TP HCM và Cần Thơ: Chật vật với nước ngập

Thứ ba, 01/10/2019, 15:05 PM

Mực nước đo tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vào sáng 30-9 là 2,25 m, cao hơn báo động 3 là 0,35 m. Đây là mực nước cao nhất từng xuất hiện tại đây

Trong ngày 30-9, nhiều nơi ở TP HCM và TP Cần Thơ ngập nặng, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông và sinh hoạt của người dân.

Nước bất ngờ dâng cao

UBND quận 8, TP HCM cho biết có gần 200 người đã được quận này huy động trong ngày 30-9 để tham gia gia cố bờ bao khu vực cầu kênh Ngang số 3 trên đường Mễ Cốc (phường 15, quận 8). Trước mắt, lực lượng chức năng tìm giải pháp ngăn chặn nước ngập tại khu vực sạt lở bằng giải pháp che chắn bằng bao đất. Ngoài ra, bố trí nhiều máy bơm để hút nước.

Lý do vỡ bờ bao, theo UBND quận 8 là bờ bao đang được thi công. Đợt triều cường lần này nước dâng lên quá nhanh, do đó gia tăng áp lực lên bờ kè cũ. Một đoạn bờ kè sập hơn 3 m. Nhiều hẻm lân cận chịu ngập.

Nước dâng cao tại Cần Thơ, hàng ngàn phương tiện chật vật khi lưu thông trong nội đô TP Cần Thơ, sáng 30-9. Ảnh: CA LINH

Nước dâng cao tại Cần Thơ, hàng ngàn phương tiện chật vật khi lưu thông trong nội đô TP Cần Thơ, sáng 30-9. Ảnh: CA LINH

Chị Lê Thị Kim (39 tuổi; ngụ hẻm 124 đường Mễ Cốc), kể lúc 16 giờ ngày 29-9, nước bất ngờ dâng cao, xoáy rất mạnh. Hơn một tháng trước, cần cẩu thi công ở bờ bao bỗng dưng ngã đổ. Tại đây, một phần bờ bao hư hỏng và đợt triều cường lần này theo vị trí sạt lở đó tràn vào nhà dân.

Sáng và tối cùng ngày, tại nhiều tuyến đường ở quận Ninh Kiều (trung tâm TP Cần Thơ) như: Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Nguyễn Văn Linh, 3 Tháng 2, Trần Văn Hoài, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng… ngập sâu trong nước. Do triều cường lúc sáng sớm, đúng giờ đưa con đi học nên nhiều người phải vất vả để vượt qua dòng nước chảy xiết. Nhiều người vất vả dắt môtô bị chết máy ra khỏi khu vực ngập, tìm chỗ sửa.

Phụ huynh vất vả vượt qua dòng nước để đưa con tới trường Ảnh: CA LINH

Phụ huynh vất vả vượt qua dòng nước để đưa con tới trường Ảnh: CA LINH

Chở 2 con đi học, anh Võ Văn Vĩnh (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ngao ngán: "Chưa năm nào tôi thấy nước dâng cao như năm nay. Đưa con đi học mà ngỡ như chạy trên sông khi nước dâng ngập hơn nửa bánh xe. Ngày đầu tuần phải đem nệm, gối cho con nhưng nước làm ướt hết, một lúc sau thì xe cũng chết máy".

Nhiều phụ huynh phải dựng xe ngoài đường Trần Hưng Đạo và Mậu Thân rồi cõng con lội bộ qua khu vực nước ngập trong hẻm 218 để vào Trường Tiểu học Thanh Xuân.

Dự báo lũ nhỏ nhưng nước dâng cao

Trong khi đó, tại khu vực cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), nước dâng cao tràn qua đê bao gây ngập nhiều nhà dân. Ông Bùi Văn Hên (70 tuổi, ngụ phường Cái Khế), than thở: "Nước dâng từ hôm 28-9 nhưng 2 ngày nay mới dâng cao đến mức như vậy. Triều cường làm quán ăn cũng là nơi ở của gia đình bị ngập sâu hơn 1 m. Tôi đã di dời đồ đạc ra ngoài, tìm nơi khác tá túc. Việc buôn bán chắc phải ngưng cả tháng".

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, mực nước đo được tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu lúc 17 giờ ngày 29-9 là 2,22 m nhưng lúc 5 giờ 30 phút ngày 30-9 đã 2,25 m, cao hơn báo động 3 là 0,35 m và cũng là mực nước cao nhất từng xuất hiện tại TP Cần Thơ (năm 2018 mực nước lịch sử là 2,23 m).

Lực lượng chức năng quận 8, TP HCM gia cố tạm thời bờ bao khu vực cầu kênh Ngang Ảnh: Lê Phong

Lực lượng chức năng quận 8, TP HCM gia cố tạm thời bờ bao khu vực cầu kênh Ngang Ảnh: Lê Phong

Nói về việc năm nay dự báo là lũ nhỏ nhưng nước lại dâng cao tại nội ô Cần Thơ ở mức lịch sử, ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhận định: "Diễn biến lũ năm nay phức tạp. Trong vòng 1 tháng trên thượng nguồn có mực nước thấp nhất lịch sử thì nửa tháng sau đã lên mực cao nhất lịch sử tại vùng Kratie (Campuchia). Hiện giờ, lũ trên thượng nguồn đã xuống thấp nhất lịch sử trở lại. Tại Cần Thơ, nước lên cao lịch sử do đỉnh lũ ở thượng nguồn chảy về tới đây và một phần khác do thủy triều. Đỉnh triều cộng với đỉnh lũ ở thượng nguồn đổ về làm nước dâng cao".

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho rằng nhiều năm nay, ĐBSCL làm đê bao khép kín để làm lúa vụ 3, lũ về không có không gian nên chảy xuống hạ lưu. "Cần Thơ ngập nặng là vì ở vùng giữa đồng bằng, nơi này cũng làm đê bao khép kín khắp nơi. Chỗ nào cũng bít nên nước tìm chỗ hở để chảy vào. Mà ở đồng bằng chỗ hở là các thành phố, đô thị và quốc lộ" - ông Thiện nói và lưu ý là ngoài ra, do sụt lún nên tình trạng ngập ở đô thị diễn ra nhanh hơn. Theo nghiên cứu của Hà Lan, từ năm 1991 đến nay, TP Cần Thơ có thể đã lún 20 cm. 

Bảo đảm an toàn cho học sinh

Trước tình hình triều cường dâng cao, ngày 30-9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã có thông báo gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc yêu cầu căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, lãnh đạo các đơn vị chủ động cho học sinh tại các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi triều cường được nghỉ học 1 ngày vào ngày 1-10. Việc này nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra và bảo đảm an toàn cho học sinh trên địa bàn.

Lê Phong - Ca Linh

Theo nld.com.vn

largeer