm liền để tránh đóng nhiều loại thuế là điều không thể chấp nhận được.

Đây không phải là lần đầu tiên Coca-Cola Việt Nam bị nhiều người Việt quay lưng và kêu gọi tẩy chay. “Bí quyết" để DN này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó, chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Như vậy, rõ ràng, Coca- Cola đang dùng “chiêu trò” để không phải đóng thuế trên chính đất nước đã mang lại nguồn thu nhập và dành nhiều ưu đãi cho họ.

Thực tế, câu chuyện DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển giá không chỉ ở Việt Nam mà vấn đề đang gây đau đầu cho nhiều quốc gia. Muốn hạn chế và tiến tới “chặn” tình trạng này, trước tiên cơ quan quản lý Nhà nước phải trong việc đưa ra hành lang pháp lý chặt chẽ hơn ngăn việc chuyển giá, trốn thuế. Hiện chính sách chống chuyển giá đang được nâng cấp thành luật với các quy định gồm nguyên tắc quản lý thuế đối với DN có quan hệ giao dịch liên kết, quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch. Đặc biệt, cách xác định giá đầu tư đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ các bên có giao dịch liên kết cũng sẽ được quy định rất chặt chẽ. Quan trọng nhất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận để đưa ra so sánh.

Ngoài ra, thái độ của người tiêu dùng nước sở tại cũng là một cách khiến các DN “tự giác” hơn trong thực hiện các nghĩa vụ của mình, trong đó có nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Việc một DN hoạt động hơn 2 thập kỷ tại Việt Nam, kinh doanh trên đất nước Việt Nam và đươc hưởng nhiều ưu đãi từ nước sở tại nhưng “quên” đóng thuế là hành động khó chấp nhận. Vì thế, phản ứng của nhiều người tiêu dùng Việt quay lưng với sản phẩm Coca-Cola cũng là điều dễ hiểu, nó như một lời cảnh tỉnh để DN này có thái độ tích cực hơn trong nghĩa vụ đóng góp của mình.

Đinh Nguyễn

Theo kinhtedothi.vn

largeer