Tuyển sinh 2019: Đại học tư thục, dân lập thu hút sinh viên

Thứ ba, 20/08/2019, 09:38 AM

Trong bối cảnh đào tạo đại học hệ công lập đang bị đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng, đại học tư thục và dân lập lại dần khẳng định được mình và trở thành xu hướng lựa chọn mới của nhiều phụ huynh và học sinh.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại trường Hutech.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại trường Hutech.

Hệ sinh thái đào tạo

Có một thực tế cần phải nhìn nhận, các trường đại học dân lập và tư thục đang làm ngày một tốt hơn công việc đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên. Nếu như các trường đại học công lập, đại học quốc gia vẫn đang loay hoay trong “cái bóng” bao cấp, hoạt động bởi nguồn ngân sách Nhà nước thì các trường tư thục, công lập dường như đã giải quyết được bài toán “tự thu, tự chi” và tạo ra một hệ sinh thái đào tạo với nguồn lực tự thân, bảo đảm chất lượng và đáp ứng nhu cầu việc làm.

Hệ sinh thái ấy bao gồm chất lượng đầu vào, đội ngũ nhân sự dồi dào và giỏi nghề, chất lượng đầu ra và giải quyết nhu cầu việc làm. Mô hình hoạt động này đã cho thấy những thành công nhất định.

Một trong những trường đại học tư thục làm tốt công tác chất lượng đầu ra cho sinh viên cũng như bảo đảm 100% sinh viên ra trường đều có việc làm là Đại học FPT.

Trường đại học tư thục của tập đoàn đa ngành FPT hiện đang có khoảng 13 ngàn sinh viên theo học. Thống kê trung bình, 96% sinh viên trường này có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân là 8,3 triệu đồng/tháng, 19% cựu sinh viên làm việc tại nước ngoài, 100% sinh viên có cơ hội làm việc tại Tập đoàn FPT.

Đại học FPT là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành công nghệ thông tin, khối ngành kinh tế, thiết kế đồ họa, ngôn ngữ, kiến trúc, quản trị khách sạn và các nhóm ngành khác có liên quan cho Tập đoàn FPT cũng như cho các tập đoàn toàn cầu tại khắp nơi trên thế giới và các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện trường này cho biết, Đại học FPT hiện đang là môi trường đào tạo duy nhất trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm cho mọi hoạt động đổi mới trong đào tạo. FPT tiên phong áp dụng mô hình On-the-Job Training tại doanh nghiệp, ngay từ năm thứ ba, 100% sinh viên của trường bắt buộc phải trải qua giai đoạn thực tập từ 4-8 tháng tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn FPT. Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Đại học FPT và các công ty đối tác, sinh viên sẽ được tham gia vào các dự án để cọ xát học hỏi và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Sự kết hợp giữa nghiên cứu  lý thuyết và ứng dụng thực hành là một trong những chuẩn mực đào tạo hiện đại. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh tiêu biểu của sinh viên Đại học FPT trên thị trường lao động hiện nay.

Không gia nhập vào đội ngũ làm việc cho các công ty đa quốc gia, sau khi ra trường nhiều sinh viên FPT đã tự tin chọn con đường khởi nghiệp, tự đứng ra thành lập doanh nghiệp của riêng mình và gặt hái được những thành tựu ban đầu đáng khích lệ.

Cũng là mô hình liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, Đại học Hồng Bàng chú trọng phát triển cơ sở vật chất, tạo dựng môi trường sinh hoạt lý tưởng cho sinh viên, bảo đảm cuộc sống sinh viên không chỉ là học mà còn gắn liền với phát triển kỹ năng, sinh hoạt lành mạnh. Hiện tại, không nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung có phòng tập gym, tập đánh golf, hồ bơi ngay trong khuôn viên đào tạo cho sinh viên.

Đại học Tôn Đức Thắng cũng được đánh giá cao về cơ sở vật chất.

Đại học Tôn Đức Thắng cũng được đánh giá cao về cơ sở vật chất.

Chuyển hướng

Việc các trường đại học tư thục thu học phí cao chính là rào cản lớn trong việc lựa chọn môi trường giáo dục đào tạo từ phía các bậc phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chi phí lớn mang lại một hiệu quả giáo dục cao là điều mà các trường đại học tư thục, dân lập đang hướng đến và làm ngày một tốt hơn. Đào tạo đại học tư thục và dân lập đang dần khẳng định được mình và trở thành xu hướng lựa chọn mới của phụ huynh và học sinh.

Là sinh viên đang theo học một trường tư thục trên địa bàn TP.HCM, bạn T.P.Q.Như (20 tuổi), chia sẻ: “Em đã từng đắn đo lựa chọn nguyện vọng ngành du lịch trong các trường Nhân Văn, Hoa Sen và Tài chính - Marketing. Cuối cùng em chọn Hoa Sen là nguyện vọng 1 và đã đậu trường này và em không lựa chọn sai. Em rất thích cách đào tạo gắn liền với thực tế của trường, trải nghiệm thực tế của em phong phú hơn các bạn cùng chuyên ngành ở các trường công lập”.

Trong khi đó, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, phụ huynh của hai sinh viên đang học các trường tư thục trên địa bàn TP.HCM cho biết: “Nói thực thì vợ chồng tôi cũng phải khá vất vả để xoay sở cho cả hai con theo học trong bối cảnh học phí của mỗi trường lên đến vài chục triệu hay thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhưng tôi thấy những chi phí mình bỏ ra khá ổn, ít nhất là như cháu lớn của tôi ra trường là có ngay việc làm”.

Đánh giá về vấn đề này, nhà nghiên cứu giáo dục, xã hội, TS. Trần Minh Trọng phân tích: “Tôi cho rằng việc ngày càng nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn đại học tư thục, dân lập là một tín hiệu tốt. Ít nhất, ở thời điểm hiện tại, các trường tư thục, dân lập đang làm tốt hơn các trường công ở một điểm: Họ tạo ra một hệ sinh thái giáo dục rất tốt, từ cơ sở vật chất đến đầu ra và ngày càng làm tốt hơn về chất lượng đào tạo. Từ những giáo viên được thuê từ các trường công, qua thời gian đào tạo, họ tạo ra một đội ngũ giáo viên cơ hữu đạt chất lượng tốt bằng nội tại của mình. Sinh viên các trường tư thục dân lập năng động hơn nhiều so với công lập. Vậy nên, tỷ lệ ra trường kiếm được việc làm cao hơn cũng đúng”.

Ngoài ra, ông Trọng cũng cho rằng, xét ở một khía cạnh khác, các trường công lập cần đổi mới triệt để về phương pháp giảng dạy, bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời kỳ hội nhập, tránh rập khuôn, lý thuyết. “Có một thực tế là các trường công lập tuy học phí khá rẻ, đầu vào của sinh viên được chọn lọc kỹ càng hơn nhưng chất lượng đầu ra không thực sự như mong đợi” - ông Trọng đúc kết.

Đăng Kiệt

Theo NTD

largeer