TP.HCM đang sụt lún nền rất lớn vì khai thác nước ngầm tràn lan

Thứ năm, 27/06/2019, 09:30 AM

TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún nền rất lớn, trung bình trên toàn thành phố là 40 mm/năm, cá biệt có nơi đến 67 mm/năm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do hậu quả của việc khai thác nước ngầm tràn lan và quá mức lâu nay.

Nền đất ở hẻm bên hông toà nhà The Manor (Q.Bình Thạnh) bị lún sụt khá sâu. Ảnh: Minh Quân

Nền đất ở hẻm bên hông toà nhà The Manor (Q.Bình Thạnh) bị lún sụt khá sâu. Ảnh: Minh Quân

 Lún 1,2m trong 10 năm

Tại TP.HCM, tình trạng lún rõ nét nhất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Trong đó, đoạn dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh là lún nặng nhất. Theo quan sát mặt đường, tại đây không bằng phẳng mà gợn sóng chỗ cao chỗ thấp. Phía chân cầu vượt có nhiều rãnh hở do phần đất bên dưới bị lún, tạo khoảng cách hở giữa mặt đường và phần bêtông quanh chân cầu.

Cũng do mặt đường bị lún nên khu vực này thường bị ngập nước khi mưa lớn, nhà các hộ dân tại đây đều được nâng nền hoặc xây bờ tường chắn nước phía trước.

Do mặt đường bị lún nên khu vực chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh thường bị ngập nước khi mưa lớn. Ảnh: M.Q

Do mặt đường bị lún nên khu vực chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh thường bị ngập nước khi mưa lớn. Ảnh: M.Q

Từ khi đưa vào sử dụng (năm 2002), con đường này đã bị lún. Năm 2003, UBND TP.HCM nhờ Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định chất lượng đường này, quá trình kiểm định cho thấy mặt đường bị lún từ 5cm đến khoảng 1m.

Nền đất ở hẻm bên hông toà nhà The Manor (Q.Bình Thạnh) bị lún nghiêm trọng. Ảnh: M.Q

Nền đất ở hẻm bên hông toà nhà The Manor (Q.Bình Thạnh) bị lún nghiêm trọng. Ảnh: M.Q

Trong khi đó, con hẻm bên hông toà nhà The Manor (KP.4, P.22, Q.Bình Thạnh) được người dân sống ở đây gọi là “con hẻm lún” bởi tốc độ lún khủng khiếp của nó trong vài năm qua.

Theo ghi nhận, chân bức tường bao quanh tòa nhà The Manor bị đội lên khoảng 30cm, bên dưới hở hàm ếch. Phần móng của bức tường lộ rõ lên khỏi mặt đất. Một hộ dân sống trong hẻm này nói anh đã nâng nền nhà hai lần, với mức nền cao hơn 50cm so với ban đầu nhưng khi mưa lớn vẫn mấp mé thềm nhà.

5
Cả bức tường như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất do nền bị lún. Ảnh: M.Q

Cả bức tường như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất do nền bị lún. Ảnh: M.Q

Không chỉ khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, rất nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM ghi nhận có tình trạng lún. Tại cầu vượt bộ hành số 3, trước chung cư City Gate Tower (thuộc P.16, Q.8), bó vỉa ngay dưới chân các cầu vượt bộ hành trên đều bị nứt và “tuột” xuống, có đoạn sâu đến 20 cm. Nền đất tại các trụ cầu cũng cao hơn hẳn so với vùng đất xung quanh, tạo thành những “vùng trũng” dưới chân cầu vượt. Ở vị trí bậc thang lên cầu vượt, phần vỉa hè bị “rớt” xuống khoảng 10 cm so với chân cầu.

Vị trí bậc thang lên cầu vượt phần vỉa hè bị “rớt” xuống khoảng 10 cm so với chân cầu. Ảnh: M.Q

Vị trí bậc thang lên cầu vượt phần vỉa hè bị “rớt” xuống khoảng 10 cm so với chân cầu. Ảnh: M.Q

Nền đất vỉa hè bị bị nứt và “tuột” xuống khoảng 20 cm. Ảnh: M.Q

Nền đất vỉa hè bị bị nứt và “tuột” xuống khoảng 20 cm. Ảnh: M.Q

Siết chặt việc khai thác nước ngầm

Tại cuộc họp về chống ngập mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng đưa ra cảnh báo tình trạng lún nền đất ở TPHCM trung bình 40mm/năm, có nơi nặng nhất 67mm/năm.

Tình trạng lún mặt đất ở TP.HCM có nguyên nhân như: khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa làm tăng bêtông hóa, hạn chế khả năng thấm nước tự nhiên và việc gia tăng tải trọng công trình trên nền đất yếu.

Đáng chú ý, tại TP.HCM mặc dù đã cấp nước sạch cho 100% người dân nhưng tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm không giảm mà có dấu hiệu tăng.

Theo TCty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước, hiện vẫn còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3 - tức là người dân không sử dụng.

Hiện nay tổng lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM hơn 716.580 m3/ngày, trong đó chiếm phần lớn vẫn là hộ gia đình đơn lẻ với hơn 355.000 m3/ngày, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp... Riêng lượng nước khai thác của Sawaco là 130.000 m3/ngày.

UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM còn 100.000 m3/ngày.

Ông Nguyễn Thanh Sử - Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, theo kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng do UBND TP.HCM ban hành, UBND các quận huyện là đơn vị chủ trì thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng… tại các hộ dân.

Minh Quân

Theo laodong.vn

largeer