Trung Quốc ra cảnh báo du lịch, đáp trả Mỹ phản ứng thái quá

Thứ tư, 26/02/2020, 10:08 AM

Nhằm đáp trả "phản ứng thái quá" của Washington với dịch COVID-19, Trung Quốc vừa ban hành cảnh báo du lịch, khuyến cáo công dân không nên đi đến Mỹ.

Khách du lịch Trung Quốc tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải. Ảnh: AP

Khách du lịch Trung Quốc tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải. Ảnh: AP

Báo South China Morning Post ngày 25-2 cho biết Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo du lịch, kêu gọi công dân nước này không đi tới Mỹ do lo ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cảnh báo trên được Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đưa ra hôm 25-2 nhằm khuyến cáo du khách không nên đến Mỹ vì Washington đã “phản ứng quá đà” với dịch COVID-19, đưa ra những đối xử không công bằng với du khách Trung Quốc và tạo ra những bất ổn không rõ ràng đối với an ninh nội địa.

Có vẻ như đây là một phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh đối với các lệnh cấm của Washington hồi tháng trước nhưng theo các chuyên gia, động thái trên mang động cơ chính trị và có thể không có nhiều tác động đến các hạn chế du lịch mà Mỹ công bố trước đó.

Tháng 1-2020, Mỹ cảnh báo công dân nước này hạn chế du lịch đến Trung Quốc vì dịch COVID-19. Ảnh: AP

Tháng 1-2020, Mỹ cảnh báo công dân nước này hạn chế du lịch đến Trung Quốc vì dịch COVID-19. Ảnh: AP

Theo South China Morning Post, trong khi hơn 60 quốc gia ra cảnh báo hạn chế đi lại với Trung Quốc và sơ tán công dân khỏi tâm dịch Vũ Hán thì Bắc Kinh có vẻ “khó chịu” vì Mỹ là quốc gia có những phản ứng “thái quá”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Mỹ đã tạo ra "một tấm gương xấu” cho các quốc gia khác.

Nhà phân tích các vấn đề kinh tế tại Bắc Kinh Pang Zhongying giải thích động thái mới nhất này cho thấy mối quan hệ về thương mại và địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ dường như bị dịch COVID-19 làm cho nghiêm trọng hơn.

“Động thái của Trung Quốc chỉ có tính biểu tượng bởi nếu mọi người vẫn muốn đi du lịch thì cũng không được vì Mỹ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt và hủy cấp thị thực đối với công dân Trung Quốc đại lục. Cho nên các cảnh báo du lịch của Trung Quốc như vậy không khả thi” - ông Pang nói. “Việc này giống như Chiến tranh Lạnh và chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng giữa hai nước”.

South China Morning Post cho biết đối với du khách Trung Quốc, mối quan tâm lớn nhất về việc đi du lịch đến Mỹ trong thời kỳ dịch COVID-19 này là việc xin thị thực cũng như các lệnh cấm mà Mỹ ban hành.

Một văn phòng dịch vụ làm thị thực Mỹ cho công dân Trung Quốc tại Bắc Kinh nói rằng mỗi ngày nhận hơn 30 thắc mắc về du lịch đến Mỹ vì họ rất cần thông tin cụ thể để sắp xếp các chuyến bay.

Người quản lý văn phòng này cho hay trước đó khách du lịch Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, đặc biệt là các sinh viên, học giả muốn học tập nghiên cứu tại Mỹ nhưng việc xin thị thực của họ đã bị hoãn.

Du khách Trung Quốc tại thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: CHINA DAILY

Du khách Trung Quốc tại thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: CHINA DAILY

Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn thứ năm của Mỹ trong năm 2017. Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc đến Mỹ đã sụt giảm còn 2,9 triệu lượt năm 2018, một phần do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại hai nước và suy thoái kinh tế.

Lý giải về “phản ứng thái quá” của Mỹ, Phó Giáo sư về lịch sử và văn hóa Trung Quốc hiện đại tại Đại học Washington ở bang Missouri, ông Zhao Ma, nói rằng Mỹ chủ yếu dựa trên những lo ngại về sức khỏe cộng đồng đối với dịch bệnh.

“Đây cũng có vẻ là sử dụng chủ nghĩa dân tộc để chuyển hướng sự chú ý của công chúng và đưa ra những lời chỉ trích đối với chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh” - ông Ma nói.

Còn ông Pang cho biết cảnh báo du lịch đến Mỹ được Bắc Kinh đưa ra có thể được coi là một bước đi, vô tình hay cố ý, hướng tới việc tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ra khỏi Mỹ.

Năm 2019, Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo du lịch, kêu gọi công dân cẩn thận với các vụ xả súng, cướp bóc và chi phí cao cho chăm sóc y tế tại Mỹ. Sau đó, Mỹ cũng đáp trả bằng việc đưa cảnh báo về du lịch đến Trung Quốc, theo South China Morning Post.

NGUYÊN VĂN

Theo plo.vn
Từ khóa:

largeer