Siết chặt quy định về ví điện tử

Thứ hai, 22/04/2019, 14:57 PM

Việc thêm nhiều yêu cầu về hồ sơ mở ví điện tử, kiểm soát hạn mức giao dịch, phải liên kết với tài khoản thanh toán là nhằm giảm thiểu rủi ro nhưng có thể làm người dùng ngại sử dụng ví

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN đã bổ sung nhiều quy định mới theo hướng kiểm soát việc mở tài khoản ví, quy định hạn mức giao dịch…

Thêm biện pháp nhận diện người dùng

Cụ thể, cá nhân mở ví điện tử cần cung cấp thông tin, giấy tờ như căn cước công dân, CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của người mở ví (đối với người nước ngoài); họ tên, ngày tháng năm sinh…

Với ví điện tử của tổ chức, cần một trong các giấy tờ chứng minh như quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật...

Việc sử dụng ví điện tử hiện nay hết sức đơn giản, dễ dẫn đến những rủi ro cho người dùng và đơn vị cung ứng dịch vụ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Việc sử dụng ví điện tử hiện nay hết sức đơn giản, dễ dẫn đến những rủi ro cho người dùng và đơn vị cung ứng dịch vụ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (MoMo, ZaloPay, AirPay, Moca, Payoo...) phải kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm hồ sơ mở ví của khách hàng đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định; đồng thời có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở ví. Tổ chức cung ứng dịch vụ phải rà soát hồ sơ khách hàng mở ví trước thời điểm thông tư có hiệu lực; thu thập bổ sung các thông tin, tài liệu của khách hàng, xác thực thông tin khách hàng mở ví trong vòng 6 tháng từ ngày thông tư có hiệu lực.

Chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín đánh giá việc yêu cầu người dùng ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân là hợp lý, bởi đây được xem là phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại. Do đó, cần thông tin cụ thể của người dùng để tránh tình trạng một người mở hàng chục tài khoản ví cho các mục đích sai, cơ quan quản lý phải kiểm soát để tránh kênh thanh toán này bị lợi dụng. Có điều, tổ chức cung ứng dịch vụ ví cần triển khai nhiều cách, giúp người dùng thuận lợi khi bổ sung thông tin, giấy tờ.

"Người dân có thể ngại dùng ví khi phải kê khai thông tin cá nhân cụ thể. Nhưng đổi lại, nếu các ví điện tử ngày càng nhanh chóng, tiện lợi và đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ hấp dẫn khách hàng" - TS Bùi Quang Tín nhìn nhận.

Dự thảo thông tư cũng yêu cầu người dùng phải hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ATM "chính chủ" mở tại NH tại Việt Nam trước khi kích hoạt ví để sử dụng. Việc nạp tiền vào ví của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hay thẻ ATM của chủ ví điện tử tại NH hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ mở.

Đáng lưu ý, dự thảo thông tư quy định cụ thể hạn mức giao dịch của khách hàng cá nhân và tổ chức khi sử dụng ví điện tử. Theo đó, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; hạn mức giao dịch của tổ chức qua ví tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, dự thảo thông tư còn yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví, trả lãi trên số dư ví hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví phải có công cụ để NHNN giám sát hoạt động. Cấm sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận; cấm mua bán, cho thuê, chuyển nhượng ví hoặc thông tin ví, mở hộ ví…

Lo ngại khách hàng chuyển kênh thanh toán

Nhìn chung, các quy định nêu trên đã siết khá chặt điều kiện mở và sử dụng ví điện tử. Hiện nay, với nhiều ví điện tử, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký số điện thoại là có thể nạp tiền, chuyển tiền và thực hiện các giao dịch khác nhau.

Theo số liệu của NHNN, hiện cả nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử như MoMo, AirPay, ZaloPay, Vimo, VTCPay, SenPay, Ví TrueMoney, Moca... và khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản NH. Trong đó, một số ví điện tử có lượng khách hàng lên tới hàng triệu người. Việc thanh toán qua ví điện tử ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn như trả tiền điện, nước, internet, mua hàng hóa, dịch vụ, thẻ cào, bảo hiểm… Ngay cả những điểm bán hàng rong cũng chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử.

Chị Hoài Lam (làm việc tại quận 3, TP HCM) cho biết hiện trong điện thoại chị có rất nhiều ứng dụng ví điện tử như MoMo, Ví Việt, Viettel Pay, ZaloPay, Sacombank Pay… "Việc tải ứng dụng, đăng ký số điện thoại khá dễ dàng và tiện lợi nên tôi đăng ký cùng lúc nhiều ví, để vừa hưởng ưu đãi vừa thanh toán dịch vụ, hàng hóa khi cần. Giờ nếu yêu cầu phải cung cấp thông tin đầy đủ như CMND, tôi có thể sẽ cân nhắc giảm bớt số lượng ví, chỉ giữ lại ứng dụng nào thông dụng để dùng thôi" - chị Lam nói.

Đại diện một công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có ví điện tử nhận xét nếu siết chặt quy định, điều kiện mở và sử dụng ví sẽ làm người dùng ngại thanh toán qua ví. Trong khi đó, đây là chủ trương lớn của nhà nước về khuyến khích phát triển các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.

Dẫn chứng cụ thể, vị đại diện công ty này cho rằng hạn mức giao dịch cho cá nhân dùng ví chỉ 20 triệu đồng/ngày là khá thấp và chưa phù hợp. Hiện nhiều sản phẩm, đồ dùng như laptop, xe máy, điện thoại… đã có giá trị trên 20 triệu đồng, người mua nếu chọn thanh toán qua ví sẽ gặp khó khăn. "Rất nhiều sản phẩm, vật dụng có giá trị lớn hơn đều có thể được thanh toán qua ví điện tử nhưng dự thảo thông tư chỉ cho phép hạn mức giao dịch tối đa 20 triệu đồng/ngày sẽ khiến người dùng băn khoăn, chuyển sang trả tiền mặt hoặc các kênh thanh toán khác" - vị này băn khoăn.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tỏ ra đồng tình với quy định về hạn mức giao dịch của ví điện tử như dự thảo thông tư. Hiện các giao dịch NH điện tử đều có hạn mức tùy thuộc mức độ cung cấp phương thức xác thực, bảo mật. Ví điện tử hiện xác thực mã OTP hoặc mật khẩu của khách hàng tương đương hạn mức giao dịch thấp nhất của NH thương mại. Thậm chí, có ví không cần bước duyệt thanh toán (không cần mã OTP) để tiện lợi cho người dùng nhưng cũng đồng nghĩa chấp nhận xác suất rủi ro. "Những quy định của NHNN không hẳn siết chặt mà là có khung hướng dẫn rõ ràng hơn" - vị phó tổng giám đốc này nhận xét. 

Chặn đứng các giao dịch bất hợp pháp

Theo Ban Soạn thảo NHNN, việc quy định cụ thể sử dụng ví, hạn mức giao dịch là nhằm giảm thiểu rủi ro lợi dụng ví để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp; phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ này là cho các thanh toán giao dịch nhỏ, lẻ. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép phát hành hơn một ví cho khách hàng nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng đăng ký mở ví tràn lan; lợi dụng mở nhiều ví để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.

THÁI PHƯƠNG

Theo nld.com.vn

largeer