Thanh khoản èo uột, dịch vụ môi giới chứng khoán bi đát

Thứ hai, 05/08/2019, 10:11 AM

Trong 6 tháng đầu năm nay, thanh khoản của thị trường giảm gần 45% khiến doanh thu từ nghiệp vụ môi giới của hàng loạt công ty chứng khoán suy giảm nghiêm trọng. Nhiều môi giới “giũ áo” nghiệp chứng khoán tìm công việc khác.

Top doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán (đơn vị tính: Tỷ đồng).

Top doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán (đơn vị tính: Tỷ đồng).

Nghiệp vụ môi giới đồng loạt giảm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc nửa năm 2019 bằng dấu ấn “lỡ hẹn” với danh sách theo dõi chính thức của MSCI (Morgan Stanley Capital International). Sự kiện này đã gây ra không ít nuối tiếc cho giới đầu tư trong nước. Các bất ổn bên ngoài như mâu thuẫn thương mại quốc tế, lo ngại tăng trưởng chậm dẫn đến việc rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu đã chi phối không chỉ thị trường tài chính trong nước mà hầu như toàn bộ các thị trường trên thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường giảm xấp xỉ 45% mặc dù chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng 5,1% so với đầu năm. Đại diện CTCP Chứng khoán SSI cho rằng: Lý giải cho hiện tượng này là do nhà đầu tư đang tỏ ra hết sức thận trọng khi thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hoặc do thua lỗ quá nhiều. Do đó, thị trường cần một “cú hích” đủ mạnh để tạo kỳ vọng và lôi kéo nhà đầu tư trở lại.

Thanh khoản giảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán và hoạt động cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán của nhiều công ty chứng khoán giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 72 công ty chứng khoán đang là thành viên của HOSE chỉ đạt 2.181 tỷ đồng, giảm 45,7% so với cùng kỳ.

Doanh thu môi giới giảm mạnh nhất là các công ty chứng khoán nằm trong top 10 thị phần giá trị giao dịch môi giới của HOSE. Đó là CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), SSI, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), CTCP Chứng khoán Vndirect (VNDS), giảm vài trăm tỷ đồng/công ty.

Tuy vậy, vẫn còn vài điểm sáng le lói đó là: CTCP Chứng khoán SmartInvest, CTCP Chứng khoán APG, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam, CTCP Chứng khoán VPS... Tuy nhiên, doanh thu môi giới của các đơn vị này chỉ tăng vài tỷ đồng và cái giá phải trả khi bị lỗ ở nghiệp vụ này trong cuộc đua thị phần môi giới.

Sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (CW - Covered Warrant) đưa vào giao dịch từ ngày 28/6 đang được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trở nên sôi động hơn. Đại diện SSI nhận định: Với việc ra mắt thêm sản phẩm mới trên thị trường, cuộc đua về thị phần môi giới giữa các công ty chứng khoán sẽ ngày càng trở nên quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Top lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán (đơn vị tính: Tỷ đồng).

Top lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán (đơn vị tính: Tỷ đồng).

Lợi nhuận giảm mạnh

Môi giới chứng khoán chỉ là một trong nhiều nghiệp vụ của công ty chứng khoán nhưng là nguồn thu lớn của nhiều đơn vị. Lợi nhuận từ mảng môi giới giảm làm lợi nhuận của công ty chứng khoán giảm theo. Trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận các công ty chứng khoán giảm mạnh đều là những công ty lớn.

Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2019 của SSI giảm 299 tỷ đồng, HSC giảm 279 tỷ đồng, VCSC giảm 188 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) giảm 125 tỷ đồng, Vndirect giảm 103 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận của công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam SSI xét về vốn điều lệ, tổng tài sản giảm lần lượt 22,9% và 41,7%; chỉ bằng 39% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận nhưng ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SSI cho biết: “HĐQT SSI chưa có ý định xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2019”.

Đại diện SSI cho rằng: Thị trường đón nhận một số tín hiệu tích cực như việc FED giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm để kích thích kinh tế Mỹ kéo theo tăng trưởng toàn cầu; Việt Nam ký kết EVFTA mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa vào EU; tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành vẫn duy trì ổn định đưa định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam về mức hấp dẫn; sự trở lại của dòng vốn nước ngoài; quỹ Premia MSCI Vietnam ETF - quỹ ETF ngoại thứ 3 bắt đầu giải ngân vào thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của thị trường vào nửa cuối năm là có cơ sở.

Thời gian tới, hoạt động môi giới giữa các công ty chứng khoán có sự cạnh tranh quyết liệt bởi công nghệ và phí giao dịch.

Thời gian tới, hoạt động môi giới giữa các công ty chứng khoán có sự cạnh tranh quyết liệt bởi công nghệ và phí giao dịch.

HSC cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh 59% là do hoạt động tự doanh giảm 61%, hoạt động môi giới giảm 48%, hoạt động giao dịch ký quỹ giảm 20% so với cùng kỳ.

Ở chiều trái ngược, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS), CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) báo lợi nhuận tăng trưởng. Nổi bật nhất là TCBS trở thành công ty chứng khoán có lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay khi đạt 479 tỷ đồng.

Ông Nhâm Hà Hải, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc đầu tư TCBS cho biết, doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán là nguồn thu chính của công ty. Doanh thu nghiệp vụ này lên tới 345 tỷ đồng trong khi chi phí chưa đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, TCBS đạt ngôi vị số 1 thị phần môi giới trái phiếu tại HOSE với tỷ lệ lên tới 84,7%.

Các công ty chứng khoán như CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS), CTCP Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), CTCP Chứng khoán CV (CVS), CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), CTCP Chứng khoán Globalmind Capital (GMC) tiếp tục lún sâu trong thua lỗ. Đây là những công ty có vốn điều lệ nhỏ, thua lỗ nhiều năm, thậm chí tổng tài sản nhỏ hơn vốn điều lệ.

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer