Thị trường hải sản Trung Quốc: Rộng cửa cho mọi nhà cung ứng

Thứ ba, 12/11/2019, 09:21 AM

Tại hội chợ triển lãm hải sản và thủy sản Trung Quốc (CFSE) ở thành phố ven biển phía đông Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, các đại lý hải sản đang bận rộn lựa chọn sản phẩm và chuẩn bị cho mùa bán hàng Tết Nguyên đán sắp tới vào tháng 1.

Hội chợ triển lãm thủy hải sản Trung Quốc thu hút nhiều nhà cung ứng từ khắp nơi trên thế giới tham gia.

Hội chợ triển lãm thủy hải sản Trung Quốc thu hút nhiều nhà cung ứng từ khắp nơi trên thế giới tham gia.

Các nhà xuất khẩu trên khắp thế giới đang nỗ lực hết mình để thu hút khách hàng Trung Quốc ngày càng tinh tế và khó tính hơn trong việc ăn uống.

“Người tiêu dùng Trung Quốc thường không có thói quen nướng cá theo kiểu của người Mỹ hay người châu Âu. Thay vào đó, họ nấu lẩu hoặc hấp” - ông Jeff Welbourn, Giám đốc phát triển kinh doanh mới thị trường Trung Quốc của công ty thủy sản có trụ sở tại Mỹ Trident Seafoods, nói.

“Chúng tôi phải nhạy bén nắm bắt cách mọi người ăn cá ở đây để bảo đảm phát triển các sản phẩm gây hứng thú cho người tiêu dùng Trung Quốc” - ông Welbourn nói.

Trung Quốc hiện là một trong những thị trường hải sản lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 64,58 triệu tấn, gấp 144 lần so với năm 1949, với tỷ lệ bình quân đầu người hằng năm là 46kg.

“Tôi đã kinh doanh hải sản được gần 40 năm và tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy. Thật không thể tin được rằng thị trường thủy hải sản có thể phát triển nhanh như vậy” - Peter Redmayne, Chủ tịch của Công ty Sea Fare, nhận định.

Với nhiều loại hải sản nhập khẩu tràn vào Trung Quốc, người tiêu dùng có thể nếm thử nhiều loại sản phẩm đa dạng như cua hoàng đế từ Nga, tôm từ Nam Mỹ, cá hồi từ Na Uy và hải sâm từ Bắc Đại Tây Dương.

Ông Redmayne nói: “Chúng tôi thấy ngày càng nhiều công ty nước ngoài tham gia hội chợ mỗi năm. Trung Quốc đang mở rộng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thủy sản ngày càng tăng của đất nước có dân số ngày càng giàu có này. Đây là tin tuyệt vời cho các nhà cung cấp thủy sản trên toàn thế giới”.

Trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ về cả khối lượng và giá trị, ông Yu Kangzhen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết.

Ông Blaine Sullivan, Chủ tịch của Công ty thủy sản Canada Ocean Choice, cho biết: “Người Trung Quốc đang trở nên quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm hải sản chất lượng cao và đánh bắt tự nhiên như tôm nước lạnh bán chạy nhất của chúng tôi, cá bơn, hải sâm và cá trứng capelin”.

Là một doanh nghiệp tham gia hội chợ tại CFSE trong hơn 10 năm, Công ty Ocean Choice đã có hơn 15% sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng các loài tiếp tục tăng.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc có ý thức về sức khỏe, công ty thủy sản có trụ sở tại Mỹ Trident Seafoods cũng cho biết cố gắng bảo đảm chất lượng sản phẩm, sử dụng quản lý chuỗi cung ứng để giành chiến thắng trên thị trường Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và đa dạng.

Người tiêu dùng Trung quốc khá kén chọn trong việc mua hải sản.

Người tiêu dùng Trung quốc khá kén chọn trong việc mua hải sản.

Ngoài ra, một số lượng lớn các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến các thành phố hạng hai và hạng ba ở Trung Quốc đang giúp các doanh nghiệp hải sản nước ngoài phát triển thị trường mới dễ dàng hơn. Thủ tục hải quan của Trung Quốc thông thoáng cũng giúp hàng hóa được thông quan một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Sun Zhiyong, một khách tham quan hội chợ, nói rằng anh ta thường mua một lượng lớn thịt đỏ để chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới, nhưng giờ anh ta đã chuyển sang hải sản.

Khi dân số trung lưu của Trung Quốc tăng lên, ngày càng nhiều người khao khát một thực đơn đa dạng trên bàn ăn của họ, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với hải sản chất lượng cao.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã làm tăng thêm sự phổ biến của hải sản. Các công ty như JD.com và Alibaba hứa hẹn sẽ cung cấp hải sản tươi sống đến tận nhà của các hộ gia đình lớn trong thành phố trong vài giờ.

Đối với các nhà xuất khẩu toàn cầu, sự thèm ăn ngày càng tăng của Trung Quốc đối với hải sản có nghĩa là cơ hội. Trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng 24,8% so với cùng kỳ tính theo đồng đô la Mỹ.

“Trung Quốc là một thị trường lớn đến nỗi có chỗ cho tất cả mọi người” - ông Roberto Coronel Kronfle, thuộc Pesquera Santa Priscila, một công ty tôm ở Ecuador cho biết. Công ty dự kiến sẽ đạt hơn 70% tổng doanh số trong năm nay đến từ Trung Quốc.

Để giành được người mua, mỗi công ty đã phát triển chiến thuật của riêng mình. Jose Luis Salvador, một giám đốc bán hàng cho nhà xuất khẩu tôm Alimesa của Ecuador cho biết. Lợi thế cạnh tranh của công ty này nằm ở việc kiểm soát chất lượng cũng như cam kết giao hàng đúng hạn.

“Mỗi khách hàng cần một ngày nhất định để giao hàng. Điều đó rất quan trọng, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị và đóng gói mọi thứ đúng thời gian theo nhu cầu của đối tác đã chọn. Chúng tôi cần tuân thủ những gì đã thỏa thuận” - ông Jose Luis Salvador nói.

Đối với một số công ty, chìa khóa thành công ở Trung Quốc là tập trung vào một thị trường thích hợp. Chẳng hạn, Future Cuisin, một nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản cao cấp của New Zealand, đang nhắm mục tiêu vào những người tiêu dùng ưa chuộng cá hồi vua, một loài cá hồi quý hiếm.

Trong khi có những công ty chú trọng đến chất lượng sản phẩm, thì một số những doanh nghiệp khác lại chăm chút về bao bì. Bà Vivian Zhang, Tổng Giám đốc của Công ty Kono Pure NZ Trading (Thượng Hải), cho biết công ty đã thiết kế một loại bao bì nhỏ hơn dành riêng cho thị trường Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bán lẻ, những người thường thích mua hàng trực tuyến.

“Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng tinh vi. Đó là một cơ hội mà chúng ta không thể bỏ lỡ” - bà Vivian Zhang nói.

Lê Phan (Theo Chinadaily)

Theo NTD

largeer