"Thánh đường" nghệ thuật ở Nhà hát Lớn: Vẫn là giấc mơ

Thứ hai, 15/05/2017, 16:25 PM

Vấn đề nan giải là làm thế nào tìm được đầu ra thực sự cho các tác phẩm bằng việc bán vé có doanh thu, lợi nhuận chứ không phải phát vé mời miễn phí hoặc chấp nhận nhìn những hàng ghế trống trơn trong nhà hát.

Quyết định biến Nhà hát Lớn (Hà Nội) thành "thánh đường" nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) là nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ tâm huyết có cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo của mình, cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Thế nhưng, sau gần một năm thực hiện, giấc mơ này không dễ hiện thực hóa.

"Cú hích" cứu sân khấu?

Gần 20 chương trình thuộc nhiều loại hình sân khấu như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc… được lựa chọn biểu diễn tại Nhà hát Lớn theo chủ trương của Bộ VH-TT-DL đã phần nào khẳng định được uy tín và thương hiệu nghệ thuật chuyên nghiệp.

Một cảnh trong vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam tại “thánh đường” nghệ thuật Nhà hát Lớn

Công luận cũng như người xem thừa nhận các chương trình này có chất lượng nghệ thuật cao, đạt tới sự tổng hòa về nội dung và hình thức thể hiện. Nhiều vở diễn đã thực sự chạm tới trái tim của người xem, để lại những dấu ấn tốt đẹp.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - một trong những khán giả đi xem phần lớn chương trình tại Nhà hát Lớn, nhận định: "Xem các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong kế hoạch của Bộ VH-TT-DL, chúng tôi có thể khẳng định đó là những tác phẩm nghệ thuật được đặt đúng chỗ, đúng đối tượng khán giả".

Khó có thể kể hết niềm vui của các nghệ sĩ đã tham gia những chương trình nghệ thuật nằm trong chủ trương này. Trước ngày, giờ biểu diễn, trên Facebook cá nhân, các nghệ sĩ thi nhau đưa thông tin về chương trình, vở diễn của mình. Họ được sống trong không khí mà giới nghệ sĩ gọi là "thánh đường" nghệ thuật. Các đêm diễn chèo, tuồng, cải lương, múa rối cạn, nhạc giao hưởng đã cho thấy sự trân trọng và yêu quý của khán giả dành cho nghệ thuật.

Tiết mục trình diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Nhà hát Lớn

Tiếp bước những thành công của năm 2016, năm 2017, chủ trương trên được tiếp tục với những chuyên đề riêng biệt theo từng tháng và chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là làm thế nào tìm được đầu ra thực sự cho các tác phẩm bằng việc bán vé có doanh thu, có lợi nhuận cao thay thế cho thói quen đi xem nghệ thuật bằng giấy mời của khán giả thủ đô.

Khán giả không thích mua vé…

Có tác phẩm, có lực lượng biểu diễn và có một "bà đỡ" rất thiện tâm là Bộ VH-TT-DL, các đơn vị nghệ thuật không bán vé thì nghệ sĩ vẫn nhận được thù lao biểu diễn từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Đó là chủ trương trong thời gian đầu thực hiện việc diễn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao ở Nhà hát Lớn khi mà khán giả thủ đô và bản thân các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ vẫn chưa tạo được điểm diễn thường xuyên hút người xem như các chương trình khác.

Vấn đề ở đây là làm thế nào biến Nhà hát Lớn thực sự trở thành địa điểm biểu diễn thu hút được sự chú ý của khán giả. Bên cạnh đó, các vở diễn phải thực sự bán được vé, có doanh thu chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước hay phụ thuộc vào việc có mời được các nhà tài trợ vé cho từng đêm diễn hay không.

Hiện nay, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hầu như phó mặc việc bán vé, doanh thu cho ban quản lý Nhà hát Lớn. Đơn vị này lâu nay không có chức năng phải bán vé doanh thu, chỉ cho thuê rạp. Cộng thêm lực lượng cán bộ làm công tác tổ chức biểu diễn quá ít ỏi nên số vé bán cho các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn thời gian qua không nhiều. Đó là lý do có những chương trình số lượng vé bán chưa tới 100. Thử hỏi, với số vé bán ít ỏi như vậy thì làm sao có thể có doanh thu để duy trì tốt cho một loạt chương trình biểu diễn thường xuyên?

Mặc dù Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật phải vào cuộc bán vé nhưng bộ phận tổ chức biểu diễn ở phần lớn các đơn vị này vẫn giậm chân tại chỗ. Lãnh đạo một số đơn vị như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam khi trao đổi đều cho rằng việc bán vé ở Nhà hát Lớn không khả quan, lý do là các loại hình nghệ thuật này vốn dĩ đã không ăn khách. Ngay tại các rạp hát của họ, dù giá vé đã rất thấp - từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng - mà mỗi suất chỉ bán được vài chục vé, thậm chí có suất chỉ dăm ba người vào xem.

Thế nên, giá vé từ 200.000 đến 500.000 đồng để xem tuồng, chèo, cải lương ở Nhà hát Lớn quả là khó khăn cho việc phát hành vé khi mà khán giả chưa hề có thói quen bỏ tiền ra mua vé xem nghệ thuật truyền thống, đa phần chỉ đi xem bằng giấy mời được cho, biếu…

Cuộc chơi mới đòi hỏi tư duy mới

Qua nhiều cuộc trao đổi với các đơn vị nghệ thuật, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã đặt ra những vấn đề như: sẽ không có chuyện phát vé mời để vào xem ở Nhà hát Lớn; những đơn vị tham gia biểu diễn sẽ phải cùng với ban tổ chức bán 30%- 40% số ghế mỗi đêm diễn của mình, nếu không thực hiện được sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí trừ tiền; sẽ chi phần trăm hoa hồng cho tập thể và cả cá nhân phát hành vé...

Thậm chí, các nhà hát còn được quyền hưởng toàn bộ số tiền bán vé. Vậy mà rốt cuộc, số lượng vé bán doanh thu cho tháng chuyên đề sân khấu truyền thống vào tháng 5-2017 thậm chí còn thấp hơn nhiều so với số lượng vé bán của các chương trình trong năm 2016.

Nhìn nhận về cách thức thực hiện và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Lớn, thuộc đề án của Bộ VH-TT-DL, ngay cả với người trong cuộc cũng có những ý kiến rất khác nhau. Tại sao năm 2017 lại tổ chức biểu diễn dồn vào 2 tháng - biểu diễn sân khấu truyền thống vào tháng 5 và kịch nói vào tháng 8? Tại sao không có một lịch diễn cố định trong tuần, trong tháng để tạo cho khán giả thói quen muốn đi xem nghệ thuật đỉnh cao ở Nhà hát Lớn thì sẽ xem vào những ngày nào? Việc sắp xếp biểu diễn dồn đủ các loại hình nghệ thuật - từ tuồng, chèo, cải lương, nhạc giao hưởng cho tới múa rối, xiếc… - liệu có phù hợp với một không gian biểu diễn sân khấu như Nhà hát Lớn?

Nên chăng, cần phải có sự chọn lọc loại hình như ưu tiên biểu diễn sân khấu truyền thống, một loại hình khó tiếp cận khán giả và có thể không đặt nặng việc bán vé doanh thu nhằm mục đích tài trợ cho khán giả, nuôi họ đến với nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, phải có một kế hoạch truyền thông dài hơi, bài bản với nhiều phương thức quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng cũng như tận dụng được thế mạnh và mặt tích cực của mạng xã hội để kéo khán giả đến với mình.

Ngay cả ý thức về trách nhiệm quảng bá thông tin cho chương trình, một số đơn vị nghệ thuật tỏ ra rất kém. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn, bày tỏ: "Việc in thông tin quảng bá cho chương trình cũng như phát hành vé sớm là rất cần thiết. Thế nhưng, chúng tôi luôn gặp khó khăn khi cứ phải giục một số đơn vị gửi các thông tin về chương trình để in quảng cáo và in vé. Có những chương trình gần tới ngày diễn, chúng tôi cũng chưa nhận được hình ảnh và nội dung giới thiệu của đơn vị biểu diễn".

Đặt chân vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn rõ ràng là một bước đi mới đối với các đơn vị nghệ thuật. Để duy trì lịch diễn định kỳ và thu hút được khán giả, trước hết vẫn phải là những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật chất lượng. Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề mà nhà tổ chức cũng cần quan tâm như: điều tiết lịch biểu diễn thường kỳ tại Nhà hát Lớn, có chiến dịch quảng bá truyền thông cho tác phẩm sớm, quy định rõ về hoa hồng bán vé cho tập thể và cá nhân tham gia phát hành… Rõ ràng, cuộc chơi mới đòi hỏi cách nghĩ mới. Không thể mang cách làm cũ, tư duy cũ cho một cuộc chơi mới.

Khi đã thích, giá vé không quan trọng

TS Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên phụ trách ngữ văn Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết lâu nay, học sinh chỉ được tiếp xúc tìm hiểu về sân khấu truyền thống trên các trang sách học hoặc xem video. Vì vậy, chủ trương biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn của Bộ VH-TT-DL, đặc biệt là các trích đoạn tuồng, chèo truyền thống, sẽ giúp các em gần gũi và biết trân trọng hơn các loại hình nghệ thuật của dân tộc.

"Để học sinh mua vé vào xem các chương trình này là rất khó bởi đó chưa phải là sở thích, là thói quen và nhu cầu của các em. Tôi rất mong Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh đi xem các chương trình như thế. Nếu được hạ giá vé, được xem trực tiếp nghệ thuật ở Nhà hát Lớn, tôi tin học sinh sẽ rất thích. Khi đã thích thì giá vé sẽ không còn là vấn đề nữa" - bà Hiền nhìn nhận.

Theo Trọng Hoàng (NLĐ)

Nguyễn Như
Từ khóa:

largeer