TP.HCM: Hạn chế và cấm hẳn xe máy vào năm 2030 liệu có khả thi?

Thứ ba, 11/09/2018, 14:04 PM

Đây không phải là lần đầu TP.HCM tính đến chuyện cấm xe máy có lộ trình, nhưng tất cả các lần trước hoặc đi vào quên lãng hoặc tiếp tục bị phản đối, bác bỏ và buộc phải làm lại chờ thời điểm thích hợp hơn. Còn lần này?

Nếu có phương tiện thay thế tốt hơn không mấy ai muốn đi xe máy để cùng kẹt cứng như thế này.

Nếu có phương tiện thay thế tốt hơn không mấy ai muốn đi xe máy để cùng kẹt cứng như thế này.

Sẽ hạn chế và cấm như thế nào?

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình lên UBND TP.HCM đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP.HCM” do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thực hiện. Theo đó việc hạn chế xe máy tại trung tâm thành phố được thực hiện theo 3 giai đoạn và tiến tới cấm hẳn vào năm 2030.

Giai đoạn 1, từ nay tới năm 2020, hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình), đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Hạn chế xe máy từ 7-19h trên đường Pasteur (đoạn từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng).

Giai đoạn 2, từ 2021-2025, hạn chế xe máy đi vào quận 1 từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.

Giai đoạn cuối, từ 2026-2030, hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào các quận 1, 3, 5, 10, từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.

Việc hạn chế xe máy tại trung tâm thành phố sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn và tiến tới cấm hẳn vào năm 2030?

Việc hạn chế xe máy tại trung tâm thành phố sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn và tiến tới cấm hẳn vào năm 2030?

Lấy gì thay thế?

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT giải thích trong thời gian xe máy bị hạn chế, vận tải bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo, cho đến khi hệ thống metro, monorail được hình thành theo quy hoạch đến năm 2030. Nhưng cho đến giờ này, chỉ còn hai năm nữa nếu đề án trên thành hiện thực thì đi xe buýt vẫn là nỗi ám ảnh của người dân về bến bãi, phương tiện, thời gian và cả thái độ phục vụ.

10 năm trở lại đây, mặc dù đã làm đủ mọi cách nhưng toàn địa bàn TP.HCM hiện có 2.568 phương tiện tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mà chỉ có 82 vị trí điểm đầu, điểm cuối. Trong số 82 vị trí này chỉ có 32 vị trí mang tính ổn định lâu dài, 5 vị trí có hợp đồng thỏa thuận với địa phương/người dân bố trí đất làm bến bãi lưu đậu xe buýt, 45 vị trí còn lại là diện sử dụng tạm lòng lề đường để bố trí xe buýt lưu đậu. Tỷ lệ người tham gia giao thông sử dụng xe buýt khi tính toán lạc quan nhất mới trên dưới 20%.

Đối với giải pháp phát triển xe buýt, viện này đề xuất cần phát triển thêm 55-120 tuyến, nâng tổng số toàn mạng lưới xe lên 192-255 tuyến, với khoảng 4.200-4.800 xe hoạt động. Việc này giúp đáp ứng được 8,9-12,2% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM, đáp ứng 25-30% nhu cầu đi lại ở khu vực trung tâm mà 10 năm qua không làm nổi. Vậy 2-10 năm nữa liệu có đạt được con số trên?

Một phương tiện khác được kỳ vọng sẽ cùng xe buýt giải bài toán giao thông công cộng đó là hệ thống metro. Nhưng cho đến nay cả TP.HCM mới có tuyến số 1 đang còn dang dở, chậm tiến độ nhiều năm và mốc 2020 hoàn thành vẫn chỉ là dự kiến. 4 tuyến khác mới khởi động, đang còn tìm vốn và chưa hẹn ngày hòa vào mạng lưới chung. Với cách xây dựng, điều hành cùng chi phí, nguồn vốn luôn ăn đong như hiện nay thì metro vẫn là dấu hỏi.

Trước đây, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, đến năm 2030 TP.HCM chưa cấm xe máy. Ông Cường cho rằng khi nào chứng minh có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì thành phố mới tính đến việc cấm xe máy. Nhưng không hiểu đến nay sở này đã tính toán có đủ phương tiện thay thế hay chỉ là những con số trên giấy khi trình đề án lên UBND TP.HCM?

TS. Lương Hoài Nam cho rằng, vấn đề người dân quan tâm là đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy thì người dân đi lại bằng gì. Trong khi metro chưa hình thành đồng bộ, thành phố phải xác định xe buýt là loại hình chiến lược và chủ lực ngay từ bây giờ. Việc thay thế xe máy bằng phương tiện giao thông an toàn và tiện nghi thì chỉ có xe buýt. Vì vậy, cần có kết hoạch phát triển xe buýt như thế nào, chiến lược đầu tư ra sao. Nếu những vấn đề này chưa làm rõ thì lộ trình hạn chế xe máy khó tạo sự đồng thuận của người dân để cố gắng đến năm 2030 cùng với Hà Nội dừng hoạt động xe máy.

Có lẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy không phải mục tiêu của TP.HCM, Hà Nội cũng đã đặt mốc 2030 cho chủ trương này. Mục tiêu của cả hai thành phố lớn nhất nước là mang lại cho người dân một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn văn minh và rẻ hơn xe máy cá nhân. Người dân cũng chẳng mấy ai dại gì dầm mưa dãi nắng, hít bụi chịu kẹt xe và hồi hộp mãi với số phận long đong của xe gắn máy. Chắc chắn một khi có phương tiện thay thế tốt, đầy đủ và chi phí hợp lý hơn họ sẽ quên ngay xe máy. Lúc đó, chính quyền không cần vận động, các phương tiện công cộng sẽ đầy ắp khách và kế hoạch cấm xe máy hoàn toàn khả thi.

Phan Nguyễn

Theo NTD

largeer