'TIẾP THỊ ĐEN' SÁCH GIÁO KHOA TRONG TRƯỜNG HỌC

Thứ hai, 14/09/2020, 10:00 AM

Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương cho rằng phụ huynh có quyền lựa chọn sách giáo khoa và nơi mua sách. Trường học nhập nhèm trong bán sách là tham nhũng giáo dục.

Luật Giáo dục hiện hành có những quy định chặt chẽ như sách giáo khoa (SGK) là gì, cơ quan nào biên soạn, phát hành, nhưng không nêu rõ việc bắt buộc học sinh phải mua sách này ở đâu (cụ thể là trường học).

Như vậy, chúng ta có thể hiểu học sinh mua SGK ở bất kỳ đâu, hoặc mượn để sử dụng, miễn đó là bộ sách trường học đã chọn, dạy và học theo “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”.

Câu chuyện trường Tiểu học An Phong (TP.HCM) đưa ra 23 danh mục mà không nói rõ sách tham khảo là sai quy định, cũng như sai lầm về đường hướng giáo dục.

44

NHẬP NHÈM SGK DẪN ĐẾN NHIỀU SAI TRÁI

Việc nhập nhèm trong mua sách giáo khoa, tham khảo ở trường học có thể dẫn đến nhiều sai trái.

Thứ nhất, trường học, giáo viên chủ nhiệm không có chức năng phát hành sách. Người, đơn vị thực hiện công việc này được hưởng thù lao, cần làm rõ số tiền từ chiết khấu này sẽ đi đâu, được chia cho cá nhân hay gộp vào ngân sách Nhà nước, địa phương?

Thứ hai, nếu phụ huynh muốn nhờ giáo viên, nhà trường mua hộ cần có sự thỏa thuận công bằng, dân chủ với sự đồng thuận từ hai phía. Nhà trường hay giáo viên không được phép đơn phương áp dụng chính sách mua tập thể kiểu ép buộc hoặc "gây áp lực mềm".

Thứ ba, nhà trường đưa ra danh sách yêu cầu phụ huynh mua nhưng không nêu rõ sách bắt buộc hay tham khảo là sai. Nếu công luận không lên tiếng, học sinh có thể phải mua những cuốn sách không cần thiết.

Không phải tất cả học sinh đều có nhu cầu mua cả bộ sách vào thời điểm đầu năm học. Họ có thể chọn lựa ở thời điểm khác, bởi 800.000 đồng là khoản tiền nhỏ với nhà này, nhưng gia đình khác có 2-3 con đi học lại là lớn.

Câu chuyện của trường Tiểu học An Phong nói trên có thể diễn ra ở nhiều nơi khác nhưng phụ huynh vì e ngại mà không lên tiếng.

Mối quan hệ của phụ huynh ở trường công lập thường ở thế yếu. Nhiều người biết việc mua - bán bất hợp lý nhưng lo ngại nếu lên tiếng hay phản đối, mối quan hệ sẽ xấu đi. Vì sợ bất lợi cho trẻ, họ đành im lặng nhắm mắt cho qua.

Những sai phạm và sai lầm cơ bản trong vụ việc này nằm ở cơ chế và cung cách làm việc của các cơ quan hành chính giáo dục. Muốn loại bỏ tận gốc vấn đề cần có văn bản cấm các trường, sở, phòng tham gia phát hành sách, tài liệu tham khảo.

Các đơn vị xuất bản có thể giới thiệu đến trường học những cuốn sách tốt, hay. Nhà trường hay các cơ quan giáo dục chỉ nên cung cấp, chuyển tiếp thông tin tới học sinh, phụ huynh theo cách công khai, để cha mẹ lựa chọn đầu sách và nơi mua.

Nếu không làm được điều này, câu chuyện nhập nhèm sách giáo khoa còn tiếp diễn. Việc ngăn chặn “tiếp thị đen” góp phần lành mạnh hóa môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng sách và ngăn chặn, phòng chống tham nhũng.

Qua một số sự việc, dư luận đặt câu hỏi: “Đối với học sinh mới vào lớp 1 thì 23 cuốn sách, tài liệu có quá nhiều?”. Nhiều người đồng tình với ý kiến số đầu sách lớn gây quá tải cho học trò. Đây là ý kiến có lý nhưng chưa thỏa đáng.

Thể chất của học sinh lớp 1 còn non nớt, đọc và viết chưa thạo. Nhà xuất bản, nhà giáo dục phải cân nhắc khi biên soạn sách, nội dung, cùng hoạt động đảm bảo an toàn, phù hợp.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội dung sách giáo khoa, bổ trợ, vở bài tập bán cho học sinh ở trường học, so sánh với tài liệu, sách dành cho học sinh ở một số nước tiên tiến, chúng ta thấy vấn đề không chỉ nằm ở số lượng 23 cuốn.

Nội dung trong sách tham khảo, vở bài tập thực chất là minh họa, diễn giải, giải thích nội dung trong SGK. Nói đúng hơn, nó chỉ là sự “nối dài” và minh họa cho SGK. Vì thế, 23 cuốn sách cho mỗi học sinh là quá nhiều.

Ai từng tiếp xúc giáo dục các nước tiên tiến sẽ thấy việc chỉ chăm chăm lý giải SGK là giáo dục lạc hậu. Thầy giỏi đúng nghĩa là người hướng dẫn học sinh tiếp cận chân lý bằng nhiều cách thức, phương pháp, thông qua trải nghiệm và hoạt động phong phú.

Dạy trong SGK là cách hạn chế nội dung giáo dục và bắt học sinh ghi nhớ. Cùng nội dung trong SGK nhưng diễn giải ra nhiều tài liệu khác nhau, để trẻ phải học đi học lại là cách làm lãng phí.

CẦN SÁCH THAM KHẢO THỰC SỰ CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ BÁN "BIA KÈM LẠC"

Thông thường, ở nước ngoài, giáo viên đưa ra danh mục dài giới thiệu sách cho học sinh cần đọc trong cả năm học. Dù là học sinh lớp 1, số sách được giới thiệu nhiều hơn 23 cuốn.

Tuy nhiên, đó là những cuốn sách đọc thêm thuộc nhiều lĩnh vực, chủ đề với mục đích phát triển bản thân, mở rộng kiến thức hay đào sâu vấn đề, thông tin nào đó được đề cập trong SGK.

Nói theo cách đơn giản, đó là những cuốn sách để học sinh “đọc sách” thực sự chứ không phải để “làm bài tập”. Giáo viên, nhà trường chỉ nêu tên sách, tác giả, nhà xuất bản để phụ huynh, học sinh tìm kiếm, mượn ở thư viện.

Ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, học sinh đọc sách theo cách khai phóng, không phải thuần túy làm bài tập.

Nếu hoạt động giáo dục chỉ loanh quanh với SGK và bài tập diễn giải nội dung của SGK, chúng ta lấy đâu cơ sở để cạnh tranh với các nước khác trong cuộc đua toàn cầu?

Vấn đề đặt ra trong câu chuyện 23 đầu sách, tài liệu nói trên không phải nhiều hay ít. 23 cuốn sách liệu có chính đáng khi nhà trường ép phụ huynh mua? Ý nghĩa của việc học 23 cuốn là gì?

Nếu trường giới thiệu danh mục các cuốn học sinh đọc tham khảo, mở rộng nội dung học tập và phát triển bản thân xuyên suốt trong một thời gian dài, sẽ là câ chuyện khác.

Ở nước Nhật, cả nhà trường, giáo viên, Hiệp hội Thư viện Trường học và các tổ chức khuyến đọc đều làm điều này. Họ định kỳ đưa ra các danh mục sách khuyến đọc dành cho từng nhóm học sinh (thường theo khối lớp), gửi tới nhà trường, phụ huynh để giáo viên, cha mẹ học sinh hướng dẫn trẻ tìm đọc.

Cách thức “tiếp thị” sách như trên đã tạo ra những yếu tố thuận lợi thúc đẩy giáo dục, đọc sách phát triển và đảm bảo công bằng cho tất cả công ty làm sách, khuyến khích họ làm ra những cuốn sách ngày một tốt hơn.

Thay vì “đi đêm”, “vận động hành lang cơ quan quản lý”, họ sẽ phải đầu tư cho phát triển sản phẩm và ưu đãi tác giả để tìm được tác giả tốt.

Ông Nguyễn Quốc Vương là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản. Ông từng là giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là người dịch, viết chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Ông viết và dịch nhiều cuốn sách về giáo dục như: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? (2017), Môn Sử không chán như em tưởng (2017), Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường (2016), Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam (2017), Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm (2019), Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam (2019).

Nguyễn Quốc Vương

Theo zingnews.vn

largeer