TP.HCM: Gian lận thương mại, hàng lậu,hàng giả diễn biến phức tạp

Thứ tư, 04/09/2019, 10:02 AM

Trong thời gian qua, tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn TP.HCM nhìn chung tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của thành phố thì tình hình vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại... trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc với Cục QLTT TP.HCM. (Ảnh: Bộ Công thương).

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc với Cục QLTT TP.HCM. (Ảnh: Bộ Công thương).

Nguồn tin từ Bộ Công thương đánh giá như trên và cho biết thêm, trong quá trình hoạt động, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phải đối mặt với những thủ đoạn như: Hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt sau đó được chứa trữ tại các kho bãi, nơi sinh sống, phân tán nhỏ và đem giao các nơi để tiêu thụ theo cách truyền thống (giao nhận) và theo phương thức bán hàng online qua thương mại điện tử, Zalo, Facebook... Các đối tượng sử dụng thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; tình hình vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An đi qua địa bàn giáp ranh vào các quận nội thành TP.HCM và đi đến các tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Phương thức hoạt động của các đối tượng là cất giấu thuốc lá trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng... Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe gắn máy hai bánh, thiết kế lại bình xăng, yên xe để cất giấu và sử dụng xe du lịch tập kết tại các địa bàn giáp biên giới để vận chuyển thuốc lá vào nội địa với số lượng lớn, trong quá trình vận chuyển thường xuyên thay đổi biển số xe và thời gian vận chuyển để tránh việc kiểm tra, xử lý khi bị theo dõi hoặc có tin tố giác.

Trước tình hình trên, Cục QLTT TP.HCM đã tiến hành nhiều đợt truy quét hàng giả với quy mô lớn tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... Do hàng giả sử dụng vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng tuy đã bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.

Ngoài việc kiểm tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng QLTT TP.HCM còn phối hợp tốt với các đoàn liên ngành của thành phố, quận, huyện trong công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc; vệ sinh an toàn thực phẩm; văn hóa xã hội; kiểm tra giá; kiểm tra sau đăng ký kinh doanh; kiểm tra gas, hóa chất, y dược tư nhân, phòng cháy chữa cháy, cát xây dựng, tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm...

7 tháng đầu năm 2019, tại TP.HCM, tổng số vụ kiểm tra chuyên ngành: 4.887 vụ, tăng 2.078 vụ (73,97%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vụ vi phạm chuyên ngành: 2.795 vụ, tăng 54 vụ (1,97%) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số tiền thu nộp ngân sách: 54,6 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy khoảng 33 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 79,7 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 9,6 tỷ đồng.

Cục QLTT TP.HCM cũng đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 11 vụ. Tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng 10,5 tỷ đồng.

Anh Trinh (Nguồn: Bộ Công thương)

Theo NTD

largeer