Tết đã là di sản, sao lại có thể bỏ được

Thứ bảy, 26/01/2019, 11:39 AM

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, bỏ Tết truyền thống chẳng khác gì bỏ đi một di sản hàng nghìn năm.

Giữ gìn hay hội nhập Tết cổ truyền dân tộc vẫn đang là đề tài tranh cãi. Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng cần nhìn nhận về mặt trái của tết như sự lãng phí, tai nạn giao thông và các hệ lụy khác để bỏ tết truyền thống và hội nhập với tết phương tây thì chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lại khẳng định, Tết đã là di sản hàng nghìn năm. Không thể vì những mặt trái mà lãng quên một di sản.

Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, không có di sản tinh thần nào bền bỉ và lớn hơn Tết. Điều này đã được cộng đồng nhân dân đã tích lũy hàng nghìn năm nay, đã trở thành tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống bền vững.

“Cuối thế kỷ 18, Nhật Bản quyết định bỏ tết truyền thống để hội nhập với tết dương lịch phương tây. Nhưng hiện nay, họ lại đang có xu hướng kêu gọi người dân khôi phục lại cái tết cổ truyền”.

“Bốn năm trước, Hàn Quốc làm hồ sơ gửi UNESCO đề nghị công nhận tết cổ truyền của họ là di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam đang có Tết cổ truyền, nghĩa là cũng đang nắm trong tay một di sản phi vật thể lớn. Làm sao lại có suy nghĩ tìm cách bỏ đi được?”, chuyên gia văn hóa chia sẻ.

"Bỏ tết khác gì bỏ đi một di sản", chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhận định.

Ông đặt vấn đề: “Nếu nói Tết quá rườm rà, lễ nghĩa, vậy giản tiện để làm gì? Sự giản tiện nhất đối với con người là không mặc quần áo? Nếu không có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mọi sự phát triển đều trở nên vô nghĩa và lệch lạc”.

Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, trong môi trường sinh thái, bất kỳ một loại “gene” nào của bất kỳ một sinh vật nào cũng cần được giữ lại. “Huống hồ Tết đã là bản sắc của quốc gia, dân tộc”.

Tiết kiệm trong dịp Tết là điều đáng làm. Và tùy từng điều kiện mà sắm sửa một cái Tết phù hợp. Nhưng nếu “vung tay” một chút cũng không vấn đề gì. Bởi đó là biểu hiện của tinh thần Tết.

Tết còn là dịp được nghỉ nhiều ngày. Nhưng các cơ quan đoàn thể luôn biết cách hoạch định thời gian để đảm bảo công việc.

Tai nạn, rượu chè,.... và còn nhiều nữa những mặt trái của Tết. Nhưng cái gì tiêu cực thì cần loại bỏ chứ không thể vì chúng mà “quên” Tết đi được.

Ngày nay, người dân đã biết “ăn” Tết một cách văn minh hơn. Kể cả xu hướng du lịch dịp Tết cũng là điều đáng mừng.

Sự phát triển của công nghệ đã xóa nhoà khoảng cách. Điều đó còn cho phép con người ngồi một nơi nhưng có thể “ăn tết” với nhiều người ở nhiều nơi khác. Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, xu hướng đó đang thúc đẩy sự phát triển của du lịch và mang đến một giải pháp “đón tết” sống động.

Theo chuyên gia văn hóa, truyền thống trong xã hội hiện đại là khi chúng ta đang ở Châu Âu hay bất cứ nơi đâu nhưng đêm giao thừa vẫn hướng về gia đình, quê hương. Bởi Tết không chỉ ở bánh chưng, pháo hoa mà còn là những cảm xúc thực sự từ trái tim.

KINH KỲ 

Theo Lao Động

largeer