Sau chuyển nhượng, đại học tư thục chuyển mình

Thứ ba, 04/06/2019, 09:31 AM

Thị trường chuyển nhượng đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) tư thục trong thời gian gần đây sôi động hơn, thu hút dòng vốn mới của các nhà đầu tư. Nhưng khi doanh nghiệp mua lại cổ phần để nắm quyền điều hành trường từ những nhà giáo chỉ biết dạy học, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.

Có đến 80% sinh viên của Đại học Văn Hiến có việc làm sau khi tốt nghiệp. (Ảnh: VHU).

Có đến 80% sinh viên của Đại học Văn Hiến có việc làm sau khi tốt nghiệp. (Ảnh: VHU).

Hai câu chuyện “doanh nghiệp trong trường”

Năm nay là năm thứ 100 ngày sinh của cố NGND - GS. Hoàng Như Mai. Trường ĐH Văn Hiến là nơi sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về văn học và giảng dạy văn học để tưởng niệm vị giáo sư khả kính. Trường cũng lập một tủ sách riêng mang tên của ông. Bóng dáng ông vẫn còn đó. Nhưng từ khi ông sáng lập trường này vào năm 1997, rồi giao lại cho những người kế nhiệm, trường ĐH Văn Hiến đã thay đổi rất nhiều.

Cũng như nhiều trường tư thục khác, Văn Hiến bắt đầu có bước ngoặt lớn trong thời điểm chuyển từ dân lập sang tư thục. Lúc này, luật giáo dục yêu cầu trường tư thục phải có số vốn tối thiểu 50 tỷ đồng. Tập đoàn VTC quyết định đầu tư vào đây nhưng với một thỏa thuận oái ăm: Chuyển sang tư thục mới đầu tư! Thỏa thuận đổ bể.

Năm 2012, Bộ GD - ĐT đình chỉ tuyển sinh trường ĐH này vì không thực hiện đúng cam kết khi xây dựng trường. Trường đứng trước nguy cơ bị giải thể. May mắn cho những nhà giáo dục đang lâm vào tình cảnh khó khăn, một sinh viên cũ của trường là ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Hậu quyết định đầu tư.

Mọi thứ thay đổi hoàn toàn.

Những ông giáo lớn tuổi bắt đầu rút lui, những người trẻ bắt đầu nắm giữ những vị trí quan trọng về quản lý. Ba giám đốc điều hành được bổ nhiệm. Những phòng ban trước đó chưa bao giờ xuất hiện tại trường này cũng được thành lập. Công việc trong trường bắt đầu được quản lý bằng chỉ tiêu chứ không cảm tính như trước kia nữa. Sự hiện diện của một doanh nghiệp trong trường học đã rất rõ ràng. Sự thành công của trường có thể sẽ còn phải đánh giá sau một thời gian nữa. Nhưng ít nhất, so với thời điểm bị đình chỉ tuyển sinh, có nguy cơ giải thể, mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Câu chuyện tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng là một tiêu biểu của sự chuyển đổi từ trường học thuần túy sang trường học có cách quản trị của doanh nghiệp. Trường này cũng được thành lập từ năm 1997 từ người khai sinh là PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng. Xuất thân là một tiến sĩ sử học nhưng khi mở trường, ông đã tạo nên một thương hiệu khá tên tuổi trong hàng ngũ các đại học dân lập thời bấy giờ. Có những thời điểm, thí sinh chen chúc nộp hồ sơ vào trường. Nhưng đến thời điểm chuyển sang tư thục cũng là thời điểm trường của ông bắt đầu đi xuống. Việc đầu tư chất lượng không tương xứng trong hoàn cảnh nhiều trường ĐH bắt đầu nổi lên, thí sinh bắt đầu ít chú ý đến Hồng Bàng. Cộng thêm những sai lầm trong việc đầu tư của ông khiến cho tài chính của trường không còn được như trước.

Lúc 2h sáng một ngày năm 2015, ông Hùng đặt bút ký vào bản hợp đồng làm thay đổi hoàn toàn số phận của ngôi trường. Ông đồng ý chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) sau khi suy nghĩ trước lời đề nghị của doanh nghiệp này ở cuộc họp diễn ra lúc 5h chiều trước đó. Ông rút lui, tiếp tục là một nhà nghiên cứu lịch sử. Tập đoàn Nguyễn Hoàng bắt đầu công cuộc cải tổ và tái thiết ngôi trường toàn diện.

Chỉ không lâu sau khi tiếp nhận trường, NHG xây lên một tòa nhà 33 tầng với hình dáng một con tàu tri thức. Những người cũ bắt đầu ra đi khi cảm thấy không phù hợp với cách quản trị khác lạ của doanh nghiệp so với trước kia. Dĩ nhiên, nhân sự, phòng ban cũng có nhiều thay đổi. PGS. TS. Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) được mời về làm hiệu trưởng với kỳ vọng đưa trường này lên một bước tiến mới. Ít ai chú ý đến một chi tiết nhỏ mang tính tiêu biểu cho sự chuyển giao từng làm rung động giới giáo dục này. Đó là trên các bậc thang của tòa nhà hiện tại có nhiều ngôi sao danh vọng. Nhưng hiện tại chỉ có duy nhất một ngôi sao có tên của người khai sinh là PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng.

Empty

Liên tục đổi mới

Các ĐH tư thục nào đang có bóng dáng mạnh mẽ của một doanh nghiệp chi phối nữa? Những cái tên đã tiếp tục kéo dài ra trong những năm gần đây. Đó là các trường: Hoa Sen, Gia Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Thái Bình Dương, Quốc tế miền Đông, Yersin... ở phía Nam hay Phenikaa, FPT, Đông Đô... ở phía Bắc. Hay mới gần đây, ở miền Trung, trường ĐH Phú Xuân (Huế) cũng đã được chuyển nhượng về tay một doanh nghiệp.

Có vụ chuyển nhượng diễn ra nhẹ nhàng và êm thắm, nhưng cũng cũng có vụ lùm xùm gây bão dư luận một thời gian. Nhưng tạo dựng tên tuổi lâu dài, gầy dựng thương hiệu vững chắc mới là vấn đề.

Có rất ít trường đứng vững trước những thay đổi sóng gió trong 30 năm qua. Có chăng là những cái tên như ĐH Công nghệ TP.HCM hay ĐH Nguyễn Tất Thành - nơi mà những người thành lập trường ban đầu đã có tư tưởng quản trị rạch ròi của một doanh nghiệp.

Có lẽ trường hợp khiến tất cả giới quản trị giáo dục phải kính nể, một ví dụ rất khác, là trường ĐH Thăng Long. Là trường ĐH ngoài công lập được thành lập đầu tiên của cả nước, trường này vẫn liên tục giữ vững phong độ của mình. Nhưng có lẽ, ngay trong chính nội tại của mình, lãnh đạo trường này vẫn luôn phải thay đổi liên tục về cách quản trị đại học của mình.

Học sinh trường PTTH Nguyễn Du tham quan cơ sở mới của Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Đây là một hoạt động được phụ huynh và học sinh đánh giá cao nhưng các trường đại học công lập ít chú ý. (Ảnh: A.T.).

Học sinh trường PTTH Nguyễn Du tham quan cơ sở mới của Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Đây là một hoạt động được phụ huynh và học sinh đánh giá cao nhưng các trường đại học công lập ít chú ý. (Ảnh: A.T.).

Vẽ lại tương lai giáo dục

Tại một hội thảo trong năm 2018, vẫn còn nhiều chuyên gia cho rằng quan niệm giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh hiện nay vẫn không thể được chấp nhận. Mọi người vẫn nhìn chuyện kinh doanh giáo dục với cái nhìn ác cảm, nặng nề và ảnh hưởng đến người làm chính sách.

Đầu tháng 5/2019, tại Tọa đàm “Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM, PGS. TS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban nhắn nhủ rằng “cần vẽ lại cánh chim tư thục”.

Ở các nước phát triển, những trường ĐH mạnh nhất đều là các trường tư thục. Nhưng về chính sách, nhìn trên thực tế, rất cần có sự nhìn nhận rõ ràng: Trường đại học tư thục có nên được xem như một doanh nghiệp hay không?

Trong thời đại kinh tế tri thức, “giáo dục ĐH là một dịch vụ” là quan niệm này được chấp nhận ở nhiều nước trên thế giới. Một khi chúng ta quan niệm giáo dục ĐH là một dịch vụ thì việc xem xét trường ĐH có phải là doanh nghiệp hay không có thể tìm được câu trả lời. Giáo dục ĐH là một dịch vụ, cho nên về bản chất các trường ĐH tư là doanh nghiệp là một thực tế. Dù không nhìn nhận thì thực tế cũng là như vậy.

Đúng như những nhận định này, sự tham gia của doanh nghiệp vào trường ĐH tư thục đang là xu hướng không thể khác nữa. Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục không sinh lời ngay, cần thời gian, công sức rất lớn. Nhưng kết quả nhận được lại bền vững và mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Với cách quản trị mang tính khoa học nhiều hơn cảm tính, nhiều trường ĐH trước đó đi xuống như ĐH Văn Hiến, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Phú Xuân...  đang “thay da đổi thịt” là một minh chứng.

Tuy nhiên, cũng như trong thị trường cạnh tranh, không hiếm những trường ĐH có sự đầu tư của doanh nghiệp vẫn chưa mang đến thành công như mong đợi. Sự thất bại này có thể đến từ việc quá quan trọng chuyện thu lời trong ngắn hạn hoặc chỉ đầu tư mà không bỏ quá nhiều công sức tham gia trực tiếp điều hành. Hoặc tệ hơn là xem trường như một “miếng bánh” để các nhà đầu tư xâu xé.

Để ngăn ngừa những tiêu cực đó, GS. Phạm Phụ cho rằng ở nhiều nước châu Á tiếp cận theo hướng ĐH tư thục là phân nửa lợi nhuận. Nghĩa là xem các trường này vì lợi nhuận như các công ty nhưng có chính sách quản lý để các trường không trở thành siêu lợi nhuận. Nói cách khác, các trường đại học chính là “doanh nghiệp có điều kiện”.

Nếu làm tốt, chúng ta sẽ chứng kiến một giai đoạn khởi đầu mới của các ĐH CĐ tư thục.

An Thư



Theo NTD

largeer