Tập đoàn Asanzo 'nuôi' lãnh đạo các công ty 'ma' và có dấu hiệu trốn thuế

Thứ tư, 28/08/2019, 10:15 AM

Phần lớn người đại diện pháp luật của 14 đơn vị nhập hàng cho Asanzo được chính tập đoàn này đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy, Asanzo có dấu hiệu trốn thuế.

Không liên quan, nhưng… nuôi nhiều năm?

Trong bài Công ty “ma” nhập hàng Trung Quốc cho "thương hiệu Việt chất lượng cao" đăng ngày 21/6, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đề cập hai doanh nghiệp (DN) đứng tên trong hồ sơ nhập khẩu máy móc, linh kiện điện tử từ Trung Quốc, đưa về nhà máy của Tập đoàn Asanzo là những đơn vị không có thật.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn nhập hàng cho Asanzo theo các container có số hiệu BSIU9102736, CSNU6092597 và FSCU8769644 đăng ký hoạt động tại 805/21 Nguyễn Xiển, khu phố Long Hòa, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM thực chất là một địa chỉ “ma”.

Công ty TNHH Hợp tác đầu tư Thạch Sơn - chủ hàng thiết bị máy lạnh trên container CLHU9096767 - cũng là công ty “ma”. Chủ nhà số 174/1G1 Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM - nơi DN này đăng ký kinh doanh - xác nhận, không có công ty nào mang thương hiệu trên thuê mặt bằng tại đây.

Các container khả nghi từ cảng Cát Lái về kho và nhà máy của Asanzo

Các container khả nghi từ cảng Cát Lái về kho và nhà máy của Asanzo

Sau khi chúng tôi phanh phui các hành vi mờ ám của Asanzo, Tổng cục Hải quan đã sàng lọc danh sách do báo chí cung cấp và Bộ Công an chuyển sang, xác định có đến hơn 30 DN liên quan việc nhập hàng Trung Quốc cho Asanzo; trong đó, có ba DN không còn hoạt động và một DN đã bị khởi tố.

Theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, ngày 18/7, ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - đã ký ban hành thông báo số 2083/HQHCM-TXNK gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và Cục Thuế TP.HCM về tình hình kiểm tra sau thông quan đối với 14 trong số 27 DN nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh và linh kiện nhãn hiệu Asanzo. Việc kiểm tra 13 DN còn lại do các đoàn thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) triển khai.

Ông Nghiệp cho hay: “Khi các đoàn kiểm tra đến trụ sở của 14 DN để công bố quyết định kiểm tra sau thông quan thì phát hiện tất cả đều đã ngưng hoạt động hoặc không có địa chỉ như giấy phép đăng ký kinh doanh. Cục đã không thực hiện được việc kiểm tra, làm rõ các nội dung như chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho đối tác, hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) xuất bán cho đối tác nào trong nội địa, báo cáo quyết toán thuế nội địa... Do vậy, cục đã chỉ đạo các chi cục liên quan cung cấp toàn bộ hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra theo quyền hạn pháp luật quy định”.

Trong danh sách 14 DN do cơ quan chức năng xác định “hữu danh vô thực” nêu trên, có Công ty Trần Thoàn và Thạch Sơn mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh trong bài viết nêu trên.

Dù Tập đoàn Asanzo khẳng định không liên quan, nhưng theo thông tin chúng tôi điều tra được, phần lớn đại diện pháp luật của các đơn vị “ma” lại được Tập đoàn Asanzo chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian dài.

Một người có hai sổ BHXH

Theo điều tra của chúng tôi, trong số 14 người đại diện pháp luật của các công ty “ma” liên quan đến việc nhập hàng cho Asanzo đã được chuyển cho cơ quan điều tra, có ông Thạch Ly Suône - sếp Công ty Thạch Sơn và Công ty TNHH Hợp tác đầu tư Việt Tín (72/2 đường B, khu dân cư ADC, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM). Suône tham gia BHXH từ năm 2016. Từ tháng 4/2016 đến tháng 2/2017, tiền BHXH của Suône do Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam chi trả; từ tháng 3/2017 - 6/2019, do Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Q.Tân Bình) chi trả và từ tháng 7/2019 - 8/2019 do Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Q.11) chi trả.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp xúc với người dân để xác minh về các công ty “ma” liên quan đến Tập đoàn Asanzo

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp xúc với người dân để xác minh về các công ty “ma” liên quan đến Tập đoàn Asanzo

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nguyên Tuấn (tầng 5 tòa nhà Songdo, 62A Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3, TP.HCM) có đại diện là Phạm Quảng Anh lần lượt do Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Q.Tân Bình) đóng BHXH từ tháng 10/2018 - 6/2019 và tháng 7/2019 - 8/2019 do Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Q.11) đóng.

Lê Thanh Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại kỹ thuật Lê Quang (361/49 Hà Huy Giáp, khu phố 3B, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) chỉ tham gia BHXH trong hai tháng 9 và 10/2018; đơn vị đóng là Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Trong số những người được Asanzo chi trả BHXH, có bà Nguyễn Thị Hiền - đại diện Công ty TNHH Điện gia dụng Su Po (290 Thành Công, P.Tân Thành, Q.Tân phú, TP.HCM) - là người tham gia BHXH dài nhất trong số các lãnh đạo. Từ tháng 1/2014 - 11/2015, bà Hiền được Công ty TNHH Asanzo chi trả BHXH và tháng 5/2018 - 8/2019, được Công ty cổ phần Đầu tư Asanzo đóng.

Công ty TNHH Phát triển thương mại Năng Lượng Xanh (2/4 Lê Thúc Hoạch, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM) có người đại diện là Trần Quốc Tuấn được Công ty cổ phần Viễn thông Asanzo đóng BHXH từ tháng 5 - 7/2017 và Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đóng BHXH từ tháng 8/2017 - 10/2018.

Trương Ngọc Linh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thái Bình Dương (E1/5B Thới Hòa, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) - tham gia BHXH từ tháng 7/2013. Từ tháng 4/2016 - 9/2017, bà được Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam đóng BHXH. Từ tháng 10/2017 - 6/2019, được Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Q.Tân Bình) chi trả và từ tháng 7 - 8/2019, được Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Q.1) chi trả.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Á Âu (E1/5C Thới Hòa, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) do Nguyễn Thị Anh Văn làm đại diện, được Công ty cổ phần Đầu tư Asanzo đóng BHXH từ tháng 1/2018 - 3/2019.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hưng Thịnh (105/1 ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh, H.Hóc Môn, TP.HCM) do Nguyễn Chí Thanh làm đại diện, tham gia BHXH giai đoạn từ tháng 6/2016 - 2/2019, do Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam chi trả; sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đóng đến tháng 3/2019.

Đáng chú ý, tuy là đại diện của Công ty Trần Thoàn nhưng Trần Quốc Thoàn đã không “được” đóng BHXH từ tháng 3/2018 - 2/2019. Ngoài ra, còn ba lãnh đạo khác không có sổ BHXH, lần lượt là Trần Thanh Phong - đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khải Phong Sài Gòn (tầng 8 tòa nhà Loyal, 151 Võ Thị Sáu, P.6, Q.3, TP.HCM), Phan Văn Bảo - Công ty TNHH Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Gia Bảo (162/13/12 đường TTN08, khu phố 6, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) và Nguyễn Công Tuấn Kiệt - Công ty TNHH Hợp tác đầu tư sản xuất Việt Nhật (74 Nguyễn Cửu Đàm, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM).

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Điện tử Bảo Ngọc là ông Phạm Văn Tam - người có nhiều điểm trùng khớp với thông tin cá nhân của CEO Tập đoàn Asanzo - có hai sổ BHXH, sổ thứ nhất mang mã số 7914xxxxxx, tham gia BHXH từ tháng 1-10/2014 do Công ty TNHH Asanzo chi trả, đến giai đoạn tháng 6/2017 - 6/2019, sổ mang mã số 7936xxxxxx, do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ka Long (tỉnh Quảng  Ninh) đóng.

Nếu như cơ quan chức năng đã xác định tất cả 14 công ty liên quan hoạt động nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh, linh kiện cho tập đoàn “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” đã “ngưng hoạt động” một cách bất thường hoặc không tồn tại, thì các thông tin trên rõ ràng là một trong những mấu chốt cho thấy dấu hiệu quan hệ “mật thiết” giữa Asanzo và các DN “ma”. Thậm chí, có dấu hiệu để nghi ngờ các DN trên chính là “sân sau” do Asanzo dựng nên để qua mặt cơ quan quản lý nhà nước.

Tờ khai thuế bằng 0 “nhảy phóc” lên hàng trăm tỷ đồng

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, Tập đoàn Asanzo đã có dấu hiệu nháo nhào khai báo bổ sung một số sắc thuế ngay sau khi có quyết định thanh tra thuế với số tiền phải thu lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngày 12/8, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1612/QĐ-CT-TT thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế tại Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (phòng 903, tầng 9, tòa nhà Flemington Tower, 128 Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM) giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7/2019, thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định. Ngày 20/8, ông Phạm Xuân Tình đã khai bổ sung thuế GTGT cho quý II/2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. 

Trước đó, trong tờ khai ban đầu cũng do ông Tình lập ngày 22/7, toàn bộ hàng hóa dịch vụ phát sinh trong kỳ đều được kê bằng 0 thì ở tờ khai bổ sung đã nhảy lên vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, hàng hóa dịch vụ mua vào gần 317 tỷ đồng, bán ra chịu thuế suất 10%. Như vậy, nếu tính vào số được khấu trừ từ kỳ trước chuyển sang, số thuế GTGT phát sinh trong kỳ “chậm khai báo” của Asanzo lên đến hơn 30 tỷ đồng.

Giải trình việc này, ông Tình cho rằng, người nộp thuế tự phát hiện số tiền thuế đã được hoàn phải nộp trả ngân sách nhà nước và công ty khai chậm 21 ngày, nên số tiền chậm nộp xem như không có. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Tuấn - Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế, Cục Thuế TP.HCM - khẳng định, DN được quyền khai bổ sung cho cơ quan thuế bất cứ lúc nào, nhưng phải diễn ra trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra. Sau khi quyết định đã được công bố, mọi việc kê khai đều không có giá trị pháp lý.

Khai thuế tiêu thụ đặc biệt từ hơn 2 năm trước

Theo điều tra của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ngay khi ngửi thấy “mùi” thanh tra, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo còn nhanh tay bổ sung các tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt. Chỉ một ngày sau công bố quyết định thanh tra của Cục Thuế TP.HCM, ngày 14/8, ông Tình đã kê khai một loạt tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt, bắt đầu từ tháng 3/2017 đến tháng 4/2018 đối với mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống. Tổng doanh số mà Asanzo đã bán sản phẩm này trong giai đoạn này hơn 11,1 tỷ đồng, tổng thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp hơn 1 tỷ đồng.

Theo các tờ khai, tháng 3/2017, công ty bán được khoảng 100 máy, tương đương doanh số bán ra của mặt hàng trên là khoảng 195 triệu đồng. Số thuế tiêu thụ đặc biệt đáng lý ra phải nộp gần 18 triệu đồng. Qua tháng 4/2017, Asanzo bán 413 máy, tương đương 861 triệu đồng, thuế phải nộp hơn 78 triệu đồng. Tháng 5/2017, doanh số bán 140 máy là 292 triệu đồng, phải nộp thuế hơn 26,5 triệu đồng. 

Sản phẩm Smart TV hiệu Asanzo tại một siêu thị điện máy ở TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Sản phẩm Smart TV hiệu Asanzo tại một siêu thị điện máy ở TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Tháng 6/2017, số lượng bán nhảy vọt lên 1.210 chiếc, doanh số đạt gần 2,3 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp hơn 208 triệu đồng. Tháng 7/2017, doanh số xuống còn 200 cái, tương đương 400 triệu đồng, số thuế phải nộp hơn 36,3 triệu đồng. Tháng 7/2017, công ty bán 100 cái, doanh số 180 triệu đồng, thuế hơn 16,3 triệu đồng. Tháng 9/2017, bán được 25 cái, thu 49 triệu đồng, thuế gần 4,5 triệu đồng.

Đến tháng 10/2017, số máy điều hòa bán ra tăng lên 110 chiếc, thu 202 triệu đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp hơn 18,3 triệu đồng. Tháng 11/2017, công ty bán được 108 cái, doanh số 174 triệu đồng, thuế gần 16 triệu đồng. Tháng 12/2017, có 125 máy được tiêu thụ, thu được 565 triệu đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 51,3 triệu đồng. Như vậy, riêng từ tháng 3/2017 đến cuối năm 2017, doanh số bán máy điều hòa nói trên của Asanzo đã hơn 5,2 tỷ đồng, tương ứng 2.531 chiếc, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp hơn 473 tỷ đồng. 

Năm 2018, từ đầu năm cho đến hết tháng tư, Asanzo bán được tổng cộng 1.446 máy điều hòa, tương đương doanh số gần 6 tỷ đồng, tổng thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp gần 541 triệu đồng.

Cũng theo ông Tuấn, việc kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt như trên hoàn toàn không có ý nghĩa, các con số chỉ mới dựa trên phần khai báo của DN khi rục rịch có quyết định thanh tra. Phải chăng, đây là hành vi trốn thuế của Tập đoàn Asanzo và hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”? 

Lừa người lao động để đăng ký cho doanh nghiệp làm bậy? 

Tháng 7/2019, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM quyết định khởi tố vụ án Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh (Q.7, TP.HCM) về hành vi “buôn lậu”. Theo điều tra ban đầu, tháng 9/2018, Công ty Sa Huỳnh mở tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng là linh kiện lò nướng thủy tinh xuất xứ Trung Quốc, hàng theo khai báo mới 100%, tổng giá trị 212 triệu đồng.

Khi đến Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV phát hiện nghi vấn nên phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra, phát hiện toàn bộ lô hàng 1.300 lò nướng dạng sản phẩm hoàn chỉnh, không phải linh kiện như Công ty Sa Huỳnh khai báo. Tất cả lô hàng không ghi rõ xuất xứ nhưng mang thương hiệu Asanzo. Công ty Sa Huỳnh giải trình, do đối tác gửi nhầm hàng. Cục Hải quan TP.HCM đã mời người đại diện pháp luật của công ty là bà Huỳnh Thị Sà Quôl làm việc, nhưng bà này không có mặt.

Theo bà Quôl, bà hoàn toàn không biết gì về việc mình làm đại diện cho Công ty Sa Huỳnh và cho rằng, có kẻ mạo danh làm điều phi pháp, mong muốn cơ quan chức năng làm rõ việc này. Bà Quôl sinh năm 1981, quê ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, từng làm công nhân nhà máy Asanzo tại TP.HCM. 

Lúc mới vào nhà máy, người phụ trách nhân sự yêu cầu bà Quôl đưa chứng minh nhân dân bản chính để làm thẻ ATM trả lương. Ngày 24/9/2018, văn phòng gọi bà lên thông báo trước đây có mượn chứng minh nhân dân của bà để nhập hàng nhưng bị hải quan giữ lại, nay công ty nhờ bà ra ký tên, nộp phạt lấy hàng, bà Quôl không đồng ý và quyết định nghỉ việc, về quê.

Ngày 5/10/2018, Công ty Sa Huỳnh thay đổi người đại diện pháp luật là ông Trương Ngọc Liêm. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Liêm thừa nhận, nhóm của ông có mượn chứng minh nhân dân của bà Quôl để đăng ký doanh nghiệp và đăng ký chức danh giám đốc công ty. Nhóm ông Liêm đã giả mạo các chữ ký của bà trong hồ sơ.

Theo điều tra của chúng tôi, ông Liêm chính là người được Asanzo chi trả BHXH. Cụ thể, từ tháng 5 - 7/2017, Công ty cổ phần Viễn thông Asanzo là đơn vị đóng BHXH cho ông; từ tháng 8/2017 - 6/2019, BHXH của ông tiếp tục do Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo chi trả.

 Quốc Ngọc

Theo phunuonline.com.vn

largeer