Sau chuỗi ngày giảm cả giá và lượng bán ra: Chỉ mình xe máy Honda phục hồi

Thứ ba, 16/04/2019, 15:36 PM

Các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang tuyên truyền cho lộ trình cấm xe máy ở một số tuyến đường nội đô khiến thị trường xe máy giảm tốc. Trong quý 1/2019, giá bán xe máy sụt giảm nhưng không “cứu nổi” doanh số. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 4, giá xe máy của hãng Honda đã có dấu hiệu phục hồi.

SH 300i đen mờ tăng tới 13,9 triệu đồng trong tháng 4.

SH 300i đen mờ tăng tới 13,9 triệu đồng trong tháng 4.

Xe máy sẽ bị cấm ở một số tuyến đường

Chính phủ có chủ trương thí điểm áp dụng hạn chế xe máy tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng. Chủ trương này khiến dư luận xôn xao, bàn tán. Gần đây, Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng một lần nữa tỏ rõ quyết tâm hạn chế phương tiện xe 2 bánh để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã đưa ra giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Mới đây, dư luận Hà Nội lại xôn xao khi cơ quan chức năng cho biết sẽ thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

TP.HCM cũng lập đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông do Sở GTVT TP.HCM đặt hàng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố. Đề án này cũng đặt mục tiêu cấm hẳn xe máy từ năm 2030. Ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương này.

Thị trường xe máy đã ổn định trở lại sau chuỗi ngày giảm giá sâu.

Thị trường xe máy đã ổn định trở lại sau chuỗi ngày giảm giá sâu.

Duy nhất Honda phục hồi sau chuỗi ngày giảm sốc

Thông tin xe máy sẽ bị cấm trong nội đô 5 thành phố lớn ảnh hưởng nhiều tới thị trường xe máy. Trong nhiều tháng qua, xe máy liên tục rớt giá. Cùng với đó là doanh số ảm đạm.

Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vừa công bố, doanh số bán hàng quý 1/2019 của 5 công ty: Honda Việt Nam, Piaggo Việt Nam, Suzuki Việt Nam, SYM Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam chỉ đạt 753.934 xe, giảm 6,13% so với cùng kỳ năm 2018.

Điều đáng nói, doanh số xe máy đi xuống bất chấp giá xe giảm sâu. Trong quý 1/2019, thị trường chứng kiến nhiều mẫu xe “hot” như SH giảm tới 4 triệu đồng, Honda Air Blade, SH mode có lúc giảm tới 1,5 triệu đồng, Vision, Exciter giảm từ 2-5 triệu đồng. Đáng chú ý nhất là Honda Winner 150 giảm tới 7 triệu đồng.

Sau quý 1/2019 chỉ biết đi xuống, bước sang quý 2/2019, vượt qua các hãng còn lại, xe máy Honda bất ngờ phục hồi. Trong khi giá đề xuất của hãng không tăng, giá thực tế nhiều mẫu xe đã cải thiện đáng kể.

Ví dụ, trong tháng 4, dù giá hãng vẫn “bất động” ở mức 17,8 triệu đồng nhưng giá thực tế của Wave Alpha 10 lại tăng 700.000 đồng lên 18,7 triệu đồng. Air Blade phanh cơ tăng giá từ 18,8 triệu đồng lên 19,5 triệu đồng. Bản phanh đĩa “nóng” hơn khi tăng 1,4 triệu đồng lên 20,4 triệu đồng.

Sau hơn 1 tháng giảm sâu, giá xe Winner đã tăng mạnh. Mẫu Winner thể thao 2019 tăng 5,4 triệu đồng lên 43,9 triệu đồng. Phiên bản Winner cao cấp 2019 tăng 6,4 triệu đồng lên 46,4 triệu đồng. Winner là mẫu xe tay côn có mức biến động giá rất mạnh.

SH 300i đen mờ mới là mẫu “nóng” nhất với mức tăng 13,9 triệu đồng lên 284,4 triệu đồng. Mức chênh giữa giá bán và giá đề xuất của mẫu xe này lên tới 14,4 triệu đồng.

Trong khi đó, vẫn có một số mẫu quay đầu giảm nhẹ. Xe Monkey và Super Cub C125 giảm 500.000 đồng xuống “đồng giá” 83 triệu đồng. Mẫu xe PCX 150v niêm yết ở mức 67,8 triệu đồng sau khi giảm 500.000 đồng.

Các hãng còn lại không có nhiều biến động về giá cả trong tháng 4/2019. Có thể thấy, một mình Honda “một đường” khi đồng loạt tăng giá xe máy. Tuy nhiên, đà tăng này không được bảo đảm khi nhu cầu về xe máy được cho là sẽ ảnh hưởng sau quyết tâm cấm xe máy trong nội đô của nhiều thành phố lớn.

BẢO LINH

Theo NTD

largeer