Tổng thống Trump “nội công FED, ngoại kích EU”

Thứ ba, 24/09/2019, 10:05 AM

Tổng thống Donald Trump “hâm nóng” mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) vốn phẳng lặng bằng thông báo áp thêm thuế đối với hàng hóa trị giá 11,2 tỷ USD nhập khẩu từ EU. Riêng trong nước, ông tạo sức ép, đòi hạ lãi suất của đồng USD.

Các mối quan hệ thương mại “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với EU đã được ông Trump đề cập từ đầu năm 2019 đến nay sau các cáo buộc về trợ cấp của chính phủ với hai hãng máy bay khổng lồ Boeing (Mỹ) và Airbus (EU).

Máy bay Airbus A-380 nằm trong những mặt hàng của EU sẽ bị Tổng thống Donald Trump đánh thuế? (Ảnh: AFP).

Máy bay Airbus A-380 nằm trong những mặt hàng của EU sẽ bị Tổng thống Donald Trump đánh thuế? (Ảnh: AFP).

“Kẻ sứt đầu, người mẻ trán”

Trong hơn 13 năm qua, Washington và EU đã cáo buộc lẫn nhau trợ cấp không công bằng cho Boeing và Airbus, tạo ra cuộc tranh cãi phức tạp nhất buộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải xử lý. Theo cáo buộc của Washington, EU đã có các khoản viện trợ không minh bạch cho dự án phát triển các mẫu máy bay A350 và A380 của Airbus lần đầu tiên vào năm 2006. Và Mỹ đã đâm đơn khiếu nại lên WTO chống lại điều mà họ cho là vô lý này.

Năm 2018, WTO nhận định rằng EU đã viện trợ cho Airbus để phát triển các mẫu máy bay mới như cáo buộc.

Ngày 9/4/2019, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với 11 tỷ USD hàng hóa của EU từ máy bay thương mại lớn, phụ tùng máy bay cho tới các sản phẩm sữa và rượu vang - ước tính số tiền này tương đương với khoản trợ cấp EU đã dành cho Airbus.

Phản ứng trước thông tin về phán quyết của WTO, Stefan Schaffrath - người phát ngôn của Airbus, không đưa ra bình luận nào, chỉ nói rằng không ai là người chiến thắng trong cuộc đối đầu này. Người phát ngôn Airbus cũng nói rằng nếu Mỹ áp thuế, EU trả đũa thì sẽ có “kẻ sứt đầu, người mẻ trán”.

Tuần trước, EU cho biết đã “trao đổi với Washington, thông báo rằng EU sẵn sàng phối hợp để đưa ra một giải pháp công bằng cho ngành công nghiệp hàng không”.

Theo tạp chí Politico, WTO đã gửi quyết định mật tới EU và Mỹ. Phán quyết mật này có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ông Trump toàn quyền thông báo vòng thuế mới áp lên hàng hóa của EU.

Ông Trump (phải) muốn Chủ tịch FED Jerome Powell hạ lãi suất đồng USD ngay. (Ảnh: Getty Images).

Ông Trump (phải) muốn Chủ tịch FED Jerome Powell hạ lãi suất đồng USD ngay. (Ảnh: Getty Images).

Tạo áp lực mỗi ngày để FED hạ lãi suất

Ông Trump cũng đang đau đầu tìm cách ứng phó với việc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Jerome Powell lừng khừng khi hạ lãi suất của đồng USD. Nền kinh tế Mỹ dự báo đối mặt với các triển vọng bất ổn, vì thế ông Powell liên tục bị ông Trump chỉ trích kèm theo yêu cầu đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế. FED có thể sẽ hạ lãi suất trong tuần này.

Nhờ các biện pháp mạnh của ông Trump, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã ở mức thấp lịch sử trong hơn 18 tháng qua. Mặt khác, lương người lao động và số việc làm gia tăng, lạm phát ổn định, GDP (tổng thu nhập quốc nội) vẫn đang tăng trưởng, niềm tin kinh doanh vẫn ở mức cao.

Theo AFP, điều duy nhất đang duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ tại thời điểm hiện tại là hoạt động chi tiêu tiêu dùng (chiếm 2/3 GDP) trong bối cảnh xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại, hòa chung với không khí kinh tế thế giới đang giảm.

Gần đây Mỹ - Trung đã có những hành động mang tính nhượng bộ, khiến thị trường ngày càng kỳ vọng về sự nhân nhượng của mỗi bên dẫn đến cái kết “dễ thở” là một thỏa thuận tạm ngưng chiến tranh thương mại. Theo CNN, khi mà các thỏa thuận làm cho bầu không khí dịu đi vốn đã đạt được hồi tháng 12/2018 và tháng 4/2019 đều đã tan vỡ do yêu sách của mỗi bên, rõ ràng là cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải chịu nhân nhượng để khai thông bế tắc.

Trong khi ca ngợi sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, ông Trump vẫn yêu cầu ông Powell nhanh chóng có các biện pháp kích thích theo cách mà FED xưa nay vẫn dùng để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Việc hạ lãi suất đồng USD về 0 hoặc thấp hơn là biện pháp khẩn cấp và cần thiết.

Ông Powell cùng các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đang chịu áp lực từ những chỉ trích chưa từng có tiền lệ từ Tổng thống Trump. Hầu như ngày nào, ông Trump cũng càm ràm và phê phán FED tại sao chưa chịu hạ lãi suất đồng USD. Theo AFP, kể từ cuộc họp chính sách gần đây nhất của FED hồi cuối tháng 7/2019, trung bình cứ 22 giờ đồng hồ, ông Trump lại có một đoạn đăng trên trang Twitter cá nhân chuyện lãi suất của đồng USD.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, ngày 18/9, FED đã chủ động cắt giảm lãi suất  0,25 điểm phần trăm, về khoảng 1,75-2%. Và có khả năng sẽ tiếp tục đưa ra thêm một đợt hạ lãi suất nữa trước cuối năm nay. Cũng có chuyên gia dự đoán sẽ có 3 đợt hạ lãi suất nữa trong năm 2019. Tuy vậy, ông Trump vẫn nặng lời chỉ trích.

Kể từ khi công bố đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm vào mùa hè vừa rồi, ông Powell đã phát đi tín hiệu rằng FED sẽ còn tiếp tục cắt giảm lãi suất hơn nữa. Trong các bài phát biểu và những lần xuất hiện trước công chúng, ông hứa hẹn FED sẽ có biện pháp thích hợp để duy trì đà tăng trưởng hiện tại của kinh tế Mỹ đang tốt dần...

Tường Quyên

Theo NTD

largeer