Trái hồng mùa Trung thu và tính năng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe

Thứ năm, 05/09/2019, 09:07 AM

Vào dịp Trung thu, người Việt Nam và các nước phương Đông thường bày quả hồng trên mâm để cúng tổ tiên, Trời Phật, hoặc làm quà biếu, để tỏ lòng tôn kính, tri ân, thân thiện...

Trái hồng là một trong những loại quả quan trọng của người châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Nước trồng nhiều hồng nhất là Trung Quốc, khắp lãnh thổ Trung Quốc đâu đâu cũng thấy cây hồng.Cây hồng sống sót ở Nagasaki Nhật Bản sau trận bom nguyên tử

Ngày 9/8/1945, trái bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Một phần lớn thành phố này bị hủy diệt, rất nhiều người dân bị tử vong. Người ta phát hiện ở gần tâm chấn động, có một loại cây vẫn còn sống sót, đó là cây hồng Diospyros kaki. Cây này có khả năng đề kháng với phóng xạ, và sức nóng của những ngọn lửa ở nhiệt độ cao của bom nguyên tử. Khả năng sinh tồn của cây hồng làm cho cây này trở thành thực vật đáng quan tâm của thế giới.

Cây hồng còn gọi là hồng thị, thị đinh, quân thiên tử, cậy… tên khoa học Diospyros kaki L.f., thuộc họ Thị (Ebenaceae), tên tiếng Anh: Persimmon; tiếng Pháp: Plaqueminier, Kaki. Tên Diospyros có gốc từ tiếng Hy Lạp “dios”, có nghĩa là “trời ”, thần thánh; và “puros” có nghĩa là trái cây, hạt giống, nghĩa là trái cây ăn được. Và Kaki từ tiếng Anh “khakee”, được mượn từ tiếng Hindi là “käki”, đề cập đến màu sắc của trái cây.

Empty

Mùa hoa tháng 4-6, mùa trái tháng 8-10

Hồng có nguồn gốc ở Nhật Bản và Trung Quốc, được trồng nhiều nơi để lấy trái ăn và làm thuốc. Cây hồng nhập vào châu Âu từ năm 1789; nhập vào Mỹ từ năm 1852, được người Mỹ gọi là mỹ phẩm Phương Đông (oriental delicacy).

Ở Việt Nam, hiện nay có rất nhiều giống hồng trồng khắp nơi trong nước. Giống hồng ngâm là giống hồng đầu tiên được có mặt tại Việt Nam từ lâu đời. Đây cũng là giống hồng có mặt từ rất lâu tại các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản… Giống cây này chịu lạnh rất tốt, nên thích hợp trồng ở miền núi các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Thực tế thì nơi trồng hồng ngâm lớn nhất cả nước cũng là các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai...

Hồng ngâm là giống hồng có trái dạng cầu dài như hình trứng. Trái khi xanh có màu xanh đậm, khi chín có màu vàng cam.

Thịt trái khi xanh có vị chát, khi chín vị chát sẽ dần mất đi và trái mềm hơn. Cây hồng ngâm cao tới 5m, có hệ cành và lá khá phát triển. Ra hoa và tạo trái thành từng chùm một. Cây sinh trưởng và phát triển tốt cho khá nhiều trái. Sau khi thu hái hồng thường được ngâm với nước vôi trong để mất vị chát do đó mới có tên gọi là hồng ngâm. Trái hồng ngâm có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, nên hồng ngâm được dùng làm món ăn giải khát cho cơ thể và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác.

Empty

Vị thuốc từ cây và trái hồng

Về thành phần hóa học, trong 100g phần ăn được của trái hồng tươi có chứa 88-90g nước; 3,1g chất xơ; 0,7-0,9g protid; 0,1g lipid; 6,2-8,6g glucid; 10mg Ca; 19mg P; 0,2mg Fe; 49,7mg iôd; 0,16mg caroten; 0,01mg vitamin B1; 0,02mg vitamin B2; 16mg vitamin C; 0,3mg vitamin P… Các chất carbohydrate trong trái hồng chủ yếu là đường saccharose, glucose và fructose; ngoài ra còn có pectine, tannin và một lượng nhỏ các hoạt chất khác.

Trong chữ Hán, trái hồng được gọi là “thị tử” (khác với trái thị Việt Nam trong truyện cổ tích Tấm Cám, gọi là thị, hoàng thị, hoàng phê, thị muộn, thị thập hùng, mác chăng (Tày), có tên khoa học Diospyros decandra Lour..) nên các vị thuốc từ cây hồng đều có mang chữ thị.

- Tai hồng là phần đài còn đính vào trái khô, được dùng làm thuốc với tên dược liệu là Thị đế (Calyx Kaki). Trong tai hồng có chứa acid oleanolic, acid ursolic, acid betulic, acid syringic, acid vanilic, trifolin, hyperin, kaempferol… Trong sách Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh viết như sau: “Hồng thị là trái hồng, vị ngọt hơi chát, tính hàn lành, nối liền khí kinh mạch, làm mát dạ dày, nhuận trong miệng, hòa trong ruột, thông được tai mũi. Khi uống rượu thì không nên ăn hồng, vì dễ say hoặc sinh ra đau tim.”

Trái hồng khô (mứt hồng) vị ngọt, tính bình, không độc, nhuận phế, nhuận tâm, hòa vị, tiêu đàm, giáng hỏa, hỏa huyết. Cón có tên là Bạch thị hoặc Thị bánh. Vị thuốc Thị đế có vị đắng, tính ôn, vào kinh vị, tác dụng ôn trung, giáng khí. Thường dùng chữa nấc, đầy bụng, nôn ói, ợ hơi. Ngày dùng 8-16g sắc uống.

Lá cây hồng uống thay trà có tác dụng trị liệu đối với bệnh ung thư

Theo kết quả nghiên cứu của Viện U bướu Trung Quốc, lá hồng còn có tác dụng phòng chống ung thư. Hằng ngày, dùng 15g lá hồng uống thay trà có tác dụng trị liệu tương đối tốt đối với bệnh ung thư thực quản.

Tại một số địa phương ở Trung Quốc, người ta chế biến trà lá hồng như sau: Từ khoảng trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, hái lá hồng về, buộc thành từng chuỗi, đem nhúng vào nước nóng 85oC trong 15 phút, lấy ra, nhúng vào nước lạnh, sau đó đem hong khô trong bóng mát (không phơi trực tiếp ngoài nắng, gọi là phơi âm can), khi lá hồng khô thì vò vụn là được “trà lá hồng”. Khi uống, có thể hãm với nước sôi như pha trà. Những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất trà lá hồng để xuất khẩu sang Nhật và tiêu thụ trong nước.

Màu vàng cam của trái hồng có chứa nhiều beta-caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, giúp bảo vệ thị lực và ngăn ngừa lão hóa. Chất beta-caroten này đặc biệt có ích đối với người hút thuốc lá, bởi beta-caroten còn có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành ung thư phổi. Ngoài beta-caroten, vitamine C trong trái hồng có tác dụng giúp cơ thể chống đỡ với các loại vi rút, vitamine PP giúp chống đỡ sự mệt mỏi, trầm cảm, cũng như cải thiện sức khỏe làn da và tóc, chất magnesium cần thiết cho tim hoạt động tốt, chất sắt giúp da hồng hào và duy trì thành phần cấu tạo máu, chất kalium giúp làm bền thành mạch máu.

Cách chọn trái hồng

Khi chín, cầm thấy mềm, thì trái hồng mới hết vị chát, nhiều nước hơn và có vị ngọt mát.

Khi mua hồng về, cần cẩn thận để không làm dập và xước phần vỏ. Khi hồng đã chín thì nên cho vào tủ lạnh, để lạnh cũng là một cách để loại bỏ chất chát trong trái.

Loại hồng to màu đỏ hoặc cam đậm là ngọt nhất.

Khi được sấy khô, hồng vẫn giữ được độ ngọt và chất đường tự nhiên trong nó trở thành một lớp xốp nhẹ bên ngoài vỏ.

Hồng được nhiều người yêu thích vì ăn vừa giòn, vừa ngọt, nhưng đôi khi bạn có thể mua phải những trái bị chát. Cách khắc phục như sau:

Cho hồng vào chậu nước nóng 40-45oC và đậy lại. Đến khi nguội, thì thay 1-2 lần nước nữa. Để qua một đêm, hồng sẽ không chát.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Theo NTD

largeer