Tại sao Địa ốc Alibaba “đạp lên dư luận” mà vẫn sống khỏe?

Thứ năm, 05/09/2019, 09:09 AM

Các nhà phân tích tài chính, các luật gia và dư luận xã hội đều cho rằng “Alibaba đã vi phạm pháp luật, cần nghiêm trị thích đáng”. Dư luận đang trông chờ kết luận từ cơ quan điều tra sau hàng loạt những dấu hiệu sai phạm của Alibaba để tránh việc người dân bị mất tiền oan.

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc Công ty Địa ốc Alibaba, gọi tắt Alibaba, tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế, cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai. Trước đó, tháng 11/2017, Bộ Công an đã từng điều tra hoạt động của Alibaba. Tuy nhiên, đã gần hai năm qua vẫn chưa có kết luận nào.

Dựa vào đâu, mà CEO Nguyễn Thái Luyện ngày càng lộng ngôn và xem thường pháp luật?

Hàng chục nhân viên Alibaba cản trở đoàn cưỡng chế.

Hàng chục nhân viên Alibaba cản trở đoàn cưỡng chế.

Chân dung ông “trùm” Alibaba

Nguyễn Thái Luyện trước khi trở thành ông chủ Alibaba đầy tai tiếng đã từng làm thuê cho các vùng ven. Luyện nắm khá rõ về cách thức hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, nhờ vào tài “xảo biện” và máu liều lĩnh của tuổi trẻ, “ông trùm” này đã thành lập Alibaba kinh doanh theo mô hình Ponzi tài chính (là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác), lấy sản phẩm bất động sản “ảo” làm mồi nhử cho khách hàng. Dĩ nhiên, cam kết lãi cao “chót vót” là hoạt động không thể thiếu đối với mô hình kinh doanh đa cấp...

Phần các khu đất “dự án” của Alibaba đều là đất nông nghiệp nằm trong diện quy hoạch của địa phương thì làm sao có thể lập “dự án” xin lên đất thổ cư để xây dựng và kinh doanh được? Nếu không kinh doanh được thì nguồn lợi nhuận từ đâu để Alibaba trả lãi cho khách hàng? Nếu không áp dụng theo mô hình kinh doanh đa cấp Ponzi nổi tiếng, lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước thì làm cách nào để họ trả lãi suất cho khách hàng và duy trì hoạt động của công ty?

Đó là lý do mặc dầu chính quyền địa phương và dư luận đồng loạt lên tiếng cảnh báo nêu tên “dự án ma” nhưng họ vẫn cứ ngang nhiên rao bán và giới thiệu dự án cho khách hàng. Vì nếu, không có nguồn tiền của khách hàng mua sau thì không thể có tiền trả lãi cho người mua trước, nguy cơ “vỡ trận” là có thật. Ông Luyện không ngừng đăng đàn đào tạo nhân viên bằng ngôn ngữ “đánh tráo khái niệm” về đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Mới đây, “ông trùm” này đăng đàn xúc phạm lực lượng công an xã khi nói “học ngu ra làm công an xã”, xúc phạm chủ tịch xã “học làm côn đồ ra làm chủ tịch xã” sau khi xảy ra vụ việc cưỡng chế “dự án” trái phép của Alibaba tại xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ, T. Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13/6 vừa qua.

Không chỉ ông chủ mà nhân viên Alibaba cũng ngông cuồng khi chỉ đạo đạp xe, đốt xe và xông vào dùng hung khí hủy hoại tài sản của lực lượng công vụ cho thấy những người này quá lộng hành, bất chấp những quy định của pháp luật.

Nguyễn Thái Luyện còn từng đăng trên website chính thức của công ty này: “Ba năm cùng ba lần trải qua khủng hoảng truyền thông với hơn 1.600 bài viết tiêu cực nhưng Alibaba vẫn tồn tại và phát triển đến bây giờ. Alibaba làm sai hay có ai chống lưng thì đã không thể ngồi yên và hàng ngàn khách hàng đã không hợp tác với tập đoàn?”

Ngày 15/7, ông chủ Alibaba lại tiếp tục đăng đàn thông qua kênh truyền thông “YouTube” với nội dung “Đất nền sinh lợi 100 lần”. Nguyễn Thái Luyện còn “khoe” nội dung đã làm việc với Bộ Công an trước đó rằng: “Bộ Công an có hỏi tôi, Alibaba có bao nhiêu đất xung quanh khu vực sân bay và cảng biển Long Thành?”, “Tôi trả lời, phải hơn 75ha”, “75ha, 5 năm nữa tụi em giàu nhất khu vực này rồi (!?)”...

Với những thông tin sai lệch được đăng tải trên YouTube như: Thông tin quảng bá mở bán các “dự án ma”, những buổi chia sẻ thông tin với nhân viên “đánh tráo khái niệm” và nhục mạ lực lượng công quyền của CEO Nguyễn Thái Luyện... CTCP Alibaba thành lập hẳn một công ty truyền thông riêng (CTCP Truyền thông Ali) và có một kênh truyền thông trên nền tảng YouTube để xuất bản các nội dung “chống trả” lại dư luận chính thống, trấn an nhân viên và khách hàng bằng những lập luận bẻ cong sự thật của Nguyễn Thái Luyện. Mặc dù YouTube đã xóa kênh của Alibaba nhưng cũng cho thấy sự ngang nhiên thách thức ngông cuồng của một công ty bất động sản.

Hiện Alibaba đã nhận “góp vốn” hơn 770 tỷ dồng của khách hàng.

Hiện Alibaba đã nhận “góp vốn” hơn 770 tỷ dồng của khách hàng.

Alibaba có dấu hiệu lừa đảo khách hàng

Trong báo cáo gửi Thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai về tình hình quảng cáo các dự án của CTCP Alibaba trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Alibaba hiện có một chi nhánh và một đơn vị liên kết đều tại xã Long Phước, huyện Long Thành. Tính từ năm 2016 đến tháng 7/2019, Alibaba đã quảng cáo trên website của mình đã thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tại huyện Long Thành công ty này có tới 27 dự án, chỉ riêng tại xã Long Phước có đến 21 dự án.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế, cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai.

Cụ thể, dự án Alibaba An Phước có diện tích 1,39ha, dự kiến phân 103 nền (bị UBND huyện Long Thành xử phạt hành chính về hành vi chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép), dự án Ali Aqua Nhơn Trạch ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) bị UBND xã cưỡng chế xúc toàn bộ đá xây dựng ra khỏi khu vực...

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Alibaba đã “làm mưa làm gió” khi rầm rộ rao bán các dự án cho khách hàng. Thế nhưng trên thực tế, nhiều địa phương như huyện Long Thành, Xuân Lộc, Nhơn Trạch đều khẳng định chưa hề cấp phép cho bất kỳ dự án nào của Alibaba trên địa bàn các huyện này.

Trước tình trạng Alibaba bán “dự án ma” cho khách hàng, để người dân không bị lừa khi mua những dự án này, chính quyền các địa phương đã cắm biển cảnh báo lừa đảo tại vị trí các khu đất mà Alibaba tự vẽ ra để bán cho khách hàng. Thậm chí, chính quyền địa phương còn cử công an, dân phòng ngày đêm canh tại vị trí các khu đất để giải tán các nhóm người của Alibaba kéo đến môi giới, bán đất.

Không thể để Alibaba “hô mưa gọi gió”!

Theo luật sư Nguyễn Văn Lộc (Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN), khi Alibaba triển khai dự án, họ không nhân danh chính chủ đầu tư, cũng không phải nhà môi giới mà nhận ủy quyền thực hiện từ cá nhân là chủ đất. Vai trò của Alibaba cũng không phải là nhà phát triển bất động sản, cũng không phải nhà môi giới mà ở đây là vai trò ủy quyền (ủy quyền dân sự) để được kinh doanh.

Luật sư Lộc cũng lưu ý rằng, do bất động sản là sản phẩm đặc thù của nền kinh tế quốc gia. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm kinh doanh đa cấp bất động sản dưới mọi hình thức. Alibaba huy động vốn (dưới hình thức góp vốn) từ các nhà đầu tư để đầu tư vào một sản phẩm không phải của họ (về mặt pháp lý) và sản phẩm ấy hoàn toàn không đủ điều kiện để lập dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Một sản phẩm bất động sản không chính chủ, không thể lập dự án đầu tư, xây dựng (về mặt pháp lý) và cũng không có khả năng sinh lãi (nếu đầu tư, xây dựng và kinh doanh) vì đa phần dự án của Alibaba là loại bất động sản không thể đầu tư, xây dựng và bất động sản đặc biệt. Vậy, Alibaba huy động vốn của các nhà đầu tư để đầu tư vào những “dự án” không được pháp luật công nhận thì họ có sai luật không? Có vi phạm pháp luật không? Họ huy động vốn các nhà đầu tư dưới hình thức cam kết lãi cao, trong khi bất động sản của họ trên thực tế không có khả năng sinh lãi như vậy có phải họ đang huy động vốn theo hình thức Ponzi - kinh doanh đa cấp?

Có thể thấy, các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Alibaba đã rõ.

Hữu Hậu - Chi Lê

Theo NTD

largeer