Thực thi EVFTA - doanh nghiệp da giày Việt có đủ năng lực đáp ứng?

Thứ ba, 01/10/2019, 09:31 AM

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, không phải ngành hay doanh nghiệp nào cũng tận dụng được lợi thế từ hiệp định này.

Những biến động tích cực của ngành da giày sau khi EVFTA được ký kết

Việt Nam đang là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 10,33 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT CTCP Giày Gia Định chia sẻ: “Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến doanh nghiệp chúng tôi. So với năm 2018 số lượng đơn hàng từ châu Âu cũng như giá trị đơn hàng tăng từ 25-30%. Hiện tại chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tăng dây chuyền để đáp ứng các đơn hàng từ phía châu Âu”. Giày Gia Định xuất khẩu khoảng 2 triệu đôi giày, kim ngạch đạt trên 3 triệu USD trong năm 2018. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Pháp, Đức và một số nước khác ở châu Âu.

EVFTA mang lại cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam. Thuế suất của sản phẩm da giày sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm. Giày thể thao - sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang châu Âu sẽ về 0% ngay lập tức. So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Nắm bắt lợi thế từ hiệp định này, ông Nguyễn Quang Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình cho biết, công ty đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm quản lý cũng như những yêu cầu khác từ phía châu Âu để nhanh chóng nắm bắt lợi thế từ hiệp định này.

“Chúng tôi đang mở rộng sản xuất, mở rộng dây chuyền, nâng hiệu suất của dây chuyền lên cao hơn đồng thời tuyển dụng thêm lao động. mặt khác chúng tôi cũng đã có những bước chuẩn bị về tài chính bằng cách tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng. Chuẩn bị về nguồn nguyên liệu để sản xuất đáp ứng cho các đơn hàng trong thời gian tới” - ông Vũ nói.

Phần lớn doanh nghiệp ngành da giày là doanh nghiệp vừa và nhỏ và chưa tận dụng được các ưu đãi của EVFTA.

Phần lớn doanh nghiệp ngành da giày là doanh nghiệp vừa và nhỏ và chưa tận dụng được các ưu đãi của EVFTA.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gian nan tìm đường hội nhập

Hiện nay việc tìm hiểu các thông tin về EVFTA đã là một điều khó cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi được hỏi về các thông tin ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng của EVFTA, ông Nguyễn Quốc Thái - Giám đốc Công ty TNHH SX - TM Giày Uy Thái cho hay, bản thân ông chưa hiểu rõ về hiệp định này, những thông tin về các hiệp định rất khó tiếp cận.

“Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tự tìm hiểu, mà một số chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là những người khởi nghiệp ở vùng quê lên. Đâu phải công ty nào cũng có thể thuê một giám đốc điều hành am hiểu về luật, về thị trường được” - ông Thái nói.

Điều cơ bản nhất về hiệp định còn chưa có điều kiện tiếp cận, thì với doanh nghiệp vừa và nhỏ việc tận dụng lợi thế là điều không thể. Ngoài việc thiếu thông tin, những vấn đề tồn tại từ lâu của ngành này da giày là kỹ thuật, tài chính, quản trị, nhận lực là những rào cản lớn khiến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi EVFTA

Tương tự, ông Phan Hải - Giám đốc Công ty Giày BQ cho biết: “Dù đã nắm được các thông tin về ưu đãi, tuy nhiên chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, nên vấn đề đầu tư trang thiết bị theo tiêu chuẩn của các đối tác từ phía châu Âu là vô cùng khó. Thứ hai là nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa được sự hỗ trợ cụ thể từ hiệp hội, Nhà nước... Và một vấn đề nữa là việc liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau vẫn còn chưa đủ chắc chắn. Chính vì vậy để doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi tiếp cận được các cơ hội từ Hiệp định EVFTA là chưa lớn” - ông Hải lo lắng cho biết.

Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ đạt 54 tỷ USD. Để đạt được con số này, nhiều chuyên gia cho rằng ngành da giày Việt Nam được khuyến cáo là phải biết tận dụng tối đa mọi lợi thế của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là EVFTA.

Ngoài các vấn đề trên, các chuyên gia còn khuyến cáo doanh nghiệp trong nước nâng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động được nguồn nguyên liệu, có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có những sản phẩm đặc trưng.

Nguyễn Ngọc

Theo NTD

largeer