Tòa nhầm án phí vụ Trung Nguyên, sửa sao?

Thứ sáu, 29/03/2019, 16:07 PM

Do bản án chưa phát hành nên thẩm phán chủ tọa sẽ ra thông báo đính chính bản án gửi cho các đương sự biết mức án phí chính xác.

11

Tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (vợ chồng chủ Trung Nguyên), chủ tọa phiên tòa đã đọc phần án phí mà ông Vũ, bà Thảo phải chịu lên đến 80 tỉ đồng. Con số này lập tức gây sốc dư luận vì nó được coi là mức án phí lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Chủ tọa thừa nhận bị nhầm khi đọc án phí

Cụ thể, chiều 27-3, sau khi tuyên đọc quan hệ hôn nhân, quyền nuôi dưỡng và mức cấp dưỡng cho con chung, việc phân chia tài sản…, chủ tọa đã tuyên mức án phí về tài sản mà ông Vũ và bà Thảo phải chịu. Theo đó, chủ tọa tuyên đọc bà Thảo phải đóng mức án phí gần 33 tỉ đồng, ông Vũ phải đóng 48,7 tỉ đồng, tổng cộng án phí của cả hai lên đến hơn 81 tỉ đồng.

Sau khi tòa tuyên án, dư luận bày tỏ sự ngạc nhiên vì mức án phí quá cao này. Kế đó, nhiều người cho rằng tòa đã có nhầm lẫn trong việc tính án phí, đúng ra án phí cả hai phải nộp chỉ là 8,1 tỉ đồng chứ không phải đến 81 tỉ đồng như tòa đã tuyên đọc.

Chiều 28-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân, chủ tọa phiên tòa, cho biết ông có sự nhầm lẫn khi tuyên đọc phần án phí. “Do bản án chưa phát hành nên thẩm phán sẽ ra thông báo đính chính bản án gửi cho các đương sự biết mức án phí chính xác. Cụ thể là thông báo sẽ ghi: Do có sự nhầm lẫn, phần quyết định về án phí như đã tuyên đọc… là chưa chính xác. Nay đính chính như sau: Án phí phải là… mới đúng”.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi tòa tuyên án chiều 27-3. Ảnh: ZING

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi tòa tuyên án chiều 27-3. Ảnh: ZING

Tính đúng phải như thế nào?

Theo luật, trong vụ án ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ, việc tính án phí (phần chia tài sản) được áp dụng theo điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, điều luật này quy định: “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”.

Theo thông tin vụ kiện thì tổng giá trị tài sản tranh chấp được xác định là khoảng 8.229 tỉ đồng. Tòa án chấp nhận chia ông Vũ 60% (tương đương hơn 4.864 tỉ đồng), bà Thảo 40% (hơn 3.364 tỉ đồng). Như vậy, theo quy định nói trên, án phí của mỗi người được tính dựa trên số tiền mà họ được chia.

Cụ thể, theo danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326 nói trên thì công thức chung để tính là: 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp (được tòa chia) vượt 4 tỉ đồng.

Áp vào công thức này thì án phí mà bà Thảo phải chịu tính ra hơn 3,3 tỉ đồng; án phí ông Vũ phải chịu là hơn 4,8 tỉ đồng (cả hai cộng lại hơn 8,1 tỉ đồng).

Cách sửa sai khi đọc nhầm số tiền án phí

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, khi tuyên án, thẩm phán chủ tọa sẽ đọc bản án có chữ ký và ghi rõ họ tên của tất cả thành viên HĐXX, có đóng dấu. Trong nội bộ ngành tòa án, để phân biệt người ta gọi bản án được tuyên đọc tại tòa là bản án gốc. Biên bản phiên tòa (cũ) cũng ghi nhận việc án đã được tuyên theo bản án gốc đã thông qua tại phòng nghị án.

Bản án gửi cho các đương sự được gọi là bản án chính, do thẩm phán thay mặt HĐXX ký phát hành. Bản án do đương sự trích lục được gọi là bản án sao y, lãnh đạo tòa ký hoặc lãnh đạo văn phòng ký.

Theo Điều 268 BLTTDS 2015 thì không được sửa chữa, bổ sung bản án đã tuyên, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Khi đó, để khắc phục thẩm phán phối hợp với các thành viên HĐXX đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự… Quyết định do thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký.

Như vậy, trong vụ ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ, thẩm phán chủ tọa cùng các thành viên HĐXX phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung các số liệu đúng về án phí để gửi cho các đương sự.

Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được tòa án chấp nhận.

4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được tòa án chấp nhận.

5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được tòa án chấp nhận…

(Trích Điều 26 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

 Phương Loan

Theo plo.vn

largeer