Truy tìm mùi hôi “lạ” xuất hiện quanh khu vực Đa Phước: “Hãi hùng” bồn chứa phân hầm cầu khổng lồ lộ thiên

Thứ năm, 13/09/2018, 16:22 PM

Phân hầm cầu từ các xe bồn khắp Sài Gòn tập kết về khu vực Đa Phước, rồi được bơm thẳng vào các bồn chứa lộ thiên khổng lồ bên trong Nhà máy Xử lý chất thải Hòa Bình. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhà máy áp dụng các biện pháp che chắn, khép kín để hạn chế phát tán mùi hôi ra bên ngoài.

Toàn cảnh Khu xử lý chất thải hầm cầu và bùn thải của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình và Nhà máy xử lý chất thải Sài Gòn Xanh (Ảnh: Hiếu CT)

Toàn cảnh Khu xử lý chất thải hầm cầu và bùn thải của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình và Nhà máy xử lý chất thải Sài Gòn Xanh (Ảnh: Hiếu CT)

Như Báo Người Tiêu Dùng đã thông tin, thời gian gần đây, người dân tại khu vực 2 xã Đa Phước và Phong Phú, huyện Bình Chánh liên tục phải gánh chịu một mùi hôi “lạ” giống mùi phân hầm cầu, bùn thải… phát xuất từ khu vực Đa Phước đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và đời sống sinh hoạt của các hộ dân. Nhiều người đặt nghi vấn, rất có thể mùi hôi có nguồn gốc từ Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường đô thị Hòa Bình (Hoà Bình) và Nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh (Sài Gòn Xanh).

Bồn chứa phân hầm cầu và núi bùn thải “lộ thiên”

Lần theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng có mặt tại khu vực nhà máy của 2 đơn vị này tại ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước). Tại đây, phóng viên ghi nhận, cứ khoảng 15 - 30 phút, có một xe bồn chứa phân hầm cầu hoặc xe tải cỡ lớn chở bùn thải đi từ hướng quốc lộ 50, rẽ vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và chạy thẳng vào 2 đơn vị nêu trên. Cứ thế, mỗi ngày có đến hàng trăm xe bồn các loại đưa thứ chất thải có mùi hôi thối nồng nặc này về đổ tại đây.

Bồn chứa phân hầm cầu và núi bùn thải “lộ thiên” (Ảnh: Hiếu CT)

Bồn chứa phân hầm cầu và núi bùn thải “lộ thiên” (Ảnh: Hiếu CT)

Đối với các xe bồn chở phân hầm cầu, sau khi chạy thẳng vào cổng Hòa Bình sẽ được đặt máy hút toàn bộ đổ vào khu vực 6 bể chứa. Trong khi đó, các xe tải chở bùn thải vào cổng Sài Gòn Xanh thì đổ thẳng lên trên các núi bùn thải dày đặc sẵn có. Các núi bùn thải của Sài Gòn Xanh có diện tích khá lớn, bao phủ ra tới phía bờ sông tiếp giáp xã Phong Phú.

Đáng nói, cả 6 bể chứa tập trung cùng nhiều bể chứa rải rác khác bên trong khuôn viên Hòa Bình và hệ thống dày đặc núi bùn thải bên trong Sài Gòn Xanh đều để “lộ thiên”, không hề cho thấy bất cứ dấu hiệu che chắn nào để hạn chế phát tán mùi hôi thối.

Theo ông T.T.T (người dân sống ở đoạn đường xe bồn đi vào nhà máy), số chất thải nói trên được vận chuyển xuyên suốt cả từ sáng đến tối vào 2 công ty xử lý. Thời điểm hoạt động vận chuyển diễn ra tấp nập nhất là khoảng 19 - 21h hằng ngày. Đáng chú ý, đây cũng chính là thời điểm mà người dân ở xã Phong Phú (bên kia sông, đối diện khu xử lý) phản ánh mùi hôi thối nặng nhất, đóng kín cửa nhà vẫn nghe và có những bữa cơm phải bỏ dở giữa chừng vì không chịu được mùi hôi này. Sự trùng hợp này cũng chính là lý do người dân tại xã Phong Phú đặt nghi vấn, mùi hôi “lạ” có nguồn gốc từ Hòa Bình và Sài Gòn Xanh - Báo Người Tiêu Dùng đã đề cập trong bài viết trước.

Trong khi đó, theo giới thiệu của Công ty Hòa Bình, chất thải rút hầm cầu sẽ được xử lý bằng công nghệ sinh học theo phương pháp hiếu khí nước thải sau khi xử lý đạt loại B, đủ tiêu chuẩn xả ra kênh rạch. Đây là nhà máy xử lý chất thải rút hầm cầu được xem là hiện đại đảm bảo xử lý đúng các quy trình công nghệ và không gây ô nhiễm môi trường. Tương tự, nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh với diện tích lên đến 47,6 ha, bùn thải sẽ được xử lý bằng phương pháp hóa vi sinh (ủ compost) kết hợp với hoạt chất tự nhiên khử mùi. Phương pháp này được cho là sẽ khử được mùi hôi của bùn và có thể tái sử dụng để trồng cây hoặc làm phân bón.

Phân hầm cầu, bùn thải… từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Đông Thạnh, Hóc Môn

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, phân hầm cầu và bùn thải trên địa bàn TP.HCM hầu hết được tập trung về bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), một điểm nóng về ô nhiễm môi trường làm khổ người dân hàng chục năm trời. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Công ty Hòa Bình chính thức mở cửa vận hành vào năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã ra quyết định ngưng mọi hoạt động tiếp nhận bùn hầm cầu tại bãi rác Đông Thạnh và một phần số đó đã được đưa về Công ty Hòa Bình xử lý.

Người dân bên sông đối diện khu vực xử lý phân hầm cầu và bùn thải này tỏ rõ sự không hài lòng với việc để những bể chứa phân bồn cầu và những núi bùn thải “lộ thiên” khiến cho mùi hôi thối phát tán mạnh vào khu dân cư. “Chúng ta biết quá rõ sự kinh hoàng do bãi rác Đông Thạnh đã từng tạo ra với người dân Hóc Môn. Chúng ta đã buộc phải đóng cửa nó để bảo vệ sự sống người dân nhưng lại chuyển nó về đây để đe doạ sức khỏe, đời sống của một bộ phận người dân khác. Nó giống việc chúng ta dời chất độc đi vòng quanh mà không hề có giải pháp. Tôi chấp nhận một nhà máy xử lý nhưng phải làm đàng hoàng, bao bịt kín kẻ, không phải để lồ lộ ra đó cho dân ngửi!” - ông Nguyễn Văn Tư (xã Phong Phú) nói.

Chạy trên đường đã hôi!

Ông T.T.T, chủ quán cà phê trên đường quôc lộ 50 phàn nàn với phóng viên: “Những chiếc xe này hôi kinh khủng, đoạn đường nào nó đi qua thì phải hơn 15 phút sau mới hết mùi. Mà cứ 15 phút lại tiếp tục có một xe như vậy nữa đi qua, người dân sao sống nổi. Trước đây, tôi tính tận dụng mặt tiền ngã ba của mình để mở quán nhậu nhưng bây giờ mở sao nổi, người ta đang ăn mà xe này đi qua chắc nôn ra hết quá!”.

Nhóm PVĐT

Theo NTD

largeer