Trái cây độc, lạ “cháy hàng”

Thứ hai, 20/01/2020, 10:10 AM

Hàng nghìn trái cây tạo hình độc, lạ của người dân ÐBSCL đang “cháy hàng” phục vụ thị trường Tết.

Ông Võ Hồng Quốc thu hoạch đào tiên hồ lô  ẢNH: HÒA HỘI

Ông Võ Hồng Quốc thu hoạch đào tiên hồ lô ẢNH: HÒA HỘI

Ngày 19/1, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã trái cây tạo hình ở xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Đến thời điểm này đã cháy hàng, không đủ giao cho khách.

Năm nay Hợp tác xã trái cây tạo hình chuẩn bị khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình (tài lộc, phát tài, thỏi vàng...) với giá tăng khoảng 20 -30% so năm ngoái, lên từ 300 - 1,2 triệu đồng/trái. Tuy nhiên, năng suất chỉ đạt trên 50%, với hơn 3.000 trái, không đủ để giao cho khách đã đặt trước. Bưởi khan hiếm nên giá cao hơn dự tính ban đầu, lên từ 600 - 1,8 triệu đồng/trái nhưng vẫn không đủ hàng”.

Sáng 19/1, ông Võ Hồng Quốc ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) tất bật thu hoạch đào tiên để giao cho khách. Ông cho biết, năm nay đã chuẩn bị 300 trái đào tiên hồ lô tạo chữ để phục vụ thị trường tết với giá dao động từ 300.000 đồng đến 800 nghìn/trái. “Hiện tại, trái bóng và chữ lên đẹp hơn năm ngoái. Đến thời điểm này gần bán hết sản phẩm”, ông Quốc nói.

Ông Quốc là người đầu tiên ở Hậu Giang tạo hình trên trái đào tiên, cách đây 4 năm. “Sau khi làm thành công bưởi hình hồ lô anh em trong câu lạc bộ muốn nghĩ ra sản phẩm mới để phục vụ Tết. Để tạo hình, từ khi trái đào tiên còn bằng quả trứng gà đã bắt đầu cho vào khuôn để ép ra hình hồ lô. Sau đó, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ đến thu hoạch mất gần 6 tháng mới cho ra sản phẩm như ý muốn”, ông Quốc nói.

 Theo ông Quốc, đào tiên ở nông thôn giá trị thấp, người dân trồng chủ yếu làm thuốc hoặc làm kiểng. “Giá trị trái đào tiên thấp nên tôi muốn “nặn” thành hình hồ lô để nâng giá trị cho người nông dân”, ông Quốc chia sẻ. Hiện tại đã có khách đặt mua trái đào tiên của ông Quốc quanh năm để làm thuốc nên mở ra cơ hội không chỉ cho ông mà nhiều người nông dân khác phát triển loại cây này.

Ở Hậu Giang vài năm gần đây làm trái cây độc, lạ còn có anh Bùi Văn Thức, xã Đông Phú (Châu Thành). Năm nay anh Thức làm gần 1.000 trái xoài thư pháp khắc chữ tài lộc, tuy nhiên vẫn không đủ hàng cung. Anh cho biết, mấy tháng trước khách đặt 800 trái xoài thư pháp nhưng sau đó phát sinh lên gần 2.000 trái. Hiện tại, đã giao hàng gần hết cho khách.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, 33 tuổi ở ấp An Phú 5, xã An Khánh (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, tết năm nay anh cung cấp ra thị trường 1.500 trái dừa và gần 100 trái bưởi tạo hình in chữ tài, lộc, phước lộc thọ, thỏi vàng...  Tuy nhiên, bưởi chỉ đạt 30% về chất lượng để giao cho khách. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên tỷ lệ đạt thấp.

Mấy ngày nay đang cao điểm giao hàng phục vụ Tết nhưng anh Tâm vô cùng lo lắng vì cầu Rạch Miễu bắc qua Tiền Giang bị quá tải, kẹt cứng khiến vận chuyển hàng vô cùng khó khăn. “Từ sáng tới trưa, phải mất mấy tiếng đồng hồ mới qua khỏi cầu để đưa hàng lên TPHCM giao cho khách”, anh Tâm than thở.

HÒA HỘI

Theo tienphong.vn
Từ khóa:

largeer