Sở Công thương TP.HCM: Đảm bảo hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2021

Thứ năm, 14/01/2021, 09:29 AM

Dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM vẫn giữ vững tốc độ phát triển. Sáng ngày 13/1, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết ngành năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.

Hội nghị tổng kết ngành công thương TP.HCM diễn ra vào ngày 13/1. Ảnh: N.N

Hội nghị tổng kết ngành công thương TP.HCM diễn ra vào ngày 13/1. Ảnh: N.N

Năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, ngay từ đầu năm, Sở Công thương tập trung xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ phát triển ngành công thương thành phố.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở đã chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại các Chỉ thị số 01/CT-UBND, Quyết định số 01/QĐ-UBND của UBNDTP nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép kiên quyết phòng, chống đại dịch Covid-19, đồng thời phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 ở mức cao nhất.

Kết quả đạt được năm 2020, tuy sản xuất công nghiệp suy giảm, sức tiêu thụ hàng hóa đạt mức tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm 2019, nhưng ngành công thương vẫn duy trì mức đóng góp lớn cho kinh tế thành phố, góp phần san sẻ khó khăn chung của các khu vực kinh tế còn lại, đặc biệt là dịch vụ. Tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp và thương nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 đạt 35,3% (trong đó công nghiệp chiếm 19,6%, thương nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm 15,7%), đồng thời ngành công thương có đóng góp 1,15 điểm phần trăm trong mức tăng 1,39% GRDP thành phố (công nghiệp đóng góp 0,1 điểm; thương nghiệp bán buôn, bán lẻ đóng góp 1,05 điểm).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 1.224.705 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm trước (năm 2019 tăng 13,0%). Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa ước đạt 759.714 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và chiếm 62,0% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết doanh thu bán lẻ của đơn vị này đạt khoảng 2.900 tỷ đồng (đạt 101,3% kế hoạch).

"Satra đã chuẩn bị 3 mặt hàng thiết yếu là gạo, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến cho tiêu dùng nội địa trong 2 tháng Tết với số lượng khoảng 5.000 tấn các loại. Đồng thời các sản phẩm thiết yếu như bia, nước ngọt, trứng, sữa cũng sẽ được chuẩn bị. Tổng lượng hàng hóa công ty phục vụ Tết Nguyên đán gần 1.500 tỷ đồng và được đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bình ổn giá cả" - ông Khoa nhấn mạnh.

Cùng chung nỗi niềm phát triển ngành lương thực thực phẩm TP.HCM, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực TP.HCM (FFA) kiến nghị các cơ quan hỗ trợ mở thêm các kho lạnh bảo quản thực phẩm và mở rộng xây dựng liên kết vùng nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ ngành sản xuất  và chế biến lương thực thực phẩm của khu vực.

Hiện nay, đã có 3 đơn vị tham gia bình ổn thị trường làm đầu mối thực hiện là: Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Satra và Công ty Ba Huân.

Theo tính toán, mỗi tháng các đơn vị này sẽ tổ chức bình quân 150 chuyến, riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 350 chuyến với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng hóa đặc trưng mùa Tết như bánh mứt, nước giải khát các loại. Giá bán sẽ thấp hơn so với mặt bằng giá hàng bình ổn khoảng 5% để hỗ trợ bà con mua sắm hàng Tết.

Hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố có 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Năm 2020, mặc dù có ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình phát triển hệ thống phân phối ổn định. Xét về mức tỷ trọng, các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỷ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố (siêu thị chiếm 80%, trung tâm thương mại chiếm 60%, cửa hàng tiện lợi chiếm 76%), đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.

Hệ thống phân phối hiện đại đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân liên quan theo hướng văn minh, hiện đại thông qua việc lựa chọn kênh phân phối mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, góp phần xóa bỏ các điểm - khu vực kinh doanh tự phát hoạt động trên lòng, lề đường, gây mất an ninh trật tự giao thông và ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị của thành phố.

Do tâm lý lo sợ về dịch bệnh, người dân hạn chế trong việc đi lại, vui chơi giải trí, lượng khách đến các nơi công cộng, tình hình mãi lực giảm. Trong năm 2020, Sở Công thương đã tập trung triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nhịp sống như trước đây như:

Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020; phát động “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn thành phố”,... Các chương trình trên trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm, kịp thời giúp thành phố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tình hình dịch bệnh; chung tay thực hiện chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như tạo điều kiện cho người tiêu dùng được mua sắm hàng hóa với giá cả phù hợp.

Tại hội nghị, Sở Công thương đã công bố 92 sản phẩm được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của thành phố. Trong đó có 39 sản phẩm của ngành cơ khí - điện, 21 sản phẩm của ngành cao su nhựa, 1 sản phẩm của ngành điện tử - công nghệ thông tin, 25 sản phẩm của ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm, 14 sản phẩm của ngành dệt may.

Tại hội nghị còn diễn ra buổi công bố sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP.HCM 2020. Ảnh: N.N

Tại hội nghị còn diễn ra buổi công bố sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP.HCM 2020. Ảnh: N.N

Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 43,81 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,7%). Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố (không tính dầu thô) ước đạt 38,53 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2019.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến nay có 30 dự án đầu tư của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được UBNDTP phê duyệt với tổng mức đầu tư là 2.289,57 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 1.282,94 tỷ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 76,319 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 42,765 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.

Riêng trong năm 2020, có 8 dự án được UBNDTP phê duyệt với tổng mức đầu tư là 700,37 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 346,28 tỷ đồng.

Với mức lãi suất bình quân là 10% và thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm, ngân sách thành phố sẽ bỏ ra 449,03 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi vay để thu hút được 2.289,57 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp thành phố, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được khoảng 5,1 đồng từ nguồn lực xã hội.

Nguyễn Ngọc

Theo chatluongvacuocsong

largeer