Tốt nghiệp Basel II mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng

Thứ hai, 18/11/2019, 15:15 PM

Tính đến đầu tháng 11, đã có 14 ngân hàng “tốt nghiệp” Basel II. Việc áp dụng Basel II sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.

Dồn dập đáp ứng chuẩn Basel II

Mới đây, hàng loạt ngân hàng nhỏ đều đáp ứng chuẩn Basel II, đầu tháng 11, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Theo đại diện ngân hàng thì: “Việc tuân thủ theo chuẩn Basel II đã giúp cho nhà băng nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đồng nghĩa với việc VietBank đáp ứng các quy định nghiêm khắc về quản trị và công nghệ. Đây cũng được xem là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của VietBank cho giai đoạn sắp tới, bảo đảm ngân hàng phát triển bền vững và minh bạch”.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng được NHNN công nhận đạt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế Basel II theo Quyết định 2263/QĐ-NHNN. Thời gian bắt đầu áp dụng Basel II ở SeABank từ 1/11/2019.

Theo đại diện của SeABank thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II cho thấy, SeABank có đủ khả năng phòng ngừa các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Để đạt được chuẩn mực Basel II, SeABank đã đáp ứng những tiêu chuẩn và nguyên tắc quản trị rủi ro cao do NHNN đưa ra nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững và minh bạch, góp phần xây dựng ngành ngân hàng phát triển ngày một ổn định, lành mạnh.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng tốt nghiệp Basel II trước thời hạn. Theo đại diện của Viet Capital Bank, hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế được hầu hết các ngân hàng thương mại lớn trên thế giới áp dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động thông qua áp dụng các công cụ, chuẩn mực cao trong quản lý rủi ro và kinh doanh. Được chấp thuận áp dụng Basel II đồng nghĩa với việc Bản Việt đã đáp ứng nhiều quy định nghiêm khắc về quản trị, hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ...

Như vậy đến tháng 11/2019 đã có 14 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, lần lượt là Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, VPBank, MB, Techcombank, MSB, HDBank, Shinhan Bank, Viet Capital Bank, SeABank và VietBank.

Theo NHNN, kể từ 1/1/2020, tất cả các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư 41. Từ năm 2021, các ngân hàng áp dụng quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP) theo Basel II. Từ năm 2023, một số ngân hàng áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp nâng cao cơ bản (FIRB) của Basel II.

Việc áp dụng Basel II các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâp nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.

Việc áp dụng Basel II các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâp nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.

Tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch

Theo TS. Bùi Quang Tín việc triển khai hiệp ước Basel II sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời, nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực tín dụng, nếu như trước đây các ngân hàng chủ yếu dựa vào tài sản bảo đảm thì sau khi áp dụng Basel II các ngân hàng thương mại sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng. Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, các ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.

Theo các chuyên gia, tốt nghiệp Basel II sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.

Basel là một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro được áp dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới từ nhiều năm qua. Tại Việt Nam, từ năm 2017 trở về trước, khái niệm Basel II còn khá xa lạ, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay nó đã trở nên quen thuộc hơn với thị trường.

BẢO PHƯƠNG

Theo NTD

largeer