Thua lỗ triền miên, Vinafood 2 vẫn được kỳ vọng

Thứ tư, 14/03/2018, 11:33 AM

31 nhà đầu tư trong nước đã đăng ký mua 115.096.500 cổ phần trong buổi IPO của Vinafood 2 mặc dù ông lớn ngành lương thực thua lỗ triền miên lên tới hơn ngàn tỷ đồng.

Nhà đầu tư đăng ký mua hết cổ phần Vinafood 2 chào bán

Sáng 14/3, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ diễn ra buổi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Khối lượng chào bán 114.831.000 cổ phần, chiếm 22,97% vốn điều lệ của Vinafood 2.

Như vậy, khả năng có một nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua toàn bộ số cổ phần IPO của Vinafood 2. Nhà đầu tư này sẽ chi 1.160 tỷ đồng để sở hữu 22,97% vốn điều lệ của Vinafood 2.

Tại IPO của ông lớn ngành lương thực này, có tổng cộng 41 nhà đầu trong và ngoài nước đăng ký mua 115.603.300 cổ phần, cao hơn khối lượng chào bán 772.300 đơn vị, hứa hẹn cuộc chào bán sẽ thành công.

Theo Phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Vinafood có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ 51%, CBNV nắm giữ 0,99%, Công đoàn nắm giữ 0,04%, nhà đầu tư chiến lược sở hữu 25% và 22,97% thực hiện IPO tại HOSE.

Tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược được xác định phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản, lương thực, thực phẩm và được thành lập từ 5 năm trở lên, có vốn điều lệ tối thiếu 2.500 tỷ đồng, có lợi nhuận sau thuế trong 3 năm 2014-2016, không có lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2016.

Nhà đầu tư chiến lược giữ cổ phần tại Vinafood 2 tối thiểu 5 năm, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giữ hương hiệu Vinafood 2...

Đến nay, chỉ mới có Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Vinafood 2. Để trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood 2, Tập đoàn T&T cần chi tối thiểu 1.263 tỷ đồng.

Thua lỗ triền miên

Tiền thân của Vinafood 2 là Tổng công ty Lúa gạo Miền Nam được thành lập năm 1976. Mặc dù là ông lớn trong ngành xuất khẩu lúa gạo nhưng hiệu quả kinh doanh của Vinafood 2 rất tệ. Doanh thu giảm dần qua các năm, thua lỗ triền miên.

Kết quả kinh doanh riêng của Vinafood 2 (đvt: tỷ đồng)

Kết quả kinh doanh riêng của Vinafood 2 (đvt: tỷ đồng)

Năm 2013-2014 là giai đoạn khó khăn nhất của tổng công ty khi kết quả kinh doanh công ty mẹ lỗ lần lượt 230 tỷ đồng và 874 tỷ đồng. Mặc dù năm 2015 và 2016, tổng công ty kinh doanh có lãi 136 tỷ đồng và 157 tỷ đồng nhưng 9 tháng đầu năm 2017, Vinafood 2 tiếp tục lún sâu khi báo lỗ 118 tỷ đồng.

Tổng công ty có 14 đơn vị trực thuộc, 11 công ty có vốn chi phối, 3 công ty TNHH MTV, 17 công ty liên kết. Các đơn vị này có hiệu quả kinh doanh rất kém. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vinafood, trong 4 năm liên tiếp từ 2013-2016, tổng công ty kinh doanh toàn thu lỗ với tổng lỗ lũy kế lên 1.197 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinafood 2 (đvt: tỷ đồng)

Kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinafood 2 (đvt: tỷ đồng)

Theo giải trình từ phía Vinafood 2, giai đoạn 2013-2014, tổng công ty lỗ chủ do kinh doanh thủy sản và đầu tư tài chính.

Năm 2013, hoạt động kinh doanh lỗ 339 tỷ đồng (lĩnh vực thủy sản ghi nhận mức lỗ 133 tỷ đồng), đầu tư tài chính phải trích lập dự phòng 227 tỷ đồng.

Năm 2014, lỗ từ hoạt động kinh doanh 391 tỷ đồng (lĩnh vực thủy sản lỗ 119 tỷ đồng), nợ khó đòi phải trích lập dự phòng 257 tỷ đồng, đầu tư tài chính phải trích lập 199 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm giá 36 tỷ đồng.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh các năm tới tương đối thận trọng khi lợi nhuận sau thuế chỉ từ 118-176 tỷ đồng/năm cho giai đoạn 2018-2020.

Quỹ đất khủng 

Hiện nay, Vinafood 2 sở hữu 3,4 triệu m2 đất đai tại 15 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, tổng công ty có 96.913 m2 tại TP.HCM. Đây là “miếng mồi ngon” cho các ông lớn trong ngành bất động sản dòm ngó nếu công ty chuyển mục đích sử dụng.

Nguyễn Như

Theo NTD

largeer