Sabeco, PNJ, SASCO: Những đại gia còn nặng nợ với ngân hàng Đông Á

Thứ năm, 30/11/2017, 11:40 AM

Đang là những doanh nghiệp được chú ý trên thị trường chứng khoán nhưng ít ai biết các đại gia như Sabeco, PNJ hay SASCO đều đang nặng nợ với ngân hàng Đông Á.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố danh sách 42 ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng theo quy định của Thông tư 13/2017. Đáng chú ý, trong danh sách các ngân hàng không được phép bảo lãnh, bên cạnh 3 ngân hàng từng bị mua lại 0 đồng là OceanBank, GPBank và CB (VNCB cũ) còn có tên DongABank, ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank) đã có thời là một trong những ngân hàng tư nhân nổi danh nhất Việt Nam. Nhưng hiện tại, DongABank đã trượt dài và đang nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt. Năm 2015, cổ phiếu DAF buộc phải ngừng giao dịch trên thị trường OTC.

Tới cuối năm 2016, thị trường tài chính có thêm cú sốc mới khi ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó tổng giám đốc và 3 nhân viên khác tại ngân hàng này cùng bị bắt.

Bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Johnathan Hạnh Nguyễn là lãnh đạo của các doanh nghiệp vẫn còn nặng gánh với DongABank.

Bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Johnathan Hạnh Nguyễn là lãnh đạo của các doanh nghiệp vẫn còn nặng gánh với DongABank.

Hiện tại, cổ phiếu DAF tái xuất trên OTC với mã mới EAB. Lệnh đặt bán và đặt mua EAB xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, mức giá của cổ phiếu này là vấn đề cần bàn. Trong khi các cổ phiếu ngân hàng khác tăng rất mạnh, tạo nên làn sóng mới trên thị trường OTC, EAB vẫn chỉ có mức giá từ 5.000 tới 5.800 đồng/CP, chỉ bằng 50% mệnh giá.

Báo cáo tài chính gần đây nhất được DongABank cung cấp chính là báo cáo năm 2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2014 của ngân hàng này chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm 301 tỷ đồng, tương ứng 92% so với năm 2013. Trong báo cáo của mình, DongABank chỉ công bố bảng cân đối kế toán và bảng kết quả kinh doanh hợp nhất. Vì vậy, tình hình huy động vốn, cho vay khách hàng hay nợ xấu tại DongABank trong năm 2014 vẫn là ẩn số.

Cho tới nay, chưa bản báo cáo nào của DongABank được công khai nên chưa rõ ngân hàng này đã cải thiện được hiệu quả kinh doanh hay chưa.

DongABank bết bát, cổ đông là những người chịu nhiều thiệt hại nhất. Trong các cổ đông của DongABank, các đơn vị Sabeco, PNJ, SASCO là những đại gia đang được chú ý nhiều nhất.

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang gây chú ý trên thị trường chứng khoán khi liên tục công bố những khoản lãi khủng và tốc độ mở rộng quy mô hệ thống. PNJ được dự báo sẽ đạt mức lãi ròng gần 900 tỷ đồng trong năm 2018.

Vì vậy, trong năm 2017, PNJ lọt vào Top các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất. Tính tới ngày 27/11, PNJ dừng ở mức 122.000 đồng/CP sau khi tăng 56.700 đồng/CP, tương ứng 87% so với cuối năm 2016. 

Những con số lạc quan kể trên không thể khiến cổ đông quên đi thực tế PNJ vẫn còn nặng nợ tại DongABank. Tại DongABank, PNJ là cổ đông lớn thứ hai, chỉ sau Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79. Hiện tại, PNJ đã chi hơn 395 tỷ đồng để nắm giữ gần 38,5 triệu cổ phiếu DAF.

Do DongABank kinh doanh bết bát, PNJ phải chi hơn 395 tỷ đồng để dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Con số này cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 của PNJ.

Mối quan hệ giữa DongABAnk và PNJ còn "sâu nặng" hơn thế khi các thành viên trong gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ nắm giữ khá nhiều cổ phần DAF. Ngoài ra, bà Dung còn là vợ ông Trần Phương Bình.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thậm chí còn được chú ý hơn PNJ. "Game thoái vốn" đang nở rộ trên sàn chứng khoán đẩy giá cổ phiếu SAB vượt mốc 300.000 đồng/CP. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, SAB đã tăng 105.300 đồng/CP, tương ứng 53% lên 303.000 đồng/CP (thị giá ngày 27/11).

Nhưng cũng như cổ đông PNJ, cổ đông Sabeco có lý do để lo ngại khi nhìn vào khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng của Sabeco. Hiện tại, Sabeco đang sở hữu 0,95% vốn DongABank. Để nắm giữ được lượng cổ phiếu này, Sabeco đã phải chi ra hơn 136 tỷ đồng. Và khi DongABank bết bát, Sabeco phải chi thêm 136 tỷ đồng trích lập dự phòng.

Không chỉ mắc kẹt với DongABank, Sabeco vẫn phải "ôm" cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB). Sabeco đã chi ra gần 217 tỷ đồng để nắm giữ 2,75% vốn OCB. Nhưng vì ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả, Sabeco phải chi thêm 154 tỷ đồng cho dự phòng.

Không sa lầy ở DongABank như Sabeco và PNJ nhưng Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) do ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn) nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và vợ ông - bà Lê Hồng Thủy Tiên nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, vẫn đang là cổ đông của DongABank. Tại thời điểm cuối quý 3, SASCO vẫn ghi nhận khoản đầu tư 28,6 tỷ đồng vào DongABank.

Theo Vy Vy-NTD

largeer