Thực hư về loại muối hồng thần kỳ Himalaya?

Thứ tư, 05/06/2019, 10:32 AM

Người tiêu dùng hiện nay đang “tôn thờ” và phóng đại tính năng của loại muối này khiến giá trị trên thị trường của nó hiện nay khá đắt. Trong khi các chuyên gia nhận định giá trị dinh dưỡng của loại muối này chẳng hơn muối i-ốt là bao.

so-sanh-2-loai-muoi

 Trong vài năm trở lại đây, "muối Himalaya" đã trở thành một sản phẩm mà người tiêu dùng thèm khát.

Được khai thác chủ yếu tại mỏ Khewra thuộc lãnh thổ Pakistan, cơn sốt "muối hồng" đã khiến cả khu vực trở nên nhộn nhịp, nhiều người còn ví loại muối này như "vàng trắng" vì lợi nhuận mà nó mang lại.

Muối hồng Himalaya được sử dụng trong ẩm thực cao cấp, spa trị liệu, hay thậm chí là trang trí nội thất với những bộ đèn đá cực kỳ sang trọng.

Nhưng nổi bật nhất vẫn là sản phẩm "muối hồng Himalaya ăn liền" được bán rộng khắp nước Mỹ qua các chuỗi bán lẻ truyền thống như Walmart, Whole Foods và cũng dẫn đầu về doanh số trong mảng gia vị trên trang bán lẻ lớn nhất thế giới - Amazon.

Mức giá đắt hơn 10 đến 20 lần muối ăn thông thường dường như không ngăn nổi "cơn khát" của khách hàng.

Rene Ficek, chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm Thực phẩm Seattle cho hay: "Muối hồng hiện đang được sử dụng rất nhiều, nhưng công dụng của nó đã bị "thổi phồng" quá mức. Trên thực tế, hàm lượng khoáng chất trong muối Himalaya quá ít để tạo nên sự khác biệt. Không những thế, chúng ta đã luôn bổ sung những khoáng chất đó qua thực đơn hằng ngày thông qua các loại hạt, rau, thịt …"

Còn theo TS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng, muối hồng Himalaya là loại muối được kết tinh do kiến tạo hàng trăm triệu năm trước nước biển bị bao phủ bởi dung nham nằm sâu dưới chân núi Himalaya. Muối này có màu hồng vì giàu khoáng chất và sắt.

Thành phần hóa học cơ bản của các loại muối là clorua nátri nguyên chất nhưng muối Himalaya có hàm lượng Natri chỉ bằng 1/4 so với muối tinh thông thường nên vị nhạt hơn. Muối Himalaya chứa 85.62% là natri clorua, 14.38% là các loại khoáng chất khác như sunfat, ma giê, can-xi, kali, cacbonat axit, bromua, borat, stronti và florua…

Không ít trang web khẳng định muối Himalaya chứa từ 13 – 14% khoáng chất, nhưng trên thực tế con số này chỉ nằm ở mức 3-5%.

Ngoài ra, do được khai thác thủ công, muối hồng Himalaya hoàn toàn không chứa i-ốt cần thiết cho cơ thể. Theo Kelsey Mangano, Phó giáo sư Đại học Massachusetts, "mọi người cứ tưởng muối hồng là một viên "vitamin tổng hợp", đây là một khái niệm hoàn toàn sai lầm. Chúng ta cần rất ít khoáng chất trong dinh dưỡng hằng ngày, và chỉ cần bổ sung 8 loại để tránh khỏi tình trạng thiếu hụt."

Tuy nhiên, với cấu trúc tinh thể của muối có khả năng giữ bất kỳ nhiệt độ nào mà ta mang lại cho nó trong một thời gian dài. Do thiếu độ xốp hoặc độ ẩm (0,026%), các tấm đá muối có thể được sử dụng một cách an toàn khi làm nóng hoặc lạnh ở nhiệt độ bất kỳ. Khi bề mặt tấm đá muối hoặc các tinh thể muối tự nhiên bốc hơi, lượng muối truyền đi với một vị mặn vừa phải. Đồng thời, số lượng cao các khoáng chất (1,2% lưu huỳnh, 0,4% canxi, 0,35% kali, 0,16% magiê, và 80 khoáng chất vi lượng khác) thoát ra mang đến một hương vị nhẹ cùng dinh dưỡng cho thực phẩm.

Do vậy, tại các nhà hàng, tấm đá muối Himalaya được đặt trực tiếp trên bếp, trong lò hoặc nướng nóng lên để nấu các món ăn. Các tấm đá muối hồng với nhiệt độ đun nóng đến khoảng trên dưới 260 độ C được dùng nướng thịt, cá, sườn, rau củ, trứng, thậm chí cả bánh. Muốn sử dụng, chỉ cần đặt tấm đá muối Himalaya trực tiếp trên bếp, trong lò hoặc nướng 10-15 phút trước khi nấu các món ăn nóng.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer